Cục diện cổ đông Eximbank trước đại hội lần hai
Trước đại hội đồng cổ đông lần hai, chuyện cơ cấu cổ đông và nhân sự hội đồng quản trị Eximbank vẫn còn những ngổn ngang.
Nhóm cổ đông mới và rào cản thời hạn nắm giữ cổ phần
Ngày 26-5-2019, Eximbank sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông lần hai. Ảnh: THÀNH HOA |
Từ đầu năm đến nay, cơ cấu các nhóm cổ đông của Eximbank biến động rất mạnh. Theo một quan chức chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TPHCM (đề nghị không nêu tên), nhóm cổ đông mới liên quan đến một tập đoàn chuyên sản xuất, phân phối một nhãn hiệu ô tô tiếng tăm của Hàn Quốc hiện sở hữu khoảng 17-18% cổ phần Eximbank, nhưng thời gian nắm giữ cổ phiếu của họ chưa đủ sáu tháng, nên theo điều lệ ngân hàng, họ chưa thể đề cử đại diện vào hội đồng quản trị. Tập đoàn này và những nhà đầu tư trong nhóm của họ khá “sung túc” tiền tươi thóc thật. Dẫu thế, việc họ có sử dụng tiền thật để đầu tư vào Eximbank hay không lại là chuyện khác và đây là vấn đề mà cơ quan quản lý cần xác minh chính xác.
Thực ra, với sự kết nối hệ thống thanh toán bù trừ giữa NHNN và các tổ chức tín dụng cũng như công nghệ mới đã được áp dụng tại Trung tâm Thông tin tín dụng, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể kiểm soát được dòng tiền vào ra hàng ngày của các ngân hàng. Cơ quan quản lý cần thêm thời gian nhất định để nắm bắt chính xác nguồn gốc tiền đầu tư là vay mượn hay tiền thật. Biết đâu nhóm cổ đông mới kia chỉ đầu tư ngắn hạn? Hoặc nguồn tiền thật của họ cũng chỉ mang tính ngắn hạn, sau đó họ buộc (hoặc sẽ) đi vay?
Trong bài viết Người mới, người cũ ở Eximbank, TBKTSG đã đề cập đến nhóm nhà đầu tư “cô giáo” với 15% cổ phần. Nhóm này hiện có hai đại diện trong tổng số 10 thành viên hội đồng quản trị Eximbank là ông Ngô Thanh Tùng (đại diện cho nhóm nhà đầu tư sở hữu hơn 10% cổ phần) và ông Lê Minh Quốc, thành viên độc lập. Khi nhóm nhà đầu tư “cô giáo” hợp tác với nhóm nhà đầu tư của tập đoàn nói trên và một số tổ chức nước ngoài như quỹ VOF do VinaCapital quản lý cùng một số cổ đông ngoại nắm giữ dưới 5% cổ phần/đơn vị (nên không phải là cổ đông lớn), họ có khả năng tạo thành một lực lượng cổ đông với tổng tỷ lệ sở hữu 42-45% cổ phần Eximbank.
Những tổ chức đứng giữa
Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là cổ đông ngoại lớn nhất tại Eximbank cho đến thời điểm hiện tại với 15% cổ phần. Năm 2008 SMBC đã chi 225 triệu đô la Mỹ để mua cổ phần Eximbank. Sau thương vụ này, vào giữa năm đó, vốn chủ sở hữu của Eximbank đạt 12.600 tỉ đồng, lớn nhất trong số các ngân hàng cổ phần Việt Nam. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2008 lợi nhuận trước thuế của Eximbank đã “nhảy” lên gần 730 tỉ đồng - hiệu quả kinh doanh đáng mơ ước của nhiều tổ chức tín dụng trong giai đoạn bấy giờ.
