Đa số dầu mỏ của Nga bán trên mức giá trần 60 USD/thùng
Theo Financial Times, một quan chức cấp cao của chính phủ châu Âu cho biết “hầu như không có” lô hàng dầu mỏ xuất khẩu qua đường biển của Nga trong tháng 10 dưới mức giá trần 60 USD/thùng mà G7 và các đồng minh đã cố gắng áp đặt.
“Dữ liệu mới nhất cho thấy các nước sẽ phải cứng rắn hơn, hoàn toàn không thể để Nga tiếp tục làm điều này”, quan chức này nói.
Các quan chức EU đã tổ chức các cuộc thảo luận trong những ngày gần đây về việc tăng cường hiệu quả của lệnh giới hạn, bao gồm các lựa chọn tăng cường thực thi hoặc hạn chế khả năng tiếp cận của Nga vào thị trường tàu chở dầu đã qua sử dụng.
Mối lo ngại của các quan chức phương Tây càng tăng lên khi số liệu thống kê chính thức của Nga cho thấy giá bándầu mỏ trung bình trên 80 USD/thùng.
Giá dầu xuất khẩu của Nga tăng vọt đã giáng một đòn mạnh vào nỗ lực của G7 nhằm hạn chế nguồn vốn chảy vào Điện Kremlin.
Các nước thành viên nhóm G7 và Australia đã đưa ra các biện pháp giới hạn giá dầu thô vào tháng 12 năm ngoái nhằm mục đích siết chặt nguồn thu ngân sách của Nga. Các nước này đã cắt đứt khả năng tiếp cận các dịch vụ phương Tây như vận chuyển và bảo hiểm trừ khi các nhà giao dịch tuân thủ giới hạn 60 USD/thùng.
Mặc dù các biện pháp này đạt được một số thành công ban đầu, tuy nhiên Nga đã tỏ ra thành thạo trong việc chống lại chúng. Chẳng hạn như nước này đã như xây dựng “hạm đội bóng tối” gồm các tàu chở dầu cũ để tránh né các thị trường phương Tây.
Giá dầu Urals trung bình, loại xuất khẩu chính của Nga, đã vượt trên giới hạn 60 USD/thùng mùa hè này trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng mạnh do Nga và OPEC+ hạn chế sản lượng. Tuy nhiên, một phần dầu Urals vẫn được giao dịch dưới mức 60 USD/thùng.
Nhưng trước đó, theo số liệu Financial Times có được, gần 3/4 tổng lượng dầu thô bằng đường biển của Nga được vận chuyển mà không có bảo hiểm phương Tây trong tháng 8, một dấu hiệu quan trọng cho thấy mức giới hạn giá đang dần bị phá vỡ.
Vào tháng 10, chỉ có 37 trong số 134 tàu vận chuyển dầu của Nga có bảo hiểm phương Tây và các quan chức cho biết con số tàu hoạt động tuân thủ dưới mức trần hiện nay có thể sẽ thấp hơn nhiều.
Các quan chức châu Âu lo ngại rằng một số nhà cung cấp bảo hiểm phương Tây đã nhận được những tờ khai sai lệch từ các công ty dầu mỏ hoặc thương nhân Nga, trong đó phải cung cấp văn bản đảm bảo rằng dầu thô có giá dưới 60 USD/thùng.
Các quan chức phương Tây cho biết họ vẫn cam kết duy trì mức trần giá, ngay cả khi họ thừa nhận rằng rất ít chuyến hàng vẫn được giao dịch dưới mức đó.
Một quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho biết mục tiêu không chỉ là nỗ lực “đưa càng nhiều thùng dầu bán dưới mức giá 60 USD/thùng càng tốt” mà còn là “khiến Nga phải đưa ra những lựa chọn khó khăn”.
Việc chuyển sang bán dầu phần lớn không có bảo hiểm và vận chuyển của phương Tây đã gây ra “chi phí lớn” cho Điện Kremlin.
Ông Jeffrey Sonnenfeld, giáo sư tại Trường Quản lý Yale, người đã tư vấn cho Bộ Tài chính Mỹ về giới hạn giá, cho biết Nga sẽ phải chọn hành trình vận chuyển dài hơn, phí bảo hiểm cao hơn, nâng cấp công suất cảng và các khoản phí phát sinh khác đã ăn mòn lợi nhuận của Nga khoảng 36 USD/thùng dầu.
Các thành viên G7 đã bắt đầu tăng cường thực thi lệnh giới hạn giá. Tuần trước, Vương quốc Anh đã trừng phạt Paramount Energy & Commodities DMCC, một công ty kinh doanh có trụ sở tại Dubai. Giới chức Anh cho rằng công ty này đã “được Nga sử dụng để làm dịu đi đòn trừng phạt liên quan đến dầu mỏ”.
Giới thạo tin cho hay Bộ Tài chính Mỹ trong tháng này đã yêu cầu thông tin từ 30 công ty quản lý đối với 98 tàu mà họ nghi ngờ vi phạm lệnh giới hạn.
Trong số 30 công ty quản lý tàu được liên hệ, 17 công ty thuộc các nước thuộc liên minh G7, 6 công ty khác thuộc Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, còn lại đến từ Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Hong Kong và Indonesia.
Giá dầu Nga vẫn thấp hơn dầu Brent với mức trung bình khoảng 89 USD/thùng trong tháng 10. Nhưng Nga có thể đã giảm mức chiết khấu đối với dầu của mình từ mức 40 USD/thùng vào đầu năm nay xuống dưới 10 USD/thùng vào tháng trước.
Giới hạn giá được thiết kế để giữ cho dầu thô của Nga tiếp tục lưu thông trên thị trường toàn cầu do các thành viên G7 muốn tránh tình trạng khan hiếm nguồn cung khiến giá tăng lên và Nga tiếp tục được hưởng lợi.
Thực tế, Nga cũng đã đặt ra các hạn chế đối với việc xuất khẩu nhiên liệu đã tinh chế với lý do thiếu hụt trong nước. Điều này khiến các nước lo ngại Moscow có thể vũ khí hóa nguồn cung dầu.