CPTPP giúp Việt Nam và Canada rộng đường giao thương
Mở cửa thị trường, Canada xóa ngay 94,5% số dòng thuế
Đây là thông tin đáng chú ý tại hội thảo Cơ hội tiếp cận thị trường Canada trong Hiệp định CPTPP do Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP HCM phối hợp cùng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/4 tại TP HCM.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, so với các Hiệp định thương mại song phương và đa phương khác mà Việt Nam đang tham gia, CPTPP mang lại giá trị gia tăng lớn khi mở cửa cùng lúc 3 thị trường mới tại châu Mỹ là Canada, Mexico và Peru.
"Canada cam kết xóa bỏ đến 94,5% số dòng thuế ngay khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, tương đương với 78% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam", ông Khanh cho hay.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Như Huỳnh
Phân tích cụ thể, đại diện Bộ Công Thương đánh giá, Canada là thị trường có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu do cơ cấu hàng hóa mang tính bổ sung cho nhau tốt, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, da giày, nông thủy sản tại Canada cũng khá lớn.
Đặc biệt, nông sản và thủy sản là hai ngành hàng được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn ngay khi CPTPP có hiệu lực. Và tư năm thứ 4, Canada xóa bỏ đến 96,3% số dòng thuế, tương đương với 93,4 kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam.
"Đây là thị trường có khả năng chi trả cho các sản phẩm có giá trị cao và là cầu nối quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sang các quốc gia châu Mỹ khác", ông Ngô Chung Khanh đánh giá.
Cơ hội xuất khẩu lớn cho nhiều ngành hàng
Giới chuyên môn đánh giá Canada là một thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản, chè, hạt điều, cà phê, đồ gỗ và sản phẩm gỗ...
Ông Bùi Tuấn Hoàn, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, thuế nhập khẩu hàng dệt may vào Canada đã giảm từ 17 -18% xuống còn 0% khi CPTPP thực thi. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Dù vậy, "Chênh lệch về thuế nhập khẩu trước và sau CPTPP sẽ là động lực thúc đẩy dệt may xuất khẩu vào thị trường Canada" ông Bùi Tuấn Hoàn nói.
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang thị trường Canada. Ảnh: Như Huỳnh.
Liên quan đến việc hưởng ưu đãi tại thị trường Canada thông qua CPTPP, bà Trịnh Minh Hiền, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, kể từ ngày Thông tư hướng dẫn về CPTPP của Bộ Công Thương có hiệu lực, tức ngày 8/3 đến nay đã có 415 Bộ C/O được cấp cho hàng xuất khẩu sang thị trường Canada, dẫn đầu trong các nước CPTPP.
Hai mặt hàng đang tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang Canada da giày và dệt may. "Với CPTPP, nếu đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ, sản phẩm giày dép xuất khẩu vào Canada sẽ được hưởng mức thuế 0% thay cho mức thuế 18%. Mặt hàng dệt may cũng được hưởng mức giảm tương tự", bà Hiền thông tin.
Ngoài ra, một ngành hàng khác cũng có nhiều dư địa để hợp tác với Canada là chế biến, xuất khẩu gỗ. Đặc biệt, Canada có chính sách khá mở về nông sản nhiệt đới với thuế nhập khẩu bằng 0% và không có nhiều rào cản kỹ thuật. Do đó, đây là cơ hội cho hoa quả tươi xuất khẩu Việt Nam. "Theo đó, Việt Nam và Canada sẽ có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau trong quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi", bà Hiền cho hay.
Thương mại giữa Việt Nam - Canada tăng trưởng nhanh chóng từ khi CPTPP có hiệu lực
Sự kết nối thương mại giữa Việt Nam - Canada ngày càng được tăng cường thông qua việc tham gia CPTPP. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Canada đã tăng gấp 3 lần từ 1,14 tỉ USD năm 2010 lên 3,85 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, Việt Nam luôn xuất siêu sang Canada. Năm 2018 giá trị xuất siêu đạt 2,14 tỉ USD.
Đắc biệt, khi Hiệp định có hiệu lực với Canada từ ngày 30/12/2018 và với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, chỉ sau một thời gian ngắn, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã có sự tăng trưởng mạnh.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 506,8 triệu USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng chú ý của xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada trong 2 tháng đầu năm 2019.
"CPTPP là thỏa thuận thương mại quan trọng nhất nhằm thúc đẩy giao thương giữa Việt nam và Canada", Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhận định.
Hội thảo Cơ hội tiếp cận thị trường Canada trong Hiệp định CPTPP do Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP HCM phối hợp cùng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/4 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh
Mặc dù cơ hội mở rộng xuất khẩu vào Canada là rất lớn song đây là thị trường khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam nên các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần lưu ý nhiều vấn đề trong việc tận dụng ưu đãi.
Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, để hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào Canada, doanh nghiệp cần nắm rõ những yêu cầu về xuất xứ hàng hóa mà hai bên đã cam kết.
"Nông sản cơ bản cần có nguốn gốc xuất xứ thuần túy, trong khi đó nông sản, thực phẩm chế biến được áp dụng quy tắc xuất xứ linh hoạt hơn, đảm bảo 40% giá trị sản phẩm được tạo ra trong khối CPTPP.
Với hàng dệt may cần đáp ứng nguyên tắc từ sợi trở đi, nghĩa là các công đoạn dệt, nhuộm, cắt may… phải được thực hiện trong các quốc gia thành viên CPTPP", bà Hiền dẫn chứng.
Ngoài ra, doanh nghiệp lần đầu làm hồ sơ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu qua thị trường Canada cần lưu ý việc ghi đầy đủ thông tin liên lạc, đặc biệt là số điện thoại và email vì theo bà, các doanh nghiệp Canada có thói quen liên lạc qua email.
"Doanh nghiệp cũng cần tạo lập hồ sơ xuất xứ hàng hóa và lưu giữ các chứng từ chứng minh trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để thuận lợi trong việc xác định xuất xứ hàng hóa về sau", đại diện Bộ Công thương khuyến cáo.