|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

COVAX có thể cung cấp 400 triệu liều vắc xin mỗi tháng trong quý IV

06:30 | 27/07/2021
Chia sẻ
COVAX dự báo sẽ có khoảng 1,9 tỷ liều vắc xin COVID-19 sẵn có để phân phối vào cuối năm 2021, với 400 triệu liều vắc xin được vận chuyển mỗi tháng của quý IV.

COVAX facility là một cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với GAVI, UNICEF, CEPI thiết lập, cùng với các nhà sản xuất vắc xin và các đối tác nhằm bảo đảm các quốc gia tham gia được tiếp cận vắc xin COVID-19 một cách công bằng và hiệu quả, phá vỡ cản trở về thu nhập đối với việc tiếp cận nguồn vắc xin.

COVAX đã phân phối hơn 138 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 136 quốc gia - Ảnh 1.

COVAX phá vỡ cản trở về thu nhập đối với việc tiếp cận nguồn vắc xin phòng COVID-19 của các quốc gia. (Ảnh: LAtimes).

COVAX sẽ bảo đảm cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận lượng vắc xin đủ để tiêm chủng cho khoảng 20% dân số trong năm 2021, COVAX sẽ mua và vận chuyển vắc xin cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, đồng thời hỗ trợ mua cho hơn 97 quốc gia có thu nhập trên trung bình và thu nhập cao.

COVAX cung cấp cho tất cả các nước tham gia cùng loại ứng viên vắc xin, với cùng một thời gian phân phối để có thể sớm kết thúc đại dịch COVID-19. Việt Nam là một trong 190 quốc gia tham gia vào cơ chế COVAX và là một trong các quốc gia được nằm trong danh sách những nước được tài trợ vắc xin giai đoạn đầu tiên (Initial Roll Out).

Các quốc gia tự tài trợ và các nền kinh tế tham gia vào COVAX có thể yêu cầu số lượng vắc xin đủ để tiêm chủng cho từ 10 đến 50% dân số tuỳ thuộc vào số tiền mà mỗi quốc gia trả cho COVAX. Đối với các quốc gia này, COVAX đóng vai trò như một chính sách bảo hiểm quan trọng trong việc làm tăng cơ hội tiếp cận nguồn vắc xin lên rất lớn, ngay cả khi các thỏa thuận song phương của những nước này không thành công. 

Đồng thời, bằng việc đóng góp chung các nguồn lực thông qua COVAX, các quốc gia và nền kinh tế tham gia về cơ bản đang giúp tăng cơ hội cho thế giới mang về vắc xin COVID-19 nhanh nhất có thể. Việc áp dụng phương pháp tiếp cận toàn cầu và chia sẻ rủi ro thông qua COVAX cung cấp biện pháp tốt nhất để đánh bại loại virus này bằng sự đóng góp của cả thế giới.

COVAX đã phân phối hơn 138 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 136 quốc gia - Ảnh 2.

Cơ cấu đóng góp vắc xin phòng COVID-19 của các quốc gia đến COVAX giai đoạn 2021 - 2022. (Nguồn: GAVI).

Về số liều vắc xin được các quốc gia đóng góp đến COVAX trong giai đoạn 2021 - 2022, đến nay, tổng số liều vắc xin mà COVAX dự kiến sẽ nhận được trong giai đoạn này là hơn 610 triệu liều, trong đó Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất với 260 triệu liều, thứ hai là nhóm các nước châu Âu (gồm: Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thuỵ Điển) với tổng 200 triệu liều, tiếp theo là Anh (80 triệu liều), Canada (30,7 triệu liều), Nhật Bản (30 triệu liều),...

COVAX dự báo khoảng 1,9 tỷ liều vắc xin được phân phối vào cuối năm 2021

COVAX đã có cam kết trực tiếp từ các nhà sản xuất và từ các quốc gia đóng góp khoảng 5,1 tỷ liều vắc xin, trong đó 3,8 tỷ liều đã được bảo đảm bằng các hợp đồng pháp lý với các nhà sản xuất. COVAX đang thoả thuận với các nhà sản xuất và các nước tài trợ để chuyển các cam kết còn lại thành hợp đồng pháp lý.

Trong số vắc xin này, COVAX dự báo sẽ có khoảng 1,9 tỷ liều sẵn có để phân phối vào cuối năm 2021. Trong đó, 1,5 tỷ liều (bao gồm cả số lượng được tặng) sẽ chuyển đến các nước thành viên tham gia Cam kết Thị trường Trước (AMC), số lượng đủ để bao phủ cho 23% dân số thế giới (không tính Ấn Độ).

Vào quý IV năm nay, COVAX có thể cung cấp 400 triệu liều vắc xin mỗi tháng, trong đó 300 triệu liều dự kiến sẽ sẵn sàng cung cấp cho những quốc gia tham gia AMC. Theo Liên minh toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), tính đến 23/7, COVAX đã vận chuyển hơn 138 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 136 quốc gia thành viên.

Như Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.