CTCK nhận định tích cực, khối tự doanh mua ròng ngay đầu năm, thị trường chứng khoán 2020 sẽ khởi sắc?
Thị trường chứng khoán năm 2019 tăng điểm nhưng không dễ kiếm lời
Kết thúc năm 2019, VN-Index đóng cửa tại 960,99 điểm, ghi nhận mức tăng 7,67% so với năm 2018; UPCoM-Index tăng 7,08% lên 56,56 điểm; riêng HNX-Index có phần ảm đạm hơn khi giảm 1,65% xuống 102,51 điểm.
Với kết quả trên, Việt Nam là thị trường tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2019, vượt qua các thị trường lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.
Đó là về mặt điểm số, tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên gia, năm 2019 vẫn chưa thực sự thành công với chứng khoán Việt khi đà tăng VN-Index chủ yếu đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, tác động mạnh đến chỉ số như nhóm ngân hàng hay "họ Vingroup".
Tính riêng trên sàn HOSE, năm 2019 ghi nhận 188 cổ phiếu tăng giá nhưng cũng có tới 187 mã giảm giá, tức là thị trường có sự phân hóa rõ nét. Như vậy, ngoài sự tích cực từ hai nhóm ngân hàng và "họ Vingroup", dường như các nhóm cổ phiếu còn lại đều giao dịch kém sắc, tức cũng không có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
Theo Bloomberg, Việt Nam được coi là nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tốc độ tăng trưởng GDP trong hai năm 2018 - 2019 đều trên 7%, thuộc hàng cao nhất thế giới, tuy nhiên điều đó không giúp cho thị trường chứng khoán khởi sắc.
Thậm chí, mức tăng điểm của VN-Index vẫn còn thua xa nếu so với mức tăng 32% của chỉ số CSI 300, chỉ số được xây dựng dựa trên 300 cổ phiếu hạng A trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến của Trung Quốc, dù nước này bị coi là chịu thiệt hại nặng nề vì thương chiến.
Năm 2019 đã diễn ra không mấy khởi sắc, thị trường chứng khoán sẽ thế nào trong năm 2020?
Hàng loạt công ty chứng khoán dự báo VN-Index có thể đạt mốc trên 1.100 điểm năm 2020
Mới đây, các công ty chứng khoán (CTCK) đồng loạt công bố báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán năm 2020.
Điều đáng chú ý, các báo cáo này đều có chung quan điểm khi cùng nhận định lạc quan về triển vọng thị trường trong năm 2020, đa số đều dự báo VN-Index có thể tăng lên mức trên 1.100 điểm vào cuối năm nay.
Là một trong những CTCK công bố báo cáo sớm nhất thị trường, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Mã: VDS) dự báo, VN-Index có thể sẽ dao động trong vùng 950 – 1.120 điểm trong năm 2020.
Theo Rồng Việt, bước sang năm 2020, những kì vọng, khó khăn và rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam không khác biệt nhiều so với năm 2019, như kì vọng về tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hay khả năng thăng hạng của thị trường.
Theo đó, công ty chứng khoán này cho rằng mức tăng điểm của VN-Index trong 2020 sẽ theo sát các yếu tố cơ bản, thay vì sự thổi phồng về giá.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triến Việt Nam (BSC, Mã: BSI) đưa ra dự báo cụ thể hơn với 3 phương pháp P/E, phương pháp cổ phiếu trọng số lớn, phương pháp phân tích kĩ thuật (PTKT) để dự báo VN-Index.
Với phương pháp P/E, BSC dự báo EPS năm sau tăng trưởng 11,3% so với năm 2019, theo đó VN-Index có thể đạt 1.101,5 điểm. Với phương pháp cổ phiếu trọng số lớn, mục tiêu cho VN-Index là 1.104,4 điểm, trong đó điểm tối đa là 1.242,1 điểm và tối thiểu 994,3 điểm.
Trong khi đó, kết quả dự báo VN-Index dựa trên PTKT cho thấy mức tối đa là 1.265,6 điểm và tối thiểu là 800,3 điểm.
Theo dự báo của BSC, thị trường trong quá trình hình thành vùng tích lũy sau khi tạo đỉnh năm 2018, đà tăng điểm năm 2020 sẽ phụ thuộc vào dòng tiền mới và kì vọng vào khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE.
CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) dự báo VN-Index tăng trưởng 20,7% năm 2020, đạt mốc 1.160 điểm vào cuối năm, tương ứng P/E trượt của thị trường sẽ ổn định ở mức khoảng 15,3 lần.
VNDirect cho rằng triển vọng của TTCK sẽ tươi sáng hơn vì hầu hết những lo ngại đã được phản ánh vào định giá thị trường, trong khi tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2020 sẽ tăng tốc nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc.
Cùng quan điểm, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC - Mã: BVSC) ước tính tăng trưởng thu nhập bình quân trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2020 đạt 10,5%, theo đó P/E thị trường năm 2020 dự kiến ở mức 14,5 lần, thấp hơn đáng kể so với mức PE hiện tại.
Do vậy, đây là điểm nhấn tạo ra sự hấp dẫn cho thị trường chứng khoán năm 2020, VN-Index sẽ tăng trưởng khoảng 10% lên mức 1.070 - 1.110 điểm.