Bây giờ, 15% cổ phần Eximbank mà SMBC sở hữu tương đương với 185,33 triệu cổ phiếu và với thị giá ngày 10-5-2019 là 18.300 đồng/cổ phiếu, khoản đầu tư của Sumitomo có giá trị 3.391,5 tỉ đồng, tương đương 145,6 triệu đô la Mỹ. Sau gần 12 năm đầu tư vào Eximbank, SMBC đang lỗ 79,4 triệu đô la Mỹ. Đây chỉ là tính toán đơn thuần về mặt số học chứ không đề cập đến chi phí cơ hội của từng ấy năm đối với một nguồn vốn lớn. Từ khi SMBC trở thành cổ đông Eximbank, ngân hàng đã chia cổ tức bằng tiền tổng cộng tầm 50% và bằng cổ phiếu khoảng 20% nữa (tính trên mệnh giá cổ phiếu - NV). Tất cả những đợt chia cổ tức này đã được điều chỉnh vào giá giao dịch của cổ phiếu EIB.
Trong số các ngân hàng quốc tế đầu tư vào các tổ chức tín dụng cổ phần Việt Nam giai đoạn “thăng hoa” của thị trường chứng khoán sau khi chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phải thừa nhận rằng SMBC là đối tác “chung thủy” của EIB. Những tên tuổi khác như HSBC, Société Générale, BNP Parisbas, ANZ... đã lần lượt nói lời chia tay ngân hàng cổ phần Việt. Hầu hết họ lỗ hoặc may mắn thì hòa vốn đầu tư.
Hiện SMBC có hai đại diện trong hội đồng quản trị EIB. Một cổ đông tổ chức đứng giữa khác tại Eximbank là Vietcombank với 4,82% cổ phần. NHNN, thông qua số cổ phần của Vietcombank, năm 2015-2016 đã cử hai đại diện vào hội đồng quản trị là ông Cao Xuân Ninh và ông Lê Văn Quyết. Ông Quyết trước khi về EIB có nhiều năm công tác tại chi nhánh Vietcombank tỉnh Đồng Nai.
Các thành viên khác như ông Đặng Anh Mai, từng công tác tại Vụ Hợp tác quốc tế (NHNN) và cũng từng là thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Nông thôn Đại Á trước khi Đại Á sáp nhập vào HDBank; ông Nguyễn Quang Thông, ông Hoàng Tuấn Khải cùng được các thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ trước (cũ) giới thiệu tại đại hội cổ đông năm ngoái, năm kia. Số lượng cổ phiếu EIB mà họ hoặc người có liên quan đến họ sở hữu rất nhỏ bé, không đáng kể.
"Quan trọng là những nhóm cổ đông đầu tư bằng tiền thật sẽ được tham gia vào ngân hàng. Nếu những cổ đông đầu tư bằng tiền thật không đáp ứng đủ yêu cầu về học vấn, trình độ, kinh nghiệm... trong điều hành, kinh doanh tiền tệ theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, họ có thể thuê đội ngũ điều hành, quản lý. Những cổ đông đầu tư bằng tiền ảo, vay mượn sẽ không được tham gia ngân hàng, thậm chí bị xử lý theo quy định của Thông tư 36 về sở hữu chéo"
Hai kịch bản phỏng đoán
Như vậy khoảng 62-65% cổ phần Eximbank đang thuộc sở hữu của những nhóm nhà đầu tư, tổ chức có địa chỉ rõ ràng. Chừng 35-38% cổ phần còn lại cho đến cuối năm ngoái thuộc về nhóm cổ đông bên ngoài, trong đó nhóm nhà đầu tư liên quan đến tập đoàn Hoàn Cầu, Ngân hàng TMCP Nam Á nắm giữ tầm 29-30%. Theo thông tin ông Nguyễn Chấn, một trong những người sáng lập Hoàn Cầu và Nam Á, cung cấp trong cuộc gặp gỡ với báo chí vào tháng 3-2019, thì năm 2016 nhóm nhà đầu tư liên quan đến Nam Á, Hoàn Cầu đã sở hữu 29,48% cổ phần Eximbank.
