|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CPI tăng chậm nhờ giá xăng dầu giảm, chuyên gia lo ngại lạm phát sẽ tăng mạnh trở lại vào cuối năm

16:44 | 05/09/2022
Chia sẻ
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, nhờ giảm giá xăng dầu nên chỉ số CPI được hỗ trợ không tăng mạnh,  song khi giá dầu đã giảm quá sức chịu đựng của OPEC+ và họ cắt giảm nguồn cung làm giá dầu thế giới tăng cao thì lấy gì để hỗ trợ.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tăng 3,6% và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,64%.  

Tổng cục Thống kê cho rằng, CPI không tăng đáng kể so với tháng trước là do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và bước sang năm học mới 2022-2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại, tuy nhiên giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, CPI tháng 8 không tăng so với tháng 7 là nhờ giá xăng dầu giảm liên tục.

Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng hay giảm phụ thuộc vào giá thế giới. Giá xăng dầu trên thế giới đã giảm liên tục, đe dọa đến nguồn thu của các nước OPEC+, vì vậy, những nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ không để giá xăng dầu rơi tự do bằng cách hạn chế nguồn cung.

Khi giá xăng dầu thế giới không giảm nữa, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng không thể giảm như trong 2 tháng vừa qua, thì liệu CPI các tháng còn lại của năm 2022 còn tăng thấp như tháng 7, tháng 8/2022 hay không, nhất là trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu vẫn ở mức rất cao.

PGS, TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh rằng, nhờ giảm giá xăng dầu, nên nhóm chỉ số giá giao thông tháng 7 giảm 2,85%, kéo CPI chung giảm 0,28%. Còn tháng 8 vừa qua, cũng nhờ giảm được giá xăng dầu nên nhóm giao thông giảm 5,51%, kéo CPI chung giảm 0,53%. Khi giá xăng dầu không còn hỗ trợ được nữa do đã giảm quá sức chịu đựng của OPEC+ thì lấy gì để kéo CPI chung xuống.

PGS, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả. (Ảnh: NVCC).

CPI tháng 9 được dự báo tăng cao

Ông Long cũng chỉ ra rằng, trong tháng 7, nhóm hàng thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng 1,37% so với tháng 6, tác động làm CPI tăng 0,4%. Bước sang tháng 8, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục tăng 1,05% so với tháng 7, trong đó riêng giá thịt lợn tháng 8 tăng 4,95% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Giá thịt lợn tăng khiến các loại thực phẩm chế biến từ thịt lợn tăng theo. Đáng nói là, giá thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn tăng, nhưng người tiêu dùng khó có thể chuyển sang các loại thực phẩm khác, một phần do thói quen tiêu dùng của người Việt, phần nữa là giá các loại thực phẩm khác cũng tăng do giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao. 

Do đó, TS. Ngô Trí Long dự báo CPI tháng 9 và những tháng cuối năm sẽ tăng mạnh.

Phân tích thêm về những yếu tố sẽ khiến CPI tháng 9 tăng mạnh, vị chuyên gia này cho rằng, một trong những yếu tố khiến CPI tháng 8 gần như không tăng, đó là nhu cầu chưa tăng đột biến. Song sang tháng 9, nhu cầu chi tiêu cho giáo dục, văn phòng phẩm hay các loại hàng hoá, dịch vụ có liên quan mới thực sự tăng đột biến.

"Chưa kể, sau 2 năm đại dịch COVID-19, hầu hết các địa phương đều không tăng học phí theo lộ trình, năm học này muốn hay không cũng buộc phải tăng, bởi không tăng thì ngân sách nhà nước không có cách nào cải thiện thu nhập cho ngành giáo dục trong bối cảnh hàng chục nghìn giáo viên đã xin nghỉ việc, chuyển nghề do thu nhập thấp, áp lực công việc lại lớn", TS. Long nói.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023 theo khung giá tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có thể làm tăng CPI bình quân năm 2022 thêm 0,55-1,05%. Đây là áp lực vô cùng lớn tới việc kiểm soát lạm phát. 

Tháng 9 cũng là kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, là cơ hội để người dân nghỉ ngơi, đi du lịch, nghỉ mát, cũng sẽ khiến nhu cầu tăng cao, đặc biệt là nhu cầu đi lại, du lịch lữ hành, ăn uống ngoài gia đình, tạo áp lực lên lạm phát, ông Long nhìn nhận.

Tại báo cáo chiến lược thị trường tháng 9 do Công ty chứng khoán VnDriect phát hành, đơn vị này cũng dự báo nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn trong những quý 3 gồm: Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do nhu cầu bên ngoài giảm, áp lực lạm phát tăng cao dịp cuối năm, và lãi suất tăng.  

Mặc dù vậy, VnDriect kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 11,0% svck trong Quý III/2022 nhờ các yếu tố: Mức nền thấp của Q3/21 khi GDP của Việt Nam giảm 6,0% svck,  sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ và việc Chính phủ nỗ lực triển khai gói kích thích kinh tế (giảm 2% thuế VAT), gói cấp bù bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng 113.050 tỷ đồng,…

Giá dầu thế giới được dự báo tăng trở lại

Những thông tin về việc OPEC+ có khả năng xem xét giảm sản lượng và đồng USD yếu hơn đã khiến giá dầu đã quay đầu tăng mạnh.

Đồng thời, lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung gia tăng sau khi G7 quyết định áp giá trần đối với dầu thô Nga cũng là một nguyên nhân khiến giá dầu tăng. Hiện tại, Nga tuyên bố sẽ không giao dầu và các sản phẩm chưng cất cho các nước đồng thuận, ủng hộ với quyết định này của G7. Đồng thời, Nga cũng phát đi cảnh báo sẽ ngừng cấp khí đốt nếu Liên minh châu Âu (EU) quyết định về một biện pháp tương tự với khí đốt Nga.

Tính đến đầu giờ sáng ngày 5/9/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 87,70 USD/thùng, tăng 1,22 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 94,25 USD/thùng, tăng 1,23 USD/thùng trong phiên.

 

Hạ An