CTCP Chứng khoán MB (Mã: MBS) dự báo, trong kịch bản lạc quan, VN-Index có thể dao động trong khoảng cận dưới 960 điểm và cận trên 1.176 điểm, tăng 22,4% so với năm 2019. Với kịch bản cơ sở, MBS cho rằng VN-Index có thể dao động trong khoảng cận dưới 934 điểm và cận trên 1.075 điểm, tăng 11,78% so với năm 2019.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (Mã: SSI) dù không đưa ra dự báo về mục tiêu VN-Index năm 2020 cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế vĩ mô sẽ tạo nên sự khởi sắc cho TTCK, do đó VN-Index khó giảm sâu dưới vùng tích lũy 950 - 1000 điểm.
CTCP Chứng khoán KBSV (Việt Nam) kì vọng thị trường sẽ tạo đáy trung hạn trong quí I/2020 trước khi hồi phục vào nửa cuối năm, VN-Index sẽ tăng trưởng tối thiểu 10% trong năm nay, tương ứng với mức tăng EPS của thị trường.
Những thách thức cần đối mặt
Cơ hội nhiều thách thức cũng nhiều, mặc dù được các CTCK nhận định tích cực, TTCK vẫn còn phải đối mặt với không ít thách thức trong năm đầu tiên của thập kỉ mới.
Theo Bloomberg, TTCK Việt Nam chịu sự chi phối bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhà phát triển bất động sản lớn nhất cả nước, gồm Vingroup và các công ty liên quan nên sự tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể từ cổ phiếu của hai nhóm này.
Tín dụng ngân hàng hiện đã vượt GDP hàng năm, tức là khá cao so với một nước có GDP bình quân đầu người khoảng 2.500 USD/năm, trong khi đó theo Fitch Ratings, khoảng một nửa số ngân hàng tại Việt Nam không đạt tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) 8%.
Mặc khác, hoạt động tăng vốn của các ngân hàng cũng gặp khó khăn vì sở hữu nước ngoài (room khối ngoại) bị giới hạn ở mức 30%, việc nới room khối ngoại cũng không thể diễn ra "một sớm một chiều". Do đó, khả năng tăng trưởng của nhóm ngân hàng sẽ là vấn đề đáng lưu tâm.
Bên cạnh đó, Nhà nước đang hạn chế phê duyệt các dự án mới cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp phát triển bất động sản.
Về phía các CTCK, SSI cho rằng tình hình bất ổn trên thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK Việt Nam, điển hình là bất ổn khu vực Trung Đông do căng thẳng chính trị Mỹ - Iran và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Ở trong nước, SSI cho rằng nhiều điểm yếu của nền kinh tế vẫn còn tồn tại, việc hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody hạ triển vọng tín nhiệm của Việt nam đã bộc lộ ra một trong những điểm yếu đó.
Với những hạn chế còn tồn tại, việc nâng hạng TTCK Việt Nam đến hiện tại vẫn chưa thể thực hiện. Theo VNDirect, trong kịch bản tốt nhất, TTCK Việt Nam sẽ được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng vào tháng 6/2021 và được chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 6/2022, tức cần thêm hai đến ba năm nữa.
Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, Luật chứng khoán mới có thể giải quyết được nhiều hạn chế hiện tại của Việt Nam, tuy nhiên Luật cũng cần một thời gian để vận hành và MSCI cũng cần thời gian để đánh giá lại. Do đó, thị trường Việt Nam khó có thể được MSCI nâng hạng trước năm 2022.
Trong tương lai gần hơn, dòng tiền từ nước ngoài có thể vẫn được đảm bảo với việc tỉ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index được nâng lên khi Kuwait nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Với việc tỉ trọng của Việt Nam trong hai rổ chỉ số trên có thể tăng lên 25,8% và 30% theo số liệu của MSCI, VNDirect ước tính TTCK Việt Nam có thể được nhận khoản đầu tư xấp xỉ 200 triệu USD từ các quĩ giao dịch chỉ số.
Thậm chỉ, qui mô dòng vốn có thể còn lên tới 250 - 270 triệu USD nếu xem xét thêm các quĩ chủ động và thụ động khác, dòng vốn này sẽ cải thiện thanh khoản thị trường cũng như thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Tự doanh CTCK mua ròng ngay đầu năm 2020
Với cái nhìn lạc quan về triển vọng thị trường, khối tự doanh của các CTCK đã giải ngân hàng trăm tỉ đồng ngay từ đầu năm 2020, bắt đầu bởi việc mua ròng hơn 69 tỉ đồng trong phiên giao dịch đầu năm (2/1).
Mặc dù bán ròng một vài phiên sau đó, khối tự doanh lại tiếp tục gom 369 tỉ đồng trong tuần 6 - 10/1. Đáng chú ý, phiên giao dịch thứ Tư (8/1) ghi nhận giá trị mua ròng của khối này lên tới 256 tỉ đồng.
Trong đó, các mã được mua ròng nhiều nhất tập trung tại nhóm ngân hàng với CTG, VPB, TCB, MBB và các mã vốn hóa lớn FPT, HPG, VNM, PNJ, MWG.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/