Cước tàu hàng rời giảm mạnh từ đỉnh hơn một năm
Sau khi chạm đỉnh hơn một năm hồi giữa tháng 10, chỉ số cước thuê tàu hàng rời Baltic (BDI) liên tục lao dốc. Tính đến ngày 31/10, chỉ số BDI ở mức 1.459, giảm 28% so với mức cao nhất kể từ tháng 7/2022 đạt được hồi giữa tháng 10.
Theo giới chuyên gia quý IV năm nay và đầu quý I năm sau là thời điểm cước tàu hàng rời giảm theo chu kỳ hàng năm.
Theo trang Hellenic Shipping News, các tàu rời trọng tải lớn loại capesize đang được bổ sung, gây thêm áp lực cho giá cước. Các nhà môi giới tà nhận thấy hoạt động vận chuyển hàng hóa than từ Indonesia và Bờ Đông Australia gia tăng, nhưng điều này không đủ mạnh để thúc đẩy thị trường một cách đáng kể.
Tại thị trường Đại Tây Dương, các chủ tàu đã cố gắng điều chỉnh các ưu đãi để thu hút thêm khách hàng, đặc biệt là trên các tuyến từ Nam Brazil và Tây Phi đến Viễn Đông. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn yếu dẫn đến giá giảm.
Trước đó, chỉ số BDI liên tục tăng mạnh từ 1.067 lên 2056 chỉ trong vòng hai tháng. Một số chuyên gia cho rằng mức tăng này hoàn toàn bình thường do yếu tố mùa vụ, nhu cầu vận chuyển hàng hoá, đặc biệt là nguyên liệu thô tăng cao.
“Khi nhìn vào đồ thị 6 tháng, 1 năm sẽ thấy mức tăng rất mạnh nhưng nhìn rộng ra các năm thì mức tăng này hoàn toàn bình thường. Như vậy chưa thể đưa ra kết luận là thiếu cung, đây chỉ là yếu tố vụ mùa thông thường”, một chuyên gia ngành logistics cho biết.
Cước tàu container vẫn tiếp tục xu hướng giảm kéo dài hơn một năm qua. Tính đến cuối tháng 10, chỉ số cước tàu container tổng hợp (WCI) ở mức 1.342, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2019.
Lượng tàu đóng mới trong những năm 2022 quá nhiều, thời gian giao tàu bắt đầu từ giữa năm 2023 cho đến giữa năm 2025. Tổng nguồn cung tàu trên thế giới dự kiến tăng khoảng 29% từ nay đến năm 2025. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu chỉ khoảng 2 - 3%/năm. Điều này gây áp lực lên cước tàu container.
"Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng dư cung, kéo theo cước vận tải tàu container sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian dài", một chuyên gia nhận định.