|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thương vụ Việt Nam tại Canada

00:29 | 09/03/2020
Chia sẻ
Năm 2019, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á. Giai đoạn 2010 - 2018, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Canada đã tăng gấp ba lần.
Thương vụ Việt Nam tại Canada - Ảnh 1.

Quốc kì của Canada.

Thông tin địa chỉ Thương vụ Việt Nam tại Canada

Địa chỉ thương vụ: 161 Sherwood Drive, Ottawa, Ontario, K1Y 3V5, Canada.

Điện thoại: (613)715-968340

Fax: (613)715-9482

Email: ca@moit.gov.vn; dungmex@yahoo.com

Tham tán: Bà Đỗ Thị Thu Hương

Thông tin cơ bản về quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Canada

Trong năm 2019, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt 7,8 tỉ CAD (5,98 tỉ USD).

Báo Chính phủ đưa tin, chỉ sau một thời gian ngắn CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng trưởng mạnh.

Hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada đạt hơn 506 triệu USD, tăng gần 37% so với cùng kì năm trước.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Canada đã tăng gấp 3 lần, từ 1,14 tỉ USD năm 2010 lên 3,85 tỉ USD trong năm 2018.

Trong đó, Việt Nam luôn xuất siêu sang Canada. Năm 2018, giá trị xuất siêu đạt 2,14 tỉ USD.

Với hơn 37 triệu dân, mức sống cao và tỉ lệ đô thị hóa tới 80%, Canada được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: dệt maygiày dépthủy sảnchèhạt tiêuhạt điềucà phêđồ gỗ

Canada cam kết xóa bỏ 94,5% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực, tương đương với 78% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam.

Từ năm thứ 4, Canada xóa bỏ 96,3% số dòng thuế, tương đương với 93,4% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Trong đó, nông sản, thủy sản được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn ngay khi CPTPP có hiệu lực.

Theo phân tích, người tiêu dùng Canada đa dạng về chủng tộc và văn hóa, người Canada gốc châu Á tăng nhanh trong những năm gần đây nên nhu cầu thực phẩm châu Á cũng gia tăng.

Canada có chính sách khá mở về nông sản nhiệt đới với thuế nhập khẩu bằng 0% và không có nhiều rào cản kĩ thuật. Vì vậy, đây là cơ hội cho hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam nếu khắc phục được hạn chế do bảo quản và vận chuyển xa.

Về thủy sản, tôm đông lạnh và cá tra là hai mặt hàng truyền thống cũng có chỗ đứng khá vững trên thị trường Canada. Doanh nghiệp có thể khai thác hơn nữa đối với thủy sản chế biến và môt số mặt hàng chất lượng cao như cá ngừ, mực, bạch tuộc...

Về dệt may, hiện hàng dệt may của Việt Nam mới chiếm khoảng 7% tổng nhập khẩu của Canada.

Khi CPTPP thực thi, thuế nhập khẩu hàng dệt may vào Canada sẽ giảm từ 17-18% xuống còn 0% nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Chênh lệch về thuế nhập khẩu trước và sau CPTPP sẽ là động lực thúc đẩy dệt may xuất khẩu vào thị trường Canada.

N. Lê