|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc tháo chạy khỏi Thung lũng Silicon của những gã khổng lồ công nghệ

17:20 | 09/10/2021
Chia sẻ
Mức thuế thấp, chi phí mặt bằng rẻ, ít thủ tục và luật lệ khiến các công ty công nghệ như Tesla ồ ạt "di cư" đến Texas, để lại cơn đau đầu cho thung lũng Silicon ở California.

Thống đốc Gavin Newsom thường xuyên vỗ ngực tự hào rằng California của ông là tiểu bang đi đầu trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến và công nghệ xanh. Giờ đây, một trong những tập đoàn nổi bật nhất trong số ấy đang chuyển trụ sở chính tới tiểu bang khác, theo Yahoo! Finance.

Đến với vùng đất mới

Việc Tesla chuyển từ Thung lũng Silicon đến Texas là một đòn giáng mới nhất vào vị thế trung tâm công nghệ của California, vốn là nơi đặt trụ sở chính của nhà sản xuất ô tô điện kể từ khi thành lập cách đây 18 năm.

Tesla tham gia làn sóng cùng với những gã khổng lồ khác bao gồm Oracle, Hewlett Packard (HP) và Charles Schwab trong việc chuyển trụ sở chính của họ sang “Ngôi sao cô đơn” (The Lone Star - biệt danh của Texas) vốn có chi phí rẻ hơn, thuế thấp hơn và quy định dễ chịu hơn trong hai năm qua.

Tesla rời đi báo hiệu sự suy yếu của Thung lũng Silicon? - Ảnh 1.

CEO Tesla, Elon Musk gặp mặt với Thống đốc Texas, Greg Abbot. (Ảnh: Business Insider).

Tất cả các tập đoàn công nghệ này đều đã từng có mặt tại California, cho thấy rõ tầm quan trọng của tiểu bang có quy mô nền kinh tế đứng thứ năm thế giới. Nhưng sự “dứt áo ra đi” gần đây của nhiều công ty cho thấy California đang có nhiều vấn đề nan giải.

Đơn cử như chi phí nhà ở đắt đỏ nhất quốc gia cho đến mức thuế cao chót vót và những chính sách về khí thải. Những điều này đã đặt ra mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế của tiểu bang nếu cuộc “di tản” và “chảy máu chất xám” này tiếp tục.

Và việc đánh mất Tesla - một công ty khởi nghiệp năng lượng sạch, vốn là hiện thân của đại bộ phần nền kinh tế tiểu bang - thực sự là một đòn đau mang ý nghĩa biểu tượng.

Ông David McCuan, trưởng bộ môn khoa học chính trị của Đại học Sonoma, bình luận: “Tesla với tư cách là một thương hiệu không chỉ đại diện cho Motor City, mà nó còn đại diện cho Thung lũng Silicon và Hollywood [có lẽ ngầm ám chỉ ồn ào tình ái của Musk với các cô đào điện ảnh nổi tiếng]. Nó thực sự là một công ty đã phát triển lớn mạnh ở California. Nhưng Elon Musk là một con người khác thường, và rồi họ đã tới Texas.”

Tỷ phú Elon Musk, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Tesla, đã nêu ra một số vấn đề khá nghiêm trọng của California khi ông thông báo về việc chuyển từ Palo Alto đến Austin, thủ phủ Texas. Chẳng hạn, nhà máy Fremont của công ty chật cứng công nhân và thiết bị, và có rất ít không gian để xây dựng xung quanh.

Bên cạnh đó, ông trùm công nghệ đã mâu thuẫn gay gắt với chính quyền tiểu bang về cách chống dịch COVID-19-19 khi mà các chính sách “lockdown” (đóng cửa - NV) của California thuộc hàng khắt khe bậc nhất cả nước.

Musk đã bất chấp các chỉ thị của tiểu bang bằng cách khởi động lại sản xuất tại nhà máy của mình. Vị tỷ phú nói rằng Tesla vẫn sẽ duy trì sự hiện diện ở California và sẽ tiếp tục phát triển tại đây - nhưng ông nhấn mạnh rằng bản thân đã nhìn thấy nhiều cơ hội hơn để phát triển ở Texas.

Dốc nhẵn tiền để thuê nhà tại Thung lũng Silicon

Năm ngoái, chính Elon Musk cũng trở thành cư dân của Texas, nói rằng: “Thật khó để mọi người có đủ tiền mua nhà và nhiều nhân viên phải vượt chặng đường dài để đến được nơi làm việc. Bên cạnh đó, công ty chỉ có thể phát triển đến một quy mô nhất định ở khu vực Bay Area này (trung tâm California).”

Đặc biệt, khu vực Bay Area này từ lâu đã được các công ty coi là một môi trường kinh doanh không thân thiện. Các công ty đã phải đưa ra mức đãi ngộ hậu hĩnh hơn bao giờ hết để người lao động có thể theo kịp với chi phí nhà ở cao “cắt cổ”. Nhiều người lao động sẽ “nhẵn túi” nếu phải “đốt tiền” cho việc thuê nhà gần chỗ làm, điều này buộc họ phải thuê nhà và đi làm từ nơi xa hơn.

