Cục diện các doanh nghiệp lớn ngành đường trước thềm ATIGA
Các doanh nghiệp ngành đường của Việt Nam sắp phải đối mặt với cuộc sát hạch với "độ sát thương" lớn nhất từ trước đến nay khi mà Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức mở cửa đối với đường ngoại kể từ ngày 1/1/2020.
Cho đến thời điểm hiện tại, những nỗ lực kêu cứu đòi tiếp tục giãn thời gian bảo hộ đối với ngành đường của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vẫn chưa cho thấy kết quả. Trong khi đó, những dữ liệu tài chính được người viết thu thập cho thấy một bức tranh "nhợt nhạt" của DN mía đường lớn trước thềm cơn bão đường nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Thái Lan đổ bộ vào Việt Nam.
"Gã khổng lồ" TTC Sugar báo lãi nhờ hoạt động tài chính
Trong số các doanh nghiệp mía đường đang niêm yết, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) lớn nhất về qui mô, nắm khoảng 40% thị phần nội địa. Đây là kết quả của thương vụ sáp nhập lịch sử giữa Mía đường Biên Hòa và Mía đường TTC Tây Ninh năm 2017.
Năm vừa qua, doanh thu thuần của TTC Sugar đạt 10.857 tỉ đồng, tăng 6% so với năm trước đó. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này đã mỏng đi nhiều, giảm từ 13% xuống còn 8%. Chi chi phí hoạt động tăng đã ngốn hết phần lợi nhuận gộp mà TCC Sugar có được, chưa kể khoản chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay lên đến 800 tỉ đồng trong năm.
Theo đó, số lãi ghi nhận trong năm 2018 của TTC Sugar chủ yếu từ hoạt động tài chính. Năm vừa qua, Công ty mía đường lớn nhất Việt Nam đã thực hiện nghiệp vụ bán toàn bộ cổ phần sở hữu trong Công ty CP Mía đường Tây Ninh (Tanisugar) và Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) cho các bên liên quan và ghi nhận doanh thu tài chính 859 tỉ đồng. Ngoài ra, phần lợi nhuận khác 103 tỉ đồng chủ yếu từ thanh lý tài sản góp phần giúp TTC Sugar có lãi 259 tỉ đồng sau thuế.
Theo thông tin từ TTC Sugar, niên vụ mía 2018 - 2019 ghi nhận đơn giá bán bình quân thấp hơn so với cùng kỳ, trong khi đó lượng tồn kho vụ trước giá vốn cao vẫn tiếp tục chuyển qua vụ này. Bên cạnh đó, tác động giá đường thế giới giảm mạnh và lượng đường nhập lậu qua biên giới tăng cũng khiến cho giá đường trong nước giảm, khiến lợi nhuận biên của công ty suy giảm.
Chi phí bán hàng của TTC Sugar tăng so với niên độ trước đó do sản lượng tiêu thụ toàn ngành tăng 31%. Công ty đưa chiến lược mở rộng thị phần, đầu tư vào hệ thống phát triển kênh tiêu dùng B2C, kênh khách hàng vừa và nhỏ để đảm bảo tính bền vững và ổn định, đẩy mạnh kênh xuất khẩu. TTC Sugar cho biết sản lượng tiêu thụ kênh B2C và kênh khách hàng vừa và nhỏ tăng lần lượt 11% và 43%, đạt 69.550 tấn và 82.745 tấn.
So với đầu niên vụ 2018 - 2019, giá trị nợ vay của TTC Sugar giảm khoảng 1.150 tỉ đồng; cơ cấu nợ vay cuối kỳ bao gồm 7.284 tỉ đồng nợ ngắn hạn (hầu hết sẽ đáo hạn cuối năm 2019) và 1.850 tỉ đồng nợ dài hạn.
Cuối tháng 7 vừa qua, TTC Sugar cho biết đã huy động khoảng 650 tỉ đồng dưới dạng cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi từ DEG, tổ chức tài chính thuộc Chính phủ Đức.