Nút thắt của cơ cấu cổ đông Eximbank đang nằm ở điểm này. Các giao dịch thỏa thuận qua sàn TPHCM trong bốn tháng đầu năm nay ghi nhận 340 triệu cổ phiếu EIB đã có chủ mới (nguồn dữ liệu Hose). Dù người mua, người bán là ai, theo số liệu ông Chấn đưa ra, tỷ lệ cổ phần EIB mà nhóm nhà đầu tư Nam Á sở hữu đã giảm mạnh.
Những chủ nhân mới của 340 triệu cổ phiếu EIB, xét về thời gian nắm giữ, cũng chưa đủ sáu tháng để đề cử người vào hội đồng quản trị ngân hàng. Trong hoàn cảnh chưa đáp ứng đủ yêu cầu pháp lý về thời gian sở hữu cổ phiếu, họ chưa chắc xuất hiện ở đại hội đồng cổ đông lần hai tới đây. Ngoài ra, với những cổ đông mới này, NHNN cần thêm thời gian để xác minh nguồn tiền giải ngân vào EIB.
Đại diện NHNN cho biết hiện chưa có cơ sở chính xác để phê duyệt nhân sự cho hội đồng quản trị Eximbank ở đại hội cổ đông lần hai. Sự phê duyệt, nếu có, vẫn phải chờ đến phút chót. Trong quá khứ, đã từng có ngân hàng ngày mai đại hội cổ đông, thì đầu giờ sáng ngày mai mới nhận được quyết định phê duyệt của NHNN.
Có thể có hai kịch bản xảy ra ở đại hội cổ đông lần hai Eximbank theo phỏng đoán của giới tài chính mà người viết tham khảo ý kiến. Thứ nhất những nhóm nhà đầu tư chưa đủ thời gian nắm giữ cổ phiếu sáu tháng như nhóm liên quan đến tập đoàn sản xuất, phân phối xe ô tô và những người, tổ chức đã mua 340 triệu cổ phiếu EIB gần đây, sẽ không tham dự đại hội. Họ nắm tổng cộng tới 44-45% cổ phần ngân hàng (340 triệu cổ phiếu EIB tương đương 27,5% cổ phần cộng với 17-18% cổ phần của nhóm nhà đầu tư tập đoàn). Giả sử những cổ đông bên ngoài còn lại đang nắm giữ chừng 7-10% cổ phần không tham dự đầy đủ, khả năng đại hội lần hai Eximbank không tập hợp đủ 51% cổ phần có quyền biểu quyết có thể xảy ra. Đại hội sẽ phải dời sang lần thứ ba.
Trong trường hợp cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài tham dự tích cực vào đại hội và những cổ đông chưa nắm giữ cổ phiếu đủ sáu tháng cùng tham gia vì những lý do khác nhau (như quan sát diễn biến chẳng hạn), đại hội lần hai EIB sẽ được tiến hành. Nhân sự sẽ phụ thuộc vào quyết định của NHNN. Có những dự báo dựa trên thông tin hành lang, NHNN có thể đưa ông Cao Xuân Ninh, một trong những người đã được cơ quan quản lý đề cử vào hội đồng quản trị trước đây, vào vị trí đứng đầu hội đồng quản trị Eximbank.
Dù kịch bản nào xảy ra, bàn cờ Eximbank trong tương lai gần sẽ được cơ quan quản lý sắp xếp lại một cách dứt khoát, minh bạch. Quan trọng là những nhóm cổ đông đầu tư bằng tiền thật sẽ được tham gia vào ngân hàng. Nếu những cổ đông đầu tư bằng tiền thật không đáp ứng đủ yêu cầu về học vấn, trình độ, kinh nghiệm... trong điều hành, kinh doanh tiền tệ theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, họ có thể thuê đội ngũ điều hành, quản lý. Những cổ đông đầu tư bằng tiền ảo, vay mượn sẽ không được tham gia ngân hàng, thậm chí bị xử lý theo quy định của Thông tư 36 về sở hữu chéo.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/