Hiệp hội các nhà môi giới nhà California dự báo trong tuần này rằng giá nhà trung bình dành cho một gia đình tăng lên mức kỷ lục 834.000 USD vào năm tới, cao hơn gấp đôi so với giá trung bình quốc gia. Giá bán nhà trung bình ở quận Santa Clara - trung tâm của Thung lũng Silicon - là 1,66 triệu đô la vào tháng 8, tăng gần 11% so với một năm trước đó, theo số liệu này.

Thống đốc Gavin Newsom tháng trước đã phải nhờ cậy đến các đồng minh “tai to mặt lớn” từ Dân chủ đến California vận động tranh cử, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, mới vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm từ 2 triệu cử tri bất mãn, mà nguyên nhân do sự tức giận về chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tình trạng tội phạm tăng cao, số lượng dân vô gia cư cũng như nhập cư bất hợp pháp đông đảo của tiểu bang. 

Tuy nhiên hôm thứ Sáu vừa rồi, thống đốc né tránh các chỉ trích, đồng thời nhấn mạnh rằng tiểu bang đã tạo ra hơn 750.000 việc làm kể từ đầu năm nay. Ông cho biết các chính sách của California khuyến khích sự đổi mới và đầu tư vào xe điện đã góp phần vào thành công của Tesla.

“Môi trường pháp lý của chúng tôi đã giúp tạo ra công ty này và giúp nó phát triển (chỉ Tesla),” ông Newsom cho biết tại một cuộc họp báo.

Vẫn là thỏi nam châm thu hút đầu tư công nghệ

Dù sao thì động thái của Tesla vẫn mang tính biểu tượng hơn là gây ra hậu quả về kinh tế. Trong khi ngành công nghiệp công nghệ là một phần quan trọng trong nền kinh tế tiểu bang, California cũng gặt hái thành quả từ các lĩnh vực sinh lợi khác, chẳng hạn như thương mại và giải trí.

Tiểu bang đã ghi nhận thặng dư ngân sách 75,7 tỷ đô la và lượng thuế thu được một lần nữa đánh bại dự báo - cao hơn khoảng 18% - cho năm tài khóa bắt đầu vào tháng Bảy này. Xếp hạng tín dụng của “Tiểu bang Vàng” (The Golden State - biệt danh của Cali) ở mức cao nhất trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây.

Tương tự như vậy, thung lũng Silicon vẫn là một thỏi nam châm thu hút đầu tư công nghệ. Trong quý thứ ba, tổng cộng 27,1 tỷ đô la đã được rót thêm vào khu vực, tăng 17% so với ba tháng trước đó, theo một báo cáo gần đây về đầu tư mạo hiểm từ CBInsight.

Tuy nhiên, tiểu bang có rất ít giải pháp về cách khắc phục những vấn đề cấp bách nhất của mình. Tình trạng xây dựng để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở vẫn chưa đạt chỉ tiêu được giao.

Thuế thì khó mà giảm, thậm chí là...tăng đều - một đặc trưng của chính quyền các tiểu bang Dân chủ. Còn biến đổi khí hậu không chỉ góp phần gây ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng đến mức mà ông Donald Trump phải đích thân tới California thị sát năm 2018 và 2020. Đó là chưa kể đến những vấn đề khác gây ra như hạn hán, mất điện và không khí ô nhiễm với đầy khói bụi.

Tesla rời đi báo hiệu sự suy yếu của Thung lũng Silicon? - Ảnh 2.

Thống đốc tân cử Gavin Newsom báo cáo tình hình cháy rừng ở California cho Tổng thống Donald Trump năm 2018. Ở góc xa bên phải là thống đốc sắp mãn nhiệm Jerry Brown, rất nổi tiếng với đại bộ phận Việt kiều tại Mỹ. (Ảnh: Capitol Public Radio)

Công ty Hewlett Packard (HP), vốn sinh ra ở Thung lũng Silicon khi được thành lập trong một gara để xe ở Palo Alto cách đây tám thập kỷ (1939), cho biết vào năm ngoái rằng cắt giảm chi phí mặt bằng là một yếu tố chính trong quyết định chuyển đến Houston (thành phố đông dân nhất Texas, đồng thời là trung tâm việc làm lớn nhất của Mỹ).

HP tuy đã duy trì phần lớn lực lượng lao động cho đổi mới và công nghệ ở Bay Area, cũng cho biết đại dịch và tính chất thay đổi của công việc đã góp phần vào việc dịch chuyển này.

Robert Sammons, giám đốc cấp cao của bộ phận nghiên cứu tại Cushman ở San Francisco, cho biết khu vực Thung lũng Silicon vẫn là trọng điểm đối với ngành công nghệ, với bề dày nhân tài và khả năng tiếp cận các trường đại học danh tiếng.

“Chắc chắn, môi trường kinh doanh nơi đây có thể cải thiện thêm nữa,” Sammons nói, ám chỉ việc có quá nhiều quy định/luật lệ và chi phí sinh hoạt đắt đỏ. “Đó là tất cả những khó khăn mà California đã và đang gặp phải trong nhiều năm qua.”

Đạt Thái