Số tiền giải ngân trong tháng 9 sẽ được sử dụng để đầu tư vào dự án nhà máy tại Lào cũng như chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn.
Nhà máy TTC Attapeu mà TTC Sugar mua lại từ HAGL
Lasuco: Áp lực nợ vay cận kề, thoái vốn Mía đường Nông Cống
CTCP Mía đường Lam Sơn (Lasuco - Mã: LSS) - "đại gia mía đường xứ Thanh có nhiều nét tương đồng về tình hình hoạt động nếu đem so sánh với TTC Sugar. Trong niên vụ 2018 - 2019, Lasuco đạt doanh thu thuần 1.758 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Dù vậy, cũng như TTC Sugar, biên lãi gộp của Lasuco cũng giảm từ trên 12% xuống còn 8%, cùng với chi phí lớn, đặc biệt là từ các khoản vay khiến lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ chỉ còn lại 8,4 tỉ đồng.
Doanh thu tăng đến về việc Lasuco đẩy mạnh thanh lý thành phẩm tồn kho, báo cáo tài chính cho thấy tổng giá trị thành phẩm đã giảm từ 735 tỉ đồng xuống còn 412 tỉ đồng trong năm.
Tồn kho giảm khiến cho qui mô tài sản của Lasuco cũng đã giảm gần 20% xuống còn 2.320 tỉ đồng vào cuối năm tài chính 2018 - 2019. Quyết định này này phần nào thể hiện sự co cụm mang tính chất "phòng thủ" của một doanh nghiệp lớn trong ngành mía đường Việt Nam trước khi cơn bão lớn sắp đến.
Hiện toàn bộ tồn kho còn lại của Lasuco và công ty con là CTCP Mía đường Nông Cống được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn.
Cơ cấu nợ của Lasuco cũng hầu hết là nợ ngắn hạn đã cận ngày đáo hạn. Cụ thể, công ty mía đường xứ Thanh sẽ phải thanh toán 177 tỉ đồng nợ gốc từ nay đến hết năm 2019 và 287 tỉ đồng nợ gốc vào quí đầu tiên của năm 2020.
Trong tình thế đó, mới đây Lasuco quyết định thoái vốn toàn bộ tại CTCP Mía đường Nông Cống mục đích thu hồi vốn. Tại công ty này, phần lớn nhà xưởng và máy móc có giá trị khoảng 80 tỉ đồng cũng đã được làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay ngắn hạn khoảng 36 tỉ đồng.
Mía đường Sơn La vẫn giữ hiệu quả tốt nhất thị trường
Các công ty trong nhóm Kim Hà Việt có những giao dịch mua bán hết sức phức tạp
So với mặt bằng chung của ngành đường, CTCP Mía đường Sơn La (Mã: SLS) có hiệu quả lợi tỏ ra vượt trội.
Năm rồi, công ty đạt doanh thu thuần 878 tỉ đồng, tăng 46%; với biên lãi gộp gần 14%. Lợi thế của Mía đường Sơn La là không phải tốn quá nhiều chi phí cho hoạt động bán hàng. Được biết, Mía đường Sơn La là thành viên của nhóm doanh nghiệp Kim Hà Việt - một trong những thế lực hàng đầu của ngành đường Việt Nam.
Công ty TNHH Kim Hà Việt gắn liền với tên tuổi của bà Trần Thị Thái, "cây cao bóng cả" trong ngành. Cá nhân bà Trần Thị Thái và Công ty TNHH Thái Liên (có liên quan) hiện cũng đang là cổ đông lớn tại doanh nghiệp mía đường lớn nhất vùng Tây Bắc.
Báo cáo giao dịch với các bên liên quan cho thấy, năm vừa rồi Mía đường Sơn La bao tiêu đường của Kim Hà Việt 235 tỉ đồng, Mía đường Kon Tum 102 tỉ đồng, Công ty Thái Liên 50 tỉ đồng, Công ty Vương Quốc Việt và Nam Phương Hà Tiên mỗi đơn vị 10 tỉ đồng. Tổng giá trị mua hàng với bên liên quan lên tới gần 410 tỉ đồng.
