'Cuộc chiến tiện lợi' vào giai đoạn khốc liệt hơn!
Một cửa hàng tiện lợi ở TPHCM. Ảnh: Quốc Hùng. |
Thời của cửa hàng tiện lợi!
Việc Công ty cổ phần Seven System Việt Nam - đại lý nhượng quyền độc quyền 7-Eleven tại Việt Nam, khai trương điểm bán đầu tiên trong đầu tuần này đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà kinh doanh lẫn người tiêu dùng. Đây là sự quan tâm dễ hiểu dành cho chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới với hơn 62.000 điểm bán và được đánh giá là thành công nhất hiện nay. Điểm đáng lưu ý, 7-Eleven đến Việt Nam vào thời điểm mà một bộ phận người tiêu dùng ở đô thị đã quen với dịch vụ bán lẻ 24h do các chuỗi cửa hàng đến trước đó gầy dựng nên.
Tập đoàn TCC (Thái Lan) có nhiều mô hình phân phối khác nhau, nhưng ở thời điểm hiện tại, họ tập trung cho chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s mart và trung tâm phân phối sỉ MM Mega Market (mua lại từ hệ thống Metro Cash & Carry). Ông Phidsanu Pongwatana, Giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam, cho rằng thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong nước đã và đang thay đổi và mô hình siêu thị bán lẻ kiểu truyền thống không còn phát triển như trước đây. Ông dự đoán mô hình cửa hàng tiện lợi sẽ “lên ngôi” vì người tiêu dùng Việt Nam ngày càng hướng tới sự thuận tiện nhiều hơn khi mua sắm.
Dự đoán này của TCC khá trùng hợp với kết quả khảo sát Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Hãng tư vấn A.T. Kearney (Mỹ) công bố vào tuần trước khi chỉ ra rằng mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ (mini-mart) là phân khúc đang phát triển nhanh nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam. Năm nay, Việt Nam đã tăng 5 bậc, lên vị trí thứ sáu thị trường bán lẻ hấp dẫn toàn cầu.
Trước đó, báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) năm 2016 của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cũng cho thấy doanh thu cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini ở khu vực thành thị tăng trưởng mạnh. Thị phần của hai kênh này tại bốn thành phố lớn (gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ) tăng từ 2% lên 3%, và giá trị (doanh thu) ngành hàng FMCG tăng đến 36% so với năm 2015 (chỉ tính khách hàng mua về tiêu dùng tại nhà). Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường này, mô hình bán lẻ nhỏ và thuận tiện đang là lực tăng trưởng chính của thị trường bán lẻ.
Điều này lý giải vì sao cửa hàng tiện lợi đang nở rộ tại TPHCM và Hà Nội, từ các chuỗi hoạt động theo mô hình 24 giờ của các thương hiệu quốc tế như Shop&Go, Circle K, B’s mart, FamilyMart, MiniStop... đến mô hình cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu trong nước như Co.op Food, Satra Foods, Vinmart+... Mỗi chuỗi kinh doanh đều đã phát triển tới con số hàng trăm cửa hàng và vẫn đang tiếp tục được mở rộng.
Nước ngoài “tiện lợi” theo Việt Nam
Yêu cầu đối với các cửa hàng tiện lợi nước ngoài là đưa được tất cả những gì người tiêu dùng cần cho cuộc sống cá nhân vào trong một mặt bằng nhỏ, từ đồ ăn, thức uống đến cây kim, sợi chỉ; từ bàn chải, kem đánh răng đến văn phòng phẩm, thẻ nhớ điện thoại..., và chúng phải được sắp xếp một cách ngăn nắp, có trật tự. Thậm chí khách hàng còn có thể trả một số loại hóa đơn điện, nước, điện thoại; đặt vé, rút tiền...
Bên cạnh việc đa dạng hàng hóa, dịch vụ, chủ cửa hàng còn phải “địa phương hóa” sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng một cách phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng địa phương.
Thực tế, tại Việt Nam, người ta thấy việc kinh doanh của các cửa hàng Shop&Go, B’s mart, Circle K..., bên cạnh việc có các loại thức uống, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm và những mặt hàng thiết yếu, họ còn khai thác mảng thức ăn nhanh và dành ra một phần diện tích cửa hàng để phục vụ thực phẩm tại chỗ. Các cửa hàng ở gần trường học, khu văn phòng công ty còn có phục vụ cơm trưa và đồ ăn nhẹ vào buổi tối...
