|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

HĐQT Eximbank đại diện cho ai?

06:51 | 06/05/2019
Chia sẻ
Quá trình đổi chủ đang diễn ra ở Eximbank hứa hẹn sẽ mang tới những nhân tố mới trong HĐQT. Để trở lại đường ray, Eximbank cần một đội ngũ quản trị có năng lực, đạo đức, nhưng quan trọng không kém là phải đại diện cho quyền và lợi ích thực sự của cổ đông.
HĐQT Eximbank đại diện cho ai? - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú trao đổi ngay trước khi ĐHĐCĐ thường niên 2018 phải tuyên bố dừng lại khi không đủ thúc số. Ảnh: Nghi Điền

Như đã thông tin, sáng mai (6/5) sẽ diễn ra cuộc họp HĐQT Eximbank do một nhóm Thành viên HĐQT triệu tập. Cuộc họp có nội dung quan trọng là bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc và bầu Chủ tịch mới.

Ngày 22/3/2019, một nhóm 7 Thành viên HĐQT Eximbank cũng đã họp và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay ông Lê Minh Quốc làm Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên cuộc họp hôm đó vắng ba thành viên, là cơ sở để ông Lê Minh Quốc ngay sau đó khởi kiện như đã biết.

Ở cuộc họp lần này, nhiều khả năng cũng sẽ khuyết tiếp ba vị trí và có thể phải cần tới cuộc họp thứ hai diễn ra trong vòng 7 ngày để có thể hợp pháp hoá việc thay đổi Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Do đó thủ tục pháp lý không phải là thứ mà bà Lương Thị Cẩm Tú hay nhóm của cựu CEO Nam Á Bank lo ngại.

Đại diện cho ai?

Theo Điều lệ hoạt động, HĐQT Eximbank có 11 thành viên, trên thực tế hiện nay có 10 người. Trừ bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu trong ĐHĐCĐ năm 2018 và ông Yutaka Moriwaki thay ông Naoki Nishizawa trong ĐHĐCĐ năm 2017, thì 8 người còn lại được bầu trong Đại hội bất thường làm tốn nhiều giấy mực của báo giới trung tuần tháng 12/2015, gồm các ông Hoàng Tuấn Khải, Nguyễn Quang Thông, Ngô Thanh Tùng, Cao Xuân Ninh, Lê Văn Quyết, Đặng Anh Mai, Lê Minh Quốc, Yasuhiro Saitoh.

Trong đó, ông Cao Xuân Ninh được một nhóm cổ đông (có Vietcombank) nắm 11,287% đề cử; ông Ngô Thanh Tùng có 10,194% đề cử, ông Yutaka Moriwaki đại diện phần vốn góp của cổ đông ngoại SMBC với tỷ lệ 10,05%; ông Yasuhiro Saitoh do ba cổ đông tổ chức đề cử với 10,05%.

5 cái tên còn lại do HĐQT nhiệm kỳ trước đề cử và đều không nắm cổ phần là các ông Lê Văn Quyết, Đặng Anh Mai, Nguyễn Quang Thông, Hoàng Tuấn Khải và ông Lê Minh Quốc

Ông Lê Minh Quốc cũng là Thành viên HĐQT độc lập duy nhất. Tuy nhiên xuất thân của đương kim Chủ tịch HĐQT Eximbank khiến khái niệm "độc lập" trong trường hợp này gợi tới nhiều băn khoăn, khi ông Quốc trước đó là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Âu Lạc, nơi ông Ngô Thanh Tùng cũng là Thành viên HĐQT. Ông Tùng còn là em trai bà Ngô Thu Thuý - Chủ tịch HĐQT Âu Lạc và sau đó là cố vấn cấp cao cho HĐQT Eximbank. Bên cạnh đó, trong danh sách ứng cử vào HĐQT vào cuối tháng 3/2015, ông Lê Minh Quốc từng đứng đại diện cho một nhóm tổ chức và cá nhân giữ 10,229% cổ phần Eximbank.

Dù phải lách qua "khe cửa hẹp" để vào HĐQT với tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất (58%) và gây tranh cãi trong Đại hội bất thường cuối năm 2015, diễn biến ông Lê Minh Quốc ngay sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT phần nào cho thấy sự thắng thế của nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới Âu Lạc.

