Tham gia CPTPP, doanh nghiệp phải nắm rõ luật
Tham gia chỉ 1% vẫn được tính ưu đãi
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết cơ hội cho Việt Nam tận dụng ưu đãi trong hiệp định này rất lớn. Đáng lưu ý nhất là quy tắc "cộng gộp": "Nếu hàng hóa đáp ứng được quy tắc xuất xứ (QTXX) thì có thể mở rộng xuất khẩu vào các nước trong khối. Thêm nữa, quy tắc cộng gộp xuất xứ thành viên trong khối sẽ thu hút thêm đầu tư nước ngoài từ trong lẫn ngoài khối. Ngoài ra, chúng ta còn có thể mở rộng chuỗi cung ứng trong khu vực ASEAN đến châu Á và CPTPP", bà Hiền cho biết.
Đặc biệt, khi tính đến tỉ lệ ưu đãi xuất xứ, với CPTPP, hàng Việt sẽ được cộng trị giá gia tăng trong quá trình sản xuất và trị giá của nguyên liệu có xuất xứ, dù tỉ lệ nhỏ nhất.
Bà Hiền dẫn chứng: "Với các FTA trước đây, sản phẩm lốp ôtô không đáp ứng nguyên tắc xuất xứ nên Việt Nam không được tính ưu đãi. Nhưng với CPTPP, dù Việt Nam tham gia chỉ 1% trị giá trong toàn bộ công đoạn thì vẫn được tính vào phần ưu đãi nếu chiếc xe được sản xuất, lắp ráp tại nước có tham gia CPTPP"
Thủy sản là ngành hàng được cho là dễ nhận uu đãi từ CPTPP. Ảnh: Như Huỳnh
Đáng chú ý, trong tất cả các mặt hàng, thủy sản là ngành được CPTPP "ưu đãi" hơn các ngành khác, khi QTXX dành cho thủy sản khá "lỏng', thậm chí còn dễ hơn nhiều FTA khác. Cụ thể, trong mảng nuôi trồng thủy sản, CPTPP cho phép doanh nghiệp nhập khẩu trứng, ấu trùng, cá bột, cá giống, cá hồi con hoặc cá chưa trưởng thành khác ở giai đoạn hậu ấu trùng; mảng thủy sản tươi hoặc đông lạnh tương tự các FTA ASEAN+.
Theo ông Phạm Bình An – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. HCM, Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương CPTPP tạo ra một không gian thương mại tự do giữa 11 quốc gia, quy mô dân số gần 500 triệu người, tổng GDP vượt 10.000 tỷ USD, quy mô giao dịch thương mại gần 5.000 tỷ USD.
Dự kiến, sau 3 năm, CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng 1,3%, xuất khẩu tăng hơn 4%, nhập khẩu tăng 3,8% và tăng thêm 20 đến 26 ngàn việc làm mỗi năm. Với ưu đãi từ CPTPP, nhiều ngành hàng như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hoá chất, sản phẩm da và nhựa sẽ được hưởng lợi, có thể tăng trưởng tốt.
Dệt may lo vì bị "thắt chặt"
Với các FTA khác, chỉ cần các doanh nghiệp dệt may Việt Nam làm 1 hoặc 2/3 công đoạn sản xuất ra thành phẩm như tạo xơ, xe sợi, dệt và hoàn thiện vải, cắt may, hàng hóa đó đã được công nhận có xuất xứ từ Việt Nam, nhưng với CPTTP, các doanh nghiệp Việt Nam phải tự làm hết cả 3 công đoạn, bắt đầu từ sợi.
Ví dụ, với ASEAN – ATIGA, doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần dệt và hoàn thiện vải hoặc cắt may, còn nguồn gốc sợi không quan trọng; với Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản AJCEP, doanh nghiệp chỉ cần làm 2 công đoạn, tính từ vải nhưng CPTPP đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải tự tạo xơ, xe xợi đến làm ra vải và cuối cùng là cắt may.
Đó là không tính một vài ngoại lệ như nhóm hàng valy túi xách, áo ngực phụ nữ và quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp được áp dụng chỉ một quy tắc cắt may.
Quy tắc xuất xứ của CPTPP đối với ngành dệt may phức tạp hơn nhiều FTA khác. Ảnh: Như Huỳnh
Dù quy định trong CPTPP khắt khe hơn so với các FTA khác nhưng do được chấp thuận quy tắc "nguồn cung thiếu hụt" nên Việt Nam vẫn có cơ hội, đó là thông tin được bà Hiền nhấn manh: "CPTPP đòi hỏi xuất xứ từ sợi trở đi mới được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, chúng ta đã nỗ lực đưa danh mục 187 mặt hàng không có sẵn, các nước CPTPP cũng không đáp ứng đủ cho nhau để được hưởng ưu đãi và đã được chấp nhận".
Cũng liên quan đến dệt may, ông Vũ Hùng Thịnh, Phó trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đánh giá Việt Nam có ưu điểm là sản xuất sợi tốt nhưng khâu hoàn thiện vải gặp vấn đề lớn về công nghệ, môi trường… Do vậy, nhiều doanh nghiệp phía Bắc sau khi dệt vải mộc sẽ chuyển sang Trung Quốc để thực hiện khâu định hình vải và nhuộm. Sau đó, vải thành phẩm được Việt Nam nhập lại để đưa vào may mặc.
Những sản phẩm này nếu được xuất khẩu sang Nhật theo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) sẽ không được ưu đãi thuế quan do bị coi là "mất xuất xứ". Nhưng với CPTPP, quy tắc tự chứng nhận xuất xứ cho phép doanh nghiệp tự chuẩn bị hồ sơ, chứng từ để chứng minh khâu sản xuất sợi đầu tiên là từ Việt Nam, từ đó sẽ được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang Nhật.
Ngoài ra, CPTPP cũng chấp nhận nguyên tắc hồi tố C/O (chứng nhận xuất xứ) cho những đơn hàng xuất khẩu trước thời điểm hiệp định có hiệu lực với Việt Nam (4/1) và sau thời điểm chính thức có hiệu lực với các nước (30-12-2018). "Chỉ cần hàng hóa Việt Nam được doanh nghiệp của nước nhập khẩu chấp nhận hồ sơ C/O ưu đãi và nội luật của nước đó cho phép thì Bộ Công Thương sẽ cấp hồi tố để doanh nghiệp xin hoàn thuế", ông Thịnh khẳng định.
Bên cạnh đó, giữa lộ trình giảm thuế trong CPTPP và lộ trình của các FTA khác, doanh nghiệp được lựa chọn mẫu C/O nào đơn giản hơn, có lợi hơn. Bởi thực tế, nhiều nước thành viên của CPTPP có hiệp định song phương với Việt Nam hiện có ưu đãi thuế tốt hơn CPTPP
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/