Triển vọng kinh tế u ám thúc đẩy hoạt động bán tháo trên thị trường chứng khoán Canada
Cụ thể, chỉ số S&P/TSX giảm hơn 520 điểm, tương đương 2,75%, đóng cửa ở mức 18.480 điểm, giữa lúc giá dầu thô cũng đang lao dốc. Đó là mức thấp nhất của chỉ số S&P/TSX kể từ tháng 7/2022.
Cũng trong phiên 23/9, giá dầu thô New York giao tháng 11/2022 giảm 4,75 USD (5,7%) xuống 78,74 USD/thùng. Chất xúc tác thổi bùng lên xu hướng suy giảm của giá dầu dường như xuất phát từ những cảnh báo của các ngân hàng trung ương rằng họ cam kết kiềm chế lạm phát cho dù cái giá phải trả là nền kinh tế suy thoái.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 21/9 đã tăng lãi suất và 9 quốc gia khác trên thế giới cũng nối gót Fed vào ngày hôm sau.
Suy thoái kinh tế sẽ dẫn đến nhu cầu năng lượng ít hơn nhiều, đó là lý do tại sao dầu thô bị bán tháo. Khoảng 1/5 số công ty thuộc TSX hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và giá cổ phiếu của những công ty này giảm nhiều nhất trong phiên 23/9. Cổ phiếu của Suncor, Cenovus, MEG Energy và Crescent Point đều mất giá hơn 8% trong phiên 23/9.
Ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Canada đã đi "trật đường ray". Đáng chú ý, nền kinh tế này đã để mất việc làm trong ba tháng liên tiếp.
Thị trường chứng khoán đang phản ứng với sự ảm đạm đó, và một số nhà phân tích cho rằng còn nhiều điều đau đớn nữa sắp xảy ra. Phiên 23/9, đồng nội tệ CAD của Canada giảm xuống còn 73,61 xu Mỹ/CAD, mức thấp nhất trong hơn hai năm.
Giá cổ phiếu ở New York cũng rơi vào tình trạng bị bán tháo. Edward Moya, một nhà phân tích của công ty ngoại hối Oanda dự đoán, trong vài tuần tới, các nhà đầu tư dài hạn có thể ngần ngại mua vào.
Sau khi "tận hưởng" mức tăng mạnh trong hai năm qua, Phố Wall trong năm 2022 đã bị bủa vây bởi tâm lý lo lâu trước một loạt vấn đề, bao gồm cuộc xung đột ở Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, tình trạng dịch COVID-19 ở Trung Quốc và các điều kiện tài chính trên toàn cầu bị siết chặt hơn.