'Cứu' nông dân trồng mía bằng áp dụng công nghệ
'Thủ phủ' mía miền Tây tính đường tháo chạy khỏi cây mía |
Theo Báo Tây Ninh, giá mía ngày càng giảm, kéo theo lợi nhuận của nông dân địa bàn tỉnh lao dốc.
Ðể nông dân yên tâm trồng mía, trong niên vụ 2018 - 2019, nhà máy mía đường Nước Trong bắt đầu áp dụng một số cải tiến mới trong kĩ thuật canh tác nhằm hạ giá thành sản xuất, gia tăng tính cạnh tranh của cây mía so với các loại cây trồng khác.
Cơ giới hoá trong thu hoạch mía ở vùng nguyên liệu thuộc nhà máy đường Nước Trong. Ảnh: Báo Tây Ninh |
Ông Dương Nguyễn Phúc, Phó Giám đốc nhà máy đường Nước Trong (xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), cho biết cơ giới hoá là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, giúp giảm chi phí, tăng năng suất. Nhà máy đường Nước Trong là một trong 9 nhà máy đường thuộc Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà.
Cụ thể, nông trường thuộc vùng nguyên liệu của nhà máy đã sử dụng máy kéo công suất cao để kết hợp cày “ba trong một” gồm cày ngầm, bón phân và rạch hàng. Việc cải tiến kĩ thuật cày đã giúp người trồng mía tiết kiệm chi phí so với trước đây, khi phải thực hiện lần lượt từng khâu (rẻ hơn 800.000 đồng/ha so với quy trình cũ).
Ông Dương Nguyễn Phúc cho biết thêm, việc áp dụng các kĩ thuật canh tác mới này đã bước đầu tạo ra hiệu quả cho nông trường. Nếu khả quan, nhà máy sẽ nhân rộng quy mô, phổ biến rộng ra vùng nguyên liệu của nhà máy cũng như ruộng mía hợp tác với nông dân.
Ðáng chú ý là theo định hướng của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, nhà máy đường Nước Trong đang hướng đến việc sản xuất nông nghiệp sạch và định hướng đến năm 2022 sẽ chuyển thành vùng nguyên liệu chuyên canh mía organic.
Hiện tại, nhà máy đường Nước Trong đã vào vụ chế biến. Sản lượng mía ép tính đến ngày 18/11 là 81,949 tấn; sản lượng đường thành phẩm 8,045 tấn.
Tuy nhiên, nhà máy đang gặp một số khó khăn trong quá trình thu hoạch mía, đó là tình trạng nhân công lao động ngày càng khan hiếm, thiếu hụt. Giá mía giảm chỉ còn 700.000 đồng/tấn dẫn đến tình trạng diện tích đất trồng mía bị thu hẹp. Dù mới đầu vụ chế biến nhưng diện tích mía cháy tăng liên tục.
Xem thêm |