|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đua truyền hình trả tiền thêm nóng

16:08 | 17/01/2024
Chia sẻ
Các nền tảng truyền hình trả tiền liên tục đầu tư mạnh trong thời gian gần đây để kéo thuê bao, thông qua các kênh thể thao quốc tế và phim truyện.

Chiều 16/1, MyTV thuộc VNPT Media ra mắt hai kênh thể thao quốc tế SPOTV và SPOTV2, phát sóng các giải đấu độc quyền như: Grand Prix, US Open, Wimbledon, BWF World Tour, BWF Major Events, Golf Major The Open và The Masters.

Ngoài ra, các kênh này cũng phát sóng các giải đấu như bóng rổ, bóng chuyền, trượt băng, điền kinh,…  

SPOTV và SPOTV2 thuộc sở hữu của tập đoàn truyền thông Eclat, Hàn Quốc. Hiện kênh có mặt tại 10 thị trường trên 14 hạ tầng truyền hình trả tiền tại Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia,...

Ông Nguyễn Sơn Hải, Tổng giám đốc VNPT Media cho biết việc đưa SPOTV và SPOTV2 đến với người hâm mộ thể thao đánh dấu cột mốc MyTV là đơn vị đầu tiên đưa trở lại các kênh thể thao quốc tế, sau hơn hai năm vắng mặt tại thị trường Việt Nam.

 Ra mắt kênh truyền hình thể thao quốc tế của MyTV. (Ảnh: Đức Huy).

Thực tế thị trường truyền hình trả tiền nói chung và các kênh thể thao quốc tế nói riêng tại Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn.

Tính đến tháng 10 năm ngoái, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, có 35 đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền tại Việt Nam với tổng cộng 191 kênh trong nước và 45 kênh nước ngoài.

9 tháng đầu năm ngoái, tổng cộng doanh thu 35 đơn vị này chỉ tăng 1,4% so với cùng kỳ. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt 18,6 triệu.

Các đơn vị truyền hình trả tiền có thị phần lớn ở Việt Nam gồm: VTVCab, SCTV, VTC, VNPT Media (đơn vị sở hữu MyTV) và VSTV (vận hành K+).

Phim truyện và thể thao quốc tế là hai kênh truyền hình kéo thuê bao nhiều nhất cho các doanh nghiệp. Vậy nhưng, giá bản quyền các trận đấu thể thao quốc tế trong thời gian qua liên tục tăng cao khiến cuộc đua truyền hình trả tiền thêm phần tốn kém.

Chẳng hạn giải bóng đá Ngoại Hạng Anh thường được bán theo gói ba năm một lần. Nếu như giai đoạn 2010 - 2013, giá bản quyền chỉ là 13 triệu USD thì trong ba năm tiếp theo tăng lên 46 triệu USD. Gói sau luôn đắt hơn gói trước.

Thời điểm 2018, tờ Sport Business Media tiết lộ Facebook suýt nổ "bom tấn" khi bỏ 264 triệu USD để mua bản quyền Ngoại Hạng Anh để phân phối tới các thị trường trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên thương vụ này sau đó không thành công.

Nếu như năm 2014, giá bản quyền World Cup là 7 triệu USD thì 4 năm sau, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 12 triệu USD. Có thời điểm vào phút chót dưới sự tài trợ của các tập đoàn tư nhân, VTV mới có đủ nguồn lực tài chính để mua bản quyền giải đấu này.

Năm 2021, Truyền hình FPT và FPT Play đã bạo tay chi tiền mua bản quyền phát sóng các trận đấu thuộc liên đoàn bóng đá châu Âu EUFA như Cúp C1, C2 và C3 giai đoạn 2021 - 2024. Con số không được tiết lộ nhưng dự đoán là rất lớn bởi đây đều là các giải đấu thu hút một lượng lớn người hâm mộ Việt Nam theo dõi.

Giá bản quyền truyền hình tăng cao, nhưng nếu không mua khách hàng sẽ rời bỏ nền tảng. Nhưng nếu bỏ ra số tiền lớn để mua thì vẫn lỗ. Câu chuyện của K+ ở đây là một ví dụ. Dù là đơn vị sở hữu bản quyền giải Ngoại hạng Anh 6 năm liên tiếp, từ 2013 tới 2018, nhưng K+ vẫn lỗ nặng

Theo VSTV, đơn vị sở hữu K+, việc kinh doanh liên tục thua lỗ do khó khăn nội tại và cạnh tranh gay gắt từ thị trường truyền hình trả tiền. Năm 2019, công ty lỗ sau thuế hơn 246 tỷ, năm 2020 lỗ 265 tỷ và năm 2021 lỗ 342 tỷ đồng.

Tính tới 31/12/2021, VSTV lỗ luỹ kế hơn 3.895 tỷ đồng.

Không chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong ngành, những đơn vị này còn đánh mất khách hàng vào tay các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới qua mạng internet (OTT TV) như Netflix, AppleTV, WeTV, IQIYI…

Theo báo cáo từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, OTT TV hiện chiếm khoảng 20% thị trường, đạt xấp xỉ 3,6 triệu thuê bao, với doanh thu gần 190 tỷ đồng và đang tăng trưởng mạnh. 

Ngoài các kênh chương trình, OTT TV còn cung cấp tới 20.000 giờ nội dung truyền hình theo yêu cầu (VOD), trong đó, phim các loại chiếm đến 60% thời lượng.

Sự dịch chuyển thói quen xem truyền hình trả tiền truyền thống sang truyền hình trên internet (IPTV, OTT) và sự góp mặt của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang làm tăng mức độ cạnh tranh của truyền hình trả tiền.

Báo cáo từ Akamai cho thấy, Việt Nam có tới 36 triệu người dùng OTT TV trong số 180 triệu người dùng của toàn bộ Đông Nam Á. Thị trường OTT TV Đông Nam Á sẽ đạt trị giá 54 tỷ USD vào năm 2026.

Dù cạnh tranh gay gắt song truyền hình trả tiền tại Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng với gần 78 triệu người dùng internet, theo Wearesocial.

Tháng 2 năm ngoái, FPT Telecom đã có động thái nhảy vào thị trường phát thanh, truyền hình trả tiền khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cung cấp dịch vụ này.

Tháng 11 cùng năm, K+ tiếp tục thông báo là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sở hữu 380 trận đấu Ngoại hạng Anh và độc quyền ba trận cầu hay nhất trong khung giờ đẹp nhất. 

Nền tảng này cũng hợp tác để mở rộng phát sóng các giải bóng đá khác như Bundesliga (2023-2028), Ligue 1 (2021-2024), Serie A (2021-2024)… thuộc các kênh VTVcab và UEFA Champions League, UEFA Europa League… thuộc gói FPT Play Sport.

Có thể thấy, với những động thái đầu tư mạnh tay của MyTV, K+ hay FPT trong thời gian gần đây đã phả thêm hơi nóng cho các đối thủ trong cuộc đua này.

Đức Huy