Công ty vừa được TP HCM cấp phép nhập 5 triệu liều vắc xin Sinopharm hoạt động ra sao?
Mới đây, Bộ Y tế vừa phê duyệt cho phép Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco), trụ ở tại quận 4, TP HCM, nhập khẩu 5 triệu liều vắc xin COVID-19 Sinopharm của Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh.
Tại Việt Nam, vắc xin này được Bộ Y tế đồng ý phê duyệt có điều kiện vào ngày 4/6. Công ty Dược Sài Gòn chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vắc xin nhập khẩu cũng như bảo quản vắc xin theo đúng quy định.
Theo tìm hiểu, Dược Sài Gòn hình thành từ những tháng cuối năm 1975, khởi đầu từ một số nhà thuốc trên địa bàn TP HCM năm 1975 và kinh doanh với tên gọi "Quốc doanh y dược phẩm Sài Gòn". Đơn vị này kinh doanh, phân phối dược phẩm đầu ngành, quản lý trực tiếp 17 hiệu thuộc quốc doanh quận, huyện.
Năm 1977, công ty chính thức được thành lập theo quyết định của UBND TP HCM với tên gọi "Công ty dược phẩm Cấp II" trực thuộc Sở Y tế TP. Sau đó, công ty được UBND TP và các bộ liên quan cho phép hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp thuốc và nguyên liệu làm thuốc vào đầu năm 1990.
Tới năm 2010, công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn với 100% vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Hệ thống của Dược Sài Gòn bao gồm các đơn vị trực thuộc và 16 công ty liên kết.
Vài năm sau, doanh nghiệp này khánh thành Trung tâm Phân phối Dược Sài Gòn tại quận 9, TP HCM, với diện tích 13.000 m2, hơn 8.000 palet chứa hàng, hoạt động bảo quản và phân phối thuốc, mở rộng quy mô trên toàn quốc.
Năm 2018, Dược Sài Gòn trở thành nhà phân phối các sản phẩm vắc xin của Sanofi Pasteur khu vực phía nam, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Hệ thống phân phối của Dược Sài Gòn đã có mặt tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Dược Sài Gòn do ông Lê Việt Hùng điều hành dưới cương vị là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Tổng số cán bộ, công nhân viên và người lao động trong toàn hệ thống công ty là gần 2.800 người.
Về tình hình kinh doanh, Dược Sài Gòn đạt hơn 2.700 tỷ đồng doanh thu trong năm 2020, giảm gần 40% so với năm 2019. Trong ba năm gần nhất, công ty ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng hiểu quả hoạt động rất thấp.
Cụ thể, tỷ suất sinh lời doanh thu/lợi nhuận năm gần nhất của Dược Sài Gòn là 1,04%, cao hơn con số 0,2% của Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (Mã: VMD), 0,6% của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha (Mã: CDP) và 0,41% của CTCP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma, TW2) nhưng thấp hơn nhiều so với Domexco (Mã: DMC) là 11,6%, Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm, mã: DVN) là 3,7%.
Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của Dược Sài Gòn là 1.385 tỷ đồng, công ty có vốn góp của chủ sở hữu là 480 tỷ đồng, nợ vay tài chính là 116 tỷ đồng (toàn bộ là nợ ngắn hạn).
Công ty cũng rót vốn đầu tư vào nhiều công ty liên kết như CTCP Dược phẩm và Sinh học y tế (Mebiphar) 65 tỷ đồng, vào CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic 41 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 110 tỷ đồng, gần 156 tỷ đồng.