|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sàn TMĐT lớn nhất Hàn Quốc chiêu mộ CTO gốc Việt Thuận Phạm

14:52 | 27/05/2021
Chia sẻ
Nhắc đến những người Việt ở Thung lũng Silicon, ông Thuận Phạm là một trong những cái tên được nhiều người nhắc nhắc đến đầu tiên khi từng có nhiều năm làm Giám đốc công nghệ tại Uber.

Nhân sự lâu năm bậc nhất của Uber

Giám đốc công nghệ gốc Việt nổi tiếng thung lũng Silicon làm gì sau khi rời Uber? - Ảnh 1.

Thuận Phạm là một trong những nhân sự làm việc lâu năm nhất tại Uber. (Ảnh: Bloomberg)

Cách đây hơn 3 thập kỷ, năm 12 tuổi, ông Thuận rời Việt Nam sang Mỹ. Theo thông tin trên LinkedIn cá nhân, ông có bằng cử nhân ngành Kỹ thuật và Khoa học Máy tính và bằng thạc sỹ ngành Kỹ thuật điện tử và Khoa học Máy tính tại Viện Công nghệ Massachusetts. Thuận Phạm được nhiều người biết đến khi đầu quân cho Uber trong vai trò Giám đốc công nghệ vào năm 2013. Ông là người được chính vị nhà sáng lập Travis Kalanick lựa chọn.

Trước đó, ông từng đảm nhận nhiều vị trí cấp cao khác trong các công ty công nghệ như Phó Chủ tịch mảng nghiên cứu và phát triển tại Vmware hay Phó Chủ tịch kỹ thuật tại Westbridge Technology và DoubleClick.

Vị giám đốc công nghệ gốc Việt rời Uber vào cuối tháng 4 năm 2020. Ông là một trong những nhân viên làm việc tại Uber trong thời gian dài nhất, vượt qua cả Travis Kalanick, người bị yêu cầu rời ghế CEO Uber vào năm 2018. Ông cũng làm việc tại Uber lâu hơn nhiều thành viên của "đội ngũ A" gồm nhiều nhà cố vấn được ông Travis Kalanick tín nhiệm.

Ông Thuận rời Uber trong bối cảnh công ty này trải qua đợt cắt giảm nhân sự mạnh mẽ. TechCrunch tiết lộ Uber có thể đã yêu cầu cắt giảm tới 20% trong tổng số định biên nhân sự khoảng 27.000 người. 800 người trong số đó có thể là nhân sự của đội ngũ kỹ thuật do Thuận Phạm lãnh đạo. Thời điểm đó, đội ngũ của ong có khoảng 3.800 người.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg sau khi rời Uber, ông Thuận nói rằng việc điều hành mảng công nghệ của "ông lớn" ngành gọi xe "thực sự là một gánh nặng rất lớn". Sau khi rời đi, ông muốn dành thời gian chia sẻ với các sinh viên đại học đồng thời là cố vấn cho các doanh nhân thay vì đầu quân cho một công ty công nghệ lớn khác.

"Tôi nghĩ là không có nhiều khả năng tôi sẽ lại đảm nhận một vị trí vận hành khác, tuy nhiên tiêu chuẩn cho một khả năng như thế sẽ là rất cao", Thuận Phạm nói với TechCrunch. "Tôi sẽ chỉ là một công việc thú vị hơn những gì tôi đã làm ở Uber".

Đầu quân cho "Amazon Châu Á"

Giám đốc công nghệ gốc Việt nổi tiếng thung lũng Silicon làm gì sau khi rời Uber? - Ảnh 2.

Coupang được thành lập vào năm 2010. Công ty thương mại điện tử này thực hiện IPO hồi đầu năm nay trên sàn Mỹ. (Ảnh: Financial Times)

Sau khi rời Uber, ông Thuận là cố vấn và nhà đầu tư cho nhiều công ty. Tới tháng 9/2020, ông đầu quân cho Coupang, sàn thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc.

Sau khi gặp CEO Bom Kim, ông cảm thấy hào hứng với việc áp dụng những trải nghiệm mình đã có ở Uber vào một công ty thuộc ngành khác.

Coupang nổi tiếng với dịch vụ giao hàng nhanh của mình, bao gồm dịch vụ Dawn Delivery (giao hàng sáng sớm), trong đó người dùng có thể nhận được các kiện hàng trước 7 giờ sáng nếu đặt hàng trước nửa đêm. Cựu giám đốc công nghệ gốc Việt thừa nhận rằng khả năng giao hàng nhanh như vậy là một hấp dẫn lớn đối với khách hàng.

"Có thể công ty không sáng tạo về mặt công nghệ nhưng lai sáng tạo về mặt kinh doanh. Dĩ nhiên công nghệ có thể giúp sự sáng tạo này gia tăng được quy mô", ông chia sẻ trong bài phỏng vấn với TechCrunch.

Mặc dù Coupang đang là một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất khu vực, ông Thuận nói rằng công ty "vẫn đang ở giai đoạn đầu".

Tháng 3 năm nay, Coupang thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu sàn TMĐT này tăng tới 40% để đưa giá trị vốn hoá chạm mốc 84,47 tỷ USD. 

Theo CNBC, Coupang đang có hơn 100 trung tâm logistics và xử lý hàng hoá tại hơn 30 thành phố. Đội ngũ giao hàng của nó có tới hơn 15.000 tài xế. Trước đó, hồi năm 2018, trong vòng gọi vốn tư nhân gần nhất, Coupang có định giá 9 tỷ USD.

Nam Khánh