Cả hai loại hình cửa hàng tiện lợi nước ngoài và trong nước thông thường chỉ thành công khi có mạng lưới rộng khắp. Do đó, việc nở rộ chuỗi cửa hàng tiện lợi 24h chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Ngược lại, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ được dự báo sẽ sụt giảm. |
Đáng chú ý là chuỗi hệ thống cửa hàng MiniStop, FamilyMart (đến từ Nhật Bản) đã mở rộng không gian ăn uống, phục vụ cả các món sushi, lẩu hot pot, thực phẩm chiên, bánh bao, trà sữa, kem tươi... Tùy vào từng khu vực họ xây dựng các cửa hàng đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng khách hàng.
Rất nhiều bạn trẻ khi được hỏi vì sao lựa chọn các cửa hàng 24h đã cho biết họ đến những nơi đó để mua được nhiều mặt hàng, thưởng thức các món ăn nhẹ quen thuộc trong nước, hay là món của Thái Lan, Nhật Bản nhưng với giá rẻ, ở đó còn có bàn ngồi, có Internet miễn phí, có cả nhà vệ sinh...
Giám đốc một chuỗi cửa hàng của Nhật ở TPHCM cho biết ông đang thử nghiệm sử dụng phần mềm quản lý (như ở Nhật) theo dõi các yếu tố như nhân khẩu học của khu vực lân cận, thời tiết, ngày nghỉ của các trường học, văn phòng để dự báo mỗi cửa hàng sẽ cần những loại mặt hàng gì ở từng thời điểm nhất định. Thí dụ nếu trường học gần đó có ngày hội thể thao thì cửa hàng cần chuẩn bị thêm nhiều thực phẩm và nước giải khát...
Nói về tính địa phương hóa cũng như sự đa dạng của sản phẩm, dịch vụ, những người trong ngành đánh giá 7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi đáng e ngại nhất. Đây là thương hiệu có mô hình không giống nhau ở từng quốc gia, lãnh thổ. Đáng chú ý là ở châu Á, 7-Eleven đã trở thành một phần trong cuộc sống của khách hàng. Như ở Indonesia, 7-Eleven giống như một quán cà phê của giới trẻ: cung cấp Wifi miễn phí, bàn ghế để ngồi cả bên trong và bên ngoài cửa hàng, có phục vụ cả “nhạc sống”; giới trẻ tụ tập hàng đêm, sau những giờ học và làm việc căng thẳng. Tại Đài Bắc (Đài Loan), với hàng ngàn cửa hàng, 7-Eleven còn phổ biến hơn cả Starbucks với người Texas...
Hầu hết các cửa hàng 7-Eleven tại Mỹ và ở nước ngoài đều theo hình thức nhượng quyền nhưng các cửa hàng được khuyến khích có sự điều chỉnh phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người địa phương.
Đại lý nhượng quyền độc quyền 7-Eleven tại Việt Nam cho biết hãng đã thiết kế riêng cho thị trường trong nước danh mục hơn 100 món ăn và được làm mới mỗi ngày. Chuỗi cửa hàng 24h này kỳ vọng trở thành điểm hẹn ẩm thực mới cho cư dân thành thị và là địa điểm cung cấp bữa trưa công sở đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với hơn 20 món ăn thay đổi mỗi ngày và phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Việt. Hình ảnh nhiều món ăn của người Việt như phở, bánh mì, bánh giò... đã được đăng lên fanpage của 7-Eleven Việt Nam để giới thiệu cho thực đơn buổi sáng; hay món thịt heo quay, hải sản nướng cho thực đơn bữa trưa.
Bên cạnh đó, 7-Eleven cũng cung cấp các tiện ích cần thiết cho khách hàng như khu vực ăn uống thuận tiện, phủ sóng Wifi toàn cửa hàng, dịch vụ ATM, dịch vụ thanh toán bằng thẻ..., đặc biệt là ứng dụng di động 7REWARDS.