Sự thắng thế này còn phản ánh qua việc nhóm nhà đầu tư liên quan tới Nam Á Bank liên tục trong hai năm 2015-2016 bất thành với nỗ lực đưa đại diện vào HĐQT Eximbank.

Phải tới ĐHĐCĐ thường niên 2018, bà Lương Thị Cẩm Tú - người vừa rời ghế TGĐ Nam Á Bank trước đó ít tháng mới được bầu vào HĐQT Eximbank. Tuy nhiên vai trò của bà Cẩm Tú có phần khác biệt so với trường hợp các ông Trần Ngô Phúc Vũ hay Trần Ngọc Tâm năm 2015.

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, gia đình Chủ tịch Nam Á Bank Nguyễn Quốc Toàn giữ khoảng 15% cổ phần Eximbank, lúc này đã không còn tham vọng "tranh quyền đoạt vị", mà chỉ mong muốn thoái lui nhẹ nhàng. Bà Lương Thị Cẩm Tú vào HĐQT Eximbank, có chăng chỉ để quá trình này diễn ra suôn sẻ hơn.

Tuy nhiên, "gió" đã đổi chiều, khi ông Lê Minh Quốc không chứng tỏ được nhiều sau hơn ba năm ngồi ghế Chủ tịch. Các Thành viên HĐQT Eximbank hơn ai hết thấy rằng cần có sự thay đổi.

Những lá phiếu "không ràng buộc"

Tuy nhiên thay đổi thế nào, với mức độ ra sao thì còn tuỳ vào lợi ích trực tiếp của từng người. Sốt sắng nhất có thể thấy là SMBC. Tập đoàn Nhật Bản đầu tư và nắm 15% cổ phần Eximbank từ hơn 10 năm trước, đến nay chưa thấy "quả ngọt", với tình hình kinh doanh suy giảm năm này qua năm khác.

Trong cuộc họp HĐQT ngày 22/3/2019, hai Thành viên HĐQT người Nhật đã thống nhất bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay ông Lê Minh Quốc làm Chủ tịch HĐQT.

Cũng trong cuộc họp hôm đó, có ba Thành viên không tham dự là Chủ tịch Lê Minh Quốc, ông Ngô Thanh Tùng và ông Nguyễn Quang Thông.

5 người còn lại dự họp là bà Lương Thị Cẩm Tú cùng các ông Hoàng Tuấn Khải, Cao Xuân Ninh, Lê Văn Quyết, Đặng Anh Mai. Trong số này, ngoài ông Cao Xuân Ninh, ba người còn lại không nắm cổ phần và không đại diện cho nhóm cổ đông nào.

Cuộc họp HĐQT diễn ra vào sáng mai (6/5) hoặc có thể là cuộc họp lần hai trong 7 ngày tới sẽ là lúc mà những lá phiếu "không-đại-diện-cho-cổ-đông-nào" phát huy giá trị và quyết định liệu bà Lương Thị Cẩm Tú có thể "đoạt ngôi" của ông Lê Minh Quốc hay không.

Với những gì đã diễn ra ở Eximbank suốt hơn ba năm qua, một sự thay đổi ở "chiếc ghế" quyền lực nhất trong HĐQT, nếu có, là điều không bất ngờ. Bà Lương Thị Cẩm Tú, sau quá trình điều hành mang tới nhiều ấn tượng ở Nam Á Bank, cũng không phải là một lựa chọn tồi.

Quá trình đổi chủ đang diễn ra ở Eximbank hứa hẹn sẽ mang tới những nhân tố mới trong HĐQT. Để trở lại "đường ray", Eximbank cần một đội ngũ quản trị có năng lực, đạo đức, nhưng quan trọng không kém là phải đại diện cho quyền và lợi ích thực sự của cổ đông.

Vài ngày trước ĐHĐCĐ thường niên theo dự kiến diễn ra vào ngày 26/4 vừa qua, cổ đông Nhật SMBC đã có công văn gửi Chủ tịch Lê Minh Quốc kiến nghị "thanh lọc" HĐQT, thông qua xem xét giảm số lượng thành viên và bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay tại Đại hội. Đề xuất này sau đó đã bị ông Lê Minh Quốc từ chối. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nghi Điền