Căng thẳng Biển Đỏ: Các nhà bán lẻ Mỹ và châu Âu chạy đua với thời gian để nhập hàng
Một nhà bán lẻ châu Âu cho biết họ đang trì hoãn các chiến dịch tiếp thị cho một số mặt hàng cụ thể cho đến khi đảm bảo đủ nguồn hàng.
Các nhà khai thác tàu container lớn như Maersk và Hapag-Lloyd đang tránh kênh đào Suez - tuyến đường ngắn nhất từ châu Á đến châu Âu - sau các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các tàu ở Biển Đỏ.
Sự chuyển hướng này đã làm dấy lên lo ngại về một sự gián đoạn kéo dài khác đối với thương mại toàn cầu cũng như chuỗi cung ứng đang gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19.
Thay vào đó, việc đi vòng quanh miền nam châu Phi sẽ tốn thêm 1 triệu USD chi phí nhiên liệu và mất khoảng 10 ngày cho hành trình.
Các cuộc phỏng vấn với năm nhà bán lẻ trong nhiều lĩnh vực từ đồ nội thất đến linh kiện cơ khí và các nhà phân tích cho thấy các công ty đang làm nhiều cách để thích nghi với tình hình hiện tại.
Công ty BDI Furniture có trụ sở tại Mỹ đang nhận các đơn đặt hàng trước và phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Họ cũng yêu cầu các nhà môi giới vận tải hàng hóa tránh kênh đào Panama và Suez và vận chuyển hàng hóa qua Thái Bình Dương đến California. Tại đây, hàng có thể được vận chuyển bằng đường sắt đến kho ở bờ biển phía đông Mỹ.
Ông Hanna Hajjar, phó chủ tịch điều hành của BDI Furniture cho biết tồn kho của một số sản phẩm hiện đang ở mức thấp như đồ nội thất phòng ngủ, văn phòng…Các mặt hàng này đang được đóng lên tàu để chuyển đến kho tại Mỹ.
Ông nói: “Chúng tôi không mong đợi tất cả những sự chậm trễ gần đây này”, đồng thời cho biết thêm rằng sự gián đoạn đã kéo dài thời gian vận chuyển từ Việt Nam thêm 10-15 ngày.
Các công ty vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu và Mỹ đang xem xét các lựa chọn thay thế như đường sắt và đường hàng không. Tuy nhiên, giá cước cao đồng nghĩa với việc họ phải có chiến lược sẽ ưu tiên cho sản phẩm nào.
Ông Hajjar cho biết BDI đang sử dụng tuyến đường California như một giải pháp cho từng trường hợp cụ thể vì giá cước hiện cao gấp đôi chi phí vận chuyển thông thường qua Suez hoặc Panama.
Mặc dù thương mại từ châu Á đến châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự gián đoạn của kênh đào Suez, nhưng có tới 30% hàng hóa đến Bờ Đông Mỹ đều di chuyển qua kênh đào này.
Doanh nghiệp bán lẻ chạy đua với thời gian
Các nhà bán lẻ cũng đang chạy đua với thời gian. Vào ngày 10/2, các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa từ hai tuần đến một tháng để nghỉ Tết Nguyên đán, vì vậy các công ty thường cố gắng xuất khẩu càng nhiều càng tốt trước đó.
Nhưng với việc các tàu thay đổi tuyến đường, sẽ có ít tàu quay lại Trung Quốc kịp thời gian bốc hàng trước kỳ nghỉ lễ. Điều đó có nghĩa là có khả năng sẽ có sự chậm trễ đối với các sản phẩm dự kiến lên kệ ở phương Tây vào tháng 4 hoặc tháng 5. Các chuyên gia ngành logistics đã báo cáo tình trạng thiếu container tại cảng Ninh Ba ở Trung Quốc.
Ông Rob Shaw, giám đốc tại công ty phần mềm bán hàng Fluent Commerce, cho biết: “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một nhà bán lẻ là một số sản phẩm chỉ mang tính thời vụ không cập bến kịp để họ chạy các chương trình tiếp thị”
Hệ thống siêu thị Aldi Nord tại Châu Âu cho biết họ có thể nhận các mặt hàng như đồ gia dụng, đồ chơi và đồ trang trí muộn hơn dự kiến và do đó đang hoãn quảng cáo các sản phẩm cụ thể.
Nhà bán lẻ Britain's Next cho biết sự chậm trễ có thể kiểm soát được so với thời kỳ đại dịch. Nhưng nhà bán lẻ này có thể giảm thiểu điều này thông qua việc đặt hàng sớm hơn và tăng cường vận chuyển bằng đường hàng không.
Giám đốc điều hành Simon Wolfson nói với Reuters: “Bài học (từ COVID-29) là hàng tồn kho đang bị trì hoãn - hãy đặt hàng sớm hơn một chút và vận chuyển bằng đường hàng không nhiều hơn một chút”.
Một lựa chọn khác là tuyến đường sắt từ Tây Trung Quốc đến Đông Âu.
Ông Craig Poole, giám đốc điều hành Cardinal Global Logistics của Anh, cho biết cước vận chuyển đã tăng lên khoảng 9.000-10.500 USD/container 40 feet từ khoảng 7.000 USD trong tháng 11 và đang tăng lên hàng ngày.
Ông Marco Castelli, nhà sáng lập IC Trade, công ty xuất khẩu linh kiện cơ khí từ Trung Quốc sang Ý, cho biết đang tính đến phương án đường sắt nhưng “không dễ để tìm được chỗ trống trên tàu”. Cần tới 100 chuyến tàu hoả mới bù đắp được cho 1 chuyến tàu container chạy trên biển.
Nhà bán lẻ thời trang Ba Lan LPP cho biết họ đang xem xét các lựa chọn thay thế bằng đường sắt hoặc đường hàng không cho các bộ sưu tập "khẩn cấp nhất" của mình.
Các nhà phân tích của RBC cho biết sự gián đoạn liên tục có thể ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà bán lẻ châu Âu. Trong khi đó, nguy cơ căng thẳng chuỗi cung ứng mới sẽ đẩy giá lên cao đã làm dấy lên lo ngại về một đợt lạm phát toàn cầu khác.
Đối với một số công ty, những gián đoạn gần đây càng nhấn mạnh cho sự cần thiết phải chuyển đổi vĩnh viễn chuỗi cung ứng để các nhà máy gần gũi hơn với người tiêu dùng cuối cùng.