Và tiện lợi “thuần Việt”
Không giống như chuỗi cửa hàng 24h giờ, các chuỗi cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp trong nước như Co.opFood, Co.op Smile, SatraFoods, Vinmart+, Hapro, Vissan... có giờ mở cửa ngắn hơn, nhưng dài hơn so với thời gian hoạt động của các siêu thị và trung tâm thương mại. Mô hình kinh doanh này giống như một siêu thị được thu nhỏ nhưng được mở rộng thành chuỗi như các cửa hàng tiện lợi và len lỏi vào các khu dân cư đông đúc.
Sự khác biệt lớn giữa mô hình trong nước và nước ngoài là trong khi cửa hàng của doanh nghiệp ngoại chú trọng cách bày biện, trang trí quầy kệ và tập trung phục vụ thức ăn tại chỗ... thì các cửa hàng của doanh nghiệp trong nước tập trung vào những sản phẩm thiết yếu như thịt, rau, củ, quả... bên cạnh một số loại hàng hóa gia dụng thiết yếu như gia vị, chất tẩy rửa, dầu ăn... cho gia đình và bà nội trợ.
Saigon Co.op được xem là nhà bán lẻ tiên phong với mô hình kinh doanh này khi cho ra đời cửa hàng Co.op Food đầu tiên vào năm 2008 tại chung cư Phan Văn Trị, quận 5 với một ngày mới bắt đầu lúc 6 giờ sáng (sớm hơn 3 tiếng so với giờ mở cửa siêu thị), nhằm đáp ứng nhu cầu của những phụ nữ vừa đi làm, vừa làm nội trợ. Hiện Saigon Co.op đã nhân rộng mô hình này ra hơn 130 điểm. Họ cũng đang phát triển thêm chuỗi cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile với mục tiêu đi nhanh hơn cả Co.op Food.
Cũng ra đời sớm và tập trung vào thế mạnh mặt hàng tươi sống do các công ty, đơn vị thành viên cung cấp, chuỗi cửa hàng SatraFoods đã đạt hơn 100 điểm bán. Chuỗi cửa hàng Vissan cũng đang phát triển nhanh chóng nhờ thế mạnh bán thực phẩm tươi do công ty sản xuất, một số loại rau, thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng hàng ngày.
Tuy nhiên, phát triển nhanh về mô hình này phải kể đến chuỗi cửa hàng Vinmart+. Dù ra đời muộn hơn những doanh nghiệp cùng ngành khác nhưng đến nay, Vinmart+ đã đạt cả ngàn cửa hàng trên toàn quốc.
Ngay cả doanh nghiệp bán lẻ chuyên về ngành hàng công nghệ như Công ty cổ phần Thế giới Di động cũng nhảy vào thị trường này với 50 cửa hàng Bách Hóa Xanh thí điểm tại các khu dân cư, khu chợ ở quận Bình Tân. Hàng hóa tại các cửa hàng này chủ yếu là rau, củ, quả, thịt, mì gói, đồ khô... Theo kế hoạch năm nay, công ty này sẽ đầu tư mạnh vào chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh để đạt tới 350 điểm bán, đồng thời gia tăng kinh doanh các mặt hàng tươi sống.
Theo các chuyên gia bán lẻ, mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi trong nước đã và đang phát huy những lợi thế khi có mạng lưới phân phối khá rộng, đi sâu vào khu dân cư, chủng loại hàng phong phú... nên thu hút được người tiêu dùng. Dù không theo khuôn mẫu nào của thế giới, nhưng kênh bán lẻ này tiếp tục hứa hẹn nhiều tiềm năng, nhất là về thực phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc, đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Sức hấp dẫn của mô hình này là ở sự tiện lợi mà nó đem lại cho người tiêu dùng khi lượng người mua sắm ở mức vừa phải, khách hàng không mất nhiều thời gian tìm và chọn sản phẩm cũng như mất thời gian xếp hàng chờ ở quầy thanh toán mà vẫn có được những trải nghiệm mua sắm hiện đại và an toàn.
Theo giới phân tích, cả hai loại hình cửa hàng tiện lợi nước ngoài và trong nước thông thường chỉ thành công khi có mạng lưới rộng khắp. Do đó, việc nở rộ chuỗi cửa hàng tiện lợi 24h chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Ngược lại, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ được dự báo sẽ sụt giảm.