|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đua trở thành 'Tesla 2.0' gian nan của các startup xe điện

06:00 | 12/09/2022
Chia sẻ
Từng được định giá rất cao, song nhiều startup xe điện nổi tiếng như Rivian, Lucid,... giờ đây đang buộc phải cắt giảm chi tiêu, sa thải nhân sự để tiết kiệm tiền. Điều này chứng minh để tìm ra một "Tesla 2.0" trên thị trường xe điện là không hề đơn giản.

Năm trước, nhiều startup xe điện đã trải qua thời kỳ “rực rỡ”, thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn được nhận định sẽ trở thành “Tesla 2.0”. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt trong năm 2022, theo Wall Street Journal.

Các startup xe điện đã huy động được hàng tỷ USD trong năm 2021, bất chấp những vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng cũng như giá hàng hóa tăng vọt. Dù vậy, các nhà đầu tư sau đó nhận ra rằng việc chế tạo xe điện cực kỳ tốn kém và các startup sẽ phải đốt nhiều tiền hơn trước khi có thể sản xuất các mẫu xe của mình trên quy mô lớn và thu được lợi nhuận.

Thay vì tập trung vào tăng trưởng bằng mọi giá, các nhà sản xuất ô tô điện giờ đây đang cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm tiền mặt. Các nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận ra những hành động gần đây của nhiều startup xe điện gần giống với thời kỳ mà Tesla “suýt” phá sản. Nhưng mọi thứ giờ đây không còn đơn giản như trước kia.

Tesla nắm lợi thế khi xuất phát sớm

Sau khi ra mắt mẫu xe điện Model 3, CEO Tesla Elon Musk từng đăng tải một dòng tweet có nội dung cho rằng công ty của ông “còn khoảng một tháng nữa là phá sản”. Giờ đây, Tesla đã trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị lớn nhất thế giới.

Tesla của tỷ phú Elon Musk từng suýt phá sản trước khi trở thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới. (Ảnh: Asia Financial).

Tesla không chỉ tồn tại mà còn phát triển với lợi thế là doanh nghiệp đi đầu trong ngành. Sau khi ra mắt, Model 3 và Model Y đã thống trị doanh số bán xe điện tại Mỹ. Ngay cả khi xuất hiện sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất ô tô khác, Model 3 và Y vẫn chiếm 60% doanh số bán xe điện của Mỹ tính đến hết tháng 8, theo công ty dữ liệu Motor Intelligence.

Doanh số bán hàng của Tesla cho phép công ty tín chỉ khí thải trị giá hơn 3 tỷ USD cho các nhà sản xuất ô tô khác, những đơn vị không có doanh số bán xe điện ở mức đáng kể vào năm 2020 và 2021.

Môi trường khác biệt giữa các startup xe điện hiện nay và Tesla ngày trước

Các startup xe điện có giá trị nhất đang tung ra những mẫu xe đầu tiên trong một môi trường rất khác. Hiện tại, các doanh nghiệp xe điện cần tìm cách thiết lập chỗ đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu khác.

Giá cổ phiếu của Rivian, startup xe điện nổi tiếng được ông lớn Amazon đầu tư, công ty từng huy động được 12 tỷ USD vào tháng 11/2021 trong đợt IPO lớn nhất tại Mỹ kể từ năm 2014, đã giảm 68% trong năm 2022. Chiếc xe bán tải điện R1T của công ty là mẫu xe đầu tiên trên thị trường được Rivian bán từ tháng 9 năm trước.

Bên trong một cơ sở sản xuất xe điện của Rivian. (Ảnh: WSJ).

Rivian có trụ sở tại Irvine, California, cho biết họ đã sản xuất khoảng 7.000 xe điện trong nửa đầu năm. Như vậy, công ty cần phải tăng gấp đôi tỷ lệ sản xuất trong nửa cuối năm nay để đạt được mục tiêu sản xuất 25.000 xe điện vào năm 2022. Trước đó, Rivian thậm chí còn đặt mục tiêu sản xuất tới 50.000 xe điện trong năm nay. Viện dẫn các vấn đề về chuỗi cung ứng cũng như tăng giá hàng hóa, Rivian đã nâng dự báo mức lỗ dự kiến ​​vào năm 2022 lên 5,5 tỷ USD và sa thải 6% nhân viên trong tháng 7.

“Chúng tôi sẽ luôn tập trung vào tăng trưởng, tuy nhiên, Rivian không tránh khỏi việc chịu tác động tiêu cực từ bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện tại”, Giám đốc điều hành RJ Scaringe cho biết trong một bức thư nội bộ thông báo về việc cắt giảm nhân sự. Một phát ngôn viên của công ty cho biết họ đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu sản xuất 25.000 xe.

Hàng loạt startup xe điện hạ mục tiêu cho năm 2022

Detroit đã bắt kịp đà phát triển của mình. Ford Motor Co. đã bắt đầu bán một phiên bản chạy điện của chiếc bán tải F-150, mẫu xe bán chạy nhất ở Mỹ trong nhiều thập kỷ và báo cáo đã bán được gần 7.000 chiếc trong số đó cho đến hết tháng 8. General Motors Co. có một phiên bản chạy điện của chiếc Silverado phổ biến sẽ được tung ra thị trường vào năm tới.

Lucid Group Inc. đã lên sàn trong thương vụ SPAC lớn nhất năm 2021, huy động được 4,4 tỷ USD. Dù vậy, giá cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô điện có trụ sở tại Newark, California này cũng đã giảm 62% vào năm 2022.

Giống như Rivian, Lucid cũng đã cắt giảm mục tiêu cho năm 2022. Tháng trước, công ty đưa ra mức sản xuất dự kiến từ ​​6.000 đến 7.000 chiếc sedan hạng sang chạy điện cao cấp vào năm 2022, giảm so với mục tiêu ban đầu là 20.000 chiếc.

Ngoài ra, Lucid cũng phải đối mặt với nhiều cuộc đấu tranh tương tự với các vấn đề về nguồn cung. Việc sản xuất mẫu sedan Lucid Air của hãng đã bị hạn chế và công ty chỉ bán được khoảng 1.000 xe trong nửa đầu năm. Trong khi đó, Mercedes-Benz cũng chỉ bán được hơn 4.000 chiếc sedan hạng sang chạy điện EQS của mình tại Mỹ tính đến hết tháng 6.

Ngay cả công ty điện mới Polestar, đơn vị đang trên đà đạt mục tiêu bán 50.000 xe trong năm nay, đã chứng kiến giá ​​cổ phiếu giảm 48% kể từ khi niêm yết vào tháng 6. Polestar là một đơn vị của Volvo Cars AB, thuộc sở hữu của Zhejiang Geely Holding Group Co. của Trung Quốc.

Hiện tại, các startup xe điện có đủ tiền mặt để tồn tại. Theo báo cáo tài chính quý II, lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền mà Rivian sở hữu có giá trị khoảng 15,5 tỷ USD.

Trong khi đó, tính đến hết tháng 6, Lucid sở hữu lượng tiền mặt trị giá 4,6 tỷ USD. Tuần trước, startup này đã đệ trình một thỏa thuận cho phép công ty huy động thêm 8 tỷ USD trong ba năm tới.

Tuy nhiên, nếu không có tiềm năng thống trị thị trường ngay từ thời điểm ban đầu như Tesla, cũng như hàng tỷ USD mà công ty kiếm được từ việc bán tín chỉ khí thải, những startup xe điện mới có thể sẽ không bao giờ đạt được mức định giá mà như kỳ vọng của các nhà đầu tư trong năm 2021.

Anh Nguyễn