|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đã hết thời tiền rẻ, NHNN đối mặt với nhiều thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ

14:37 | 06/08/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia phân tích của VDSC, từ nay đến cuối năm, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn còn khá nhiều thách thức do ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan.

 Ảnh minh hoạ: Báo Đầu tư.

Theo báo cáo vĩ mô tháng 8 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), diễn biến điều hành chính sách tiền tệ củaNgân hàng Nhà nước (NHNN) qua các kênh bán ngoại tệ, phát hành tín phiếu và mua kỳ hạn trên thị trường mở cho thấy hàm ý rằng ngân hàng trung ương sẽ kiểm soát chặt chẽ thanh khoản tiền đồng trong hệ thống từ nay đến cuối năm nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Đồng thời, việc vay tiền từ NHNN sẽ không còn rẻ như trước bởi những ngân hàng bị thiếu hụt về thanh khoản buộc phải đấu thầu để vay với mức chi phí cao hơn.  

Ngoài ra, trong tháng 7/2022, với việc NHNN tuyên bố giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 ở mức 14% trong khi tăng trưởng tín dụng đến 26/7 đã là 9,4% đồng nghĩa với định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ cho dù NHNN chưa có động thái nâng lãi suất điều hành.  

Điều gì đã xảy ra với thị trường tiền tệ trong tháng 7?

Cụ thể, trong tháng 7, NHNN đã tích cực can thiệp thông qua thị trường mở và phát hành tín phiếu để điều tiết thanh khoản tiền đồng trong hệ thống ngân hàng, đồng thời giúp kiềm giữ đà tăng của tỷ giá.

Cụ thể, việc phát hành tín phiếu được sử dụng liên tục trong 1 tháng từ 22/6 đến 21/7 nhằm hút bớt tiền đồng ra khỏi hệ thống ở các kỳ hạn khác nhau. Tính đến ngày 31/7, lượng tín phiếu đang lưu hành đạt xấp xỉ 111.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 87.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào nửa đầu tháng 8/2022, và phần còn lại sẽ đáo hạn vào trung tuần tháng 9/2022.

 

Diễn biến phát hành tín phiếu khởi động bằng các kỳ hạn ngắn sau đó kéo dài lên các kỳ hạn dài hơn là 28 ngày và 56 ngày.

Trong tháng 7, NHNN cũng đã điều chỉnh tăng giá bán USD từ mức 23.250 VND lên 23.400 VND, đồng thời chuyển từ phương thức bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay. Lượng USD bán giao ngay trong tháng qua ước đạt 3,5 tỷ USD, tương đương 81.900 tỷ đồng.

Cũng bởi vì lượng tiền đồng rút ra khỏi hệ thống quá lớn từ cả hai kênh tín phiếu và bán USD, trong tuần cuối tháng 7, NHNN đã hỗ trợ thanh khoản trở lại thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn.

Điểm đáng chú ý là NHNN hút tiền về ở các kỳ hạn dài nhưng chỉ bơm hỗ trợ thanh khoản cho kỳ hạn ngắn là 7 ngày, đồng thời chuyển từ phương thức đấu thầu khối lượng sang đấu thầu lãi suất.

Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tính đến cuối tháng 7 lên đến hơn 52.000 tỷ đồng, mức cao đột biến so với giai đoạn nửa đầu năm, tuy nhiên, do đều là các kỳ hạn ngắn và lượng tiền bơm trở lại có xu hướng giảm dần nên số dư trên kênh này giảm chỉ còn khoảng 29.500 tỷ đồng tính đến ngày 2/8/2022.

Trước những động thái điều hành kể trên, áp lực mất giá tiền đồng đã có dấu hiệu hạ nhiệt thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh lên vùng 4,0-5,0% khiến cho chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng đã đảo chiều từ âm sang dương.

Tỷ giá USD/VND thu hẹp đà tăng từ mức tăng đỉnh điểm 2,7% còn 2,3% vào cuối tháng 7.

 

Nhiều thách thức với việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN

Theo các chuyên gia phân tích của VDSC, từ nay đến cuối năm, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn còn khá nhiều thách thức gồm:

Thứ nhất, lãi suất điều hành của Fed sẽ còn vài lần tăng nữa với mức tăng kỳ vọng khoảng 1,5-1,75% trong cuộc họp tháng 9, 11 và 12 sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu USD;

Thứ hai, lãi suất huy động tiếp tục tăng kéo theo việc tăng trưởng huy động vốn bắt kịp tăng trưởng tín dụng sẽ gây áp lực lên việc điều tiết thanh khoản trong hệ thống ngân hàng;

Thứ ba, thời điểm và mức độ cấp phép thêm room tín dụng nếu không khéo léo sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng năm 2023.

Thứ tư, triển vọng xuất khẩu và kinh tế toàn cầu kém khả quan sẽ khiến nguồn cung USD không dồi dào như thời điểm cuối năm của các năm trước.

Điểm thuận lợi là lạm phát Việt Nam vẫn đang diễn biến trong biên độ cho phép nhờ giá dầu thế giới đang giảm, tăng trưởng kinh tế năm 2022 không đáng lo trên cơ sở mức nền thấp của cùng kỳ. Dù vậy, bức tranh kinh tế năm 2023 đang dần hé lộ với rất nhiều khó khăn phía trước, ưu tiên kiểm soát lạm phát và ổn định tăng trưởng nhiều khả năng sẽ không thể song hành trong năm sau. 

Diệp Bình