Với đặc điểm là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vùng sâu vùng xa, Mía đường Sơn La được miễn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này giúp cho công ty bảo toàn được phần lợi nhuận, trong niên vụ 2018 - 2019 đạt trên 63 tỉ đồng, dù giảm gần 50% so với năm trước đó. Tỉ suất lợi nhuận ròng của Mía đường Sơn La thuộc hàng tốt nhất thị trường, ở mức hơn 7%.
Cũng giống như các doanh nghiệp ngành đường khác, nợ vay cũng là vấn đề "báo động" với Mía đường Sơn La trong bối cảnh thị trường được dự báo khó khăn hơn bao giờ hết. Tổng nợ vay ngắn dài hạn cuối niên vụ 2018 - 2019 của doanh nghiệp này ở mức 544 tỉ đồng, vượt vốn chủ sở hữu.
BM tổng hợp
Đường Quảng Ngãi "sống khỏe" nhờ sữa đậu nành
Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành đường đang vật lộn với cạnh tranh, thì CTCP Mía Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) hiện vẫn đang "sống khỏe" nhờ chiến lược giảm phụ thuộc vào sản phẩm đường và chuyển dịch cơ cấu sang sản phẩm khác có biên lợi nhuận cao hơn.
Giai đoạn 2012 - 2013 với Mía đường Quảng Ngãi là bước ngoặt lớn khi công ty này đầu tư nhà máy sữa đậu nành 90 triệu lít/năm đầu tiên tại tỉnh Hà Nam. Những năm sau đó, Mía đường Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư vào nhà máy sữa đậu nành tại Hà Nam giai đoạn II nâng công suất lên gấp đôi, đầu tư nhà máy sữa đậu nành tại Bình Dương công suất 90 triệu lít/năm.
Mía đường Quảng Ngãi đưa thương hiệu Vinasoy trở thành số một về sữa đậu này tại Việt Nam, cũng là "con gà đẻ trứng vàng" về cho doanh nghiệp.
Lợi nhuận của QNS chủ yếu đến từ sữa đậu nành
Thực tế thì trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ sữa đậu nành của Mía đường Quảng Ngãi đạt 1.984 tỉ đồng đã gần gấp đôi so với doanh thu từ đường. Hiệu quả mảng sữa đậu nành cũng tỏ ra vượt trội, biên lãi gộp đạt 45% so với 4% của sản phẩm đường.
Ngoài ra, từ năm 2017, QNS cũng đã đầu tư một nhà máy điện sinh khối tại An Khê công suất 95 MW nhằm tận dụng các phụ phẩm ngành mía đường sản xuất điện quay trở lại phục vụ các nhà máy. Điều này có thể giúp các nhà máy của Mía đường Quảng Ngãi giảm được một phần đáng kể chi phí giá vốn và gia tăng hiệu quả chung cho toàn công ty khi đi vào vận hành đúng công suất.
Nửa đầu năm 2019, Mía đường Quảng Nam đạt hơn 4.070 tỉ đồng doanh thu thuần, chỉ hơn 1/4 số này đến từ đường. Lợi nhuận ròng mà công ty đạt được là hơn 520 tỉ đồng, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện chủ thương hiệu Vinasoy đang sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi dồi dào lên đến 2.150 tỉ đồng. Một nền tảng tài chính mạnh cùng với chiếc "kiềng ba chân" có thể sẽ giúp Đường Quảng Ngãi dễ thở hơn để chuẩn bị cho trước cuộc xâm lấn hứa hẹn sẽ dữ đội của đường nhập khẩu vào năm tới, khi ATIGA chính thức có hiệu lực.
Được biết, Đường Quảng Ngãi hiện đang tiếp tục đầu tư mạnh vào dự án nhà máy đường An Khê 18.000 TMN, dự án đường tinh luyện RE và các dự án nghiên cứu giống mía với tổng giá trị đầu tư dở dang cuối tháng 6/2019 hơn 730 tỉ đồng nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/