Cử tri hiến kế nối phố đi bộ Nguyễn Huệ với chuỗi công trình Thủ Thiêm
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với cử tri Q.4 (TP.HCM). ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Chiều 18.10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (đơn vị bầu cử số 1) tiếp xúc cử tri Q.4.
Dự buổi tiếp xúc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng, Phó bí thư Quận ủy Q.Bình Thạnh.
Trước khi diễn ra cuộc tiếp xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội đã đành phút mặc niệm và tưởng nhớ cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang - đại biểu Quốc hội dành nhiều tình cảm đối với cử tri Q.4.
Cử tri hiến kế
Cử tri Nguyễn Thị Di (P.3) phản ánh về vấn đề giải tỏa đền bù kéo dài, điển hình như dự án công viên cù lao Nguyễn Kiệu, công viên Khánh Hội kéo dài, làm ảnh hưởng đến môi trường, người dân và bị tội phạm lợi dụng làm chỗ ẩn nấp. Từ đó bà Di đề nghị đẩy nhanh tiến độ những dự án này.
Cử tri Nguyễn Minh Ngọc (P.4) hiến kế thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa. Đó là kết nối xâu chuỗi phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên sát bờ sông... với các khu vui chơi, giải trí ở Thủ Thiêm trong đó có nhà hát giao hưởng và các hạng mục công trình giải trí khác, dự kiến xây dựng trong tương lai.
Ông Ngọc cũng kiến nghị cần làm cầu từ Q.4 sang Q.7 và Q.1 để tránh ùn tắc cục bộ đang xảy ra ở quận cũng như nêu vấn đề môi trường, thu gom, xử lý rác để thu hút khách du lịch.
Một số cử tri còn phản ánh về phòng chống tham nhũng, đầu tư công, dạy thêm và học thêm, tình trạng băng hoại đạo đức trong xã hội…
Quảng trường trung tâm Thủ Thiêm sẽ là điểm nhấn
Trả lời cử tri, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết theo phân công thì ông với bà Văn Thị Bạch Tuyết ứng cử ở Hóc Môn, Củ Chi nhưng sẽ tiếp xúc cử tri thêm ở những quận huyện khác để nghe ý kiến người dân.
Về ý kiến của cử tri Nguyễn Thị Di, ông Nhân thừa nhận nếu thực hiện đúng quy trình thì việc đền bù, giải tỏa khá kéo dài. Do đó, mới đây lãnh đạo TP.HCM giao UBND TP.HCM chỉ đạo sở ngành liên quan phối hợp đề xuất quy trình để làm sao rút ngắn thời gian đền bù, giải tỏa. Sau đó TP sẽ xin ý kiến Trung ương để thí điểm quy trình “rút gọn lại” thúc đẩy nhanh tiến độ dự án hơn.
Liên quan đến những ý tưởng của cử tri Nguyễn Minh Ngọc, ông Nhân cho hay TP.HCM cũng đã có những kế hoạch trùng khớp với ý của người dân.
Theo ông Nhân, ngay trong quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm có nhiều cầu kết nối Thủ Thiêm với Q.1 và Q.4, trong đó có hai cầu để người dân đi bộ từ phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) qua Thủ Thiêm.
Ông Nhân cho hay khi đi bộ từ Q.1 sang sẽ gặp ngay gần đó là quảng trường rộng 20 ha nằm ở Thủ Thiêm. Ông Nhân khẳng định quảng trường này theo quy hoạch sẽ lớn nhất miền Nam. Hiện TP đang thảo luận để quảng trường này được mang tên là Quảng trường Hồ Chí Minh.
“Đây sẽ là quảng trường lớn nhất, đẹp nhất của thành phố mang tên Bác, là điểm nhấn, là nơi diễn ra nhiều hoạt động về chính trị, văn hóa, nơi hàng ngày người dân có thể đi bộ, dạo chơi”, ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, gần kề khu quảng trường đó sẽ có những công trình như công viên dọc bờ sông, nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch, trung tâm triển lãm…
Về tiến độ xây cầu đi bộ qua Thủ Thiêm, ông Nhân cho hay có thể Nhà nước bỏ tiền ra làm sau đó tổ chức đấu thầu, cũng có thể doanh nghiệp bỏ tiền ra làm sau đó nhà nước đấu thầu. Hiện đã có một doanh nghiệp đang lập dự án. TP yêu cầu làm sao thiết kế không làm ảnh hưởng giao thông ở hai đầu cầu.
“Dự kiến từ đây đến cuối năm đầu bài này sẽ được TP thông qua và sang năm sẽ tổ chức đấu thầu xây dựng cầu đi bộ đầu tiên. Ước tính cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 sẽ xong cầu đi bộ đầu tiên”, ông Nhân khẳng định.
Trước đó, UBND TP HCM có văn bản kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt tên Chủ tịch Hồ Chí Minh cho quảng trường trung tâm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2).
Theo UBND TP, quảng trường là công trình có không gian công cộng lớn tại TP, khi hoàn thành sẽ là biểu tượng trường tồn, đồng hành với sự phát triển của TP. Công trình với tên gọi Quảng trường Hồ Chí Minh sẽ mang ý nghĩa, tình cảm của Đảng bộ, nhân dân TP.HCM và nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ kính yêu.
Quảng trường Hồ Chí Minh sẽ bao gồm các hạng mục: quảng trường, cột cờ Tổ quốc, nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn và ao cá Bác Hồ, công viên lưu niệm 63 tỉnh, thành phố.
Riêng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đặt tại công viên trước UBND TP (phố đi bộ Nguyễn Huệ) nên sẽ không xây dựng tượng Bác tại quảng trường.