Công ty logistics dùng trâu để giao hàng muốn IPO, định giá 1 tỷ USD
Ninja Van, công ty logistics dùng xe máy, thuyền và thậm chí cả trâu để giao 1,7 triệu kiện hàng mỗi ngày đi khắp Đông Nam Á, đang cân nhắc thực hiện đợt IPO sớm nhất vào năm 2022, sau khi được định giá 1 tỷ USD, theo Financial Times.
Từng nhận được đầu tư từ quỹ B Capital của người đồng sáng lập Facebook Eduardo Saverin, tăng trưởng doanh thu và số lượng đơn hàng của Ninja Van tăng mạnh nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử Đông Nam Á tạo ra bởi 400 triệu người dùng Internet.
Với 34.000 nhân viên và 1.800 trạm phân loại hàng hoá, công ty mới chỉ 7 năm tuổi này chuyên giao hàng tới hàng nghìn thành phố nhỏ và các ngôi làng vùng sâu vùng xa ở Đông Nam Á, nơi các công ty vận chuyển quốc tế gặp nhiều khó khăn để tiếp cận.
Bất chấp những lệnh phong toả hoặc giãn cách xã hội, số lượng đơn hàng giao hàng ngày của Ninja Van vẫn tăng từ 1 triệu trong tháng 5/2020 lên tới 1,7 triệu vào tháng 7/2021. Ông Chang Wen Lei, một người đồng sáng lập Ninja Van, nói với Financial Times rằng công ty đang cách mục tiêu IPO "một năm nữa".
Hai nguồn tin thân cận với vấn đề nói rằng Ninja Van đã bắt đầu làm việc với các đơn vị tư vấn để chuẩn bị cho qua trình IPO. Lúc này, Mỹ có thể được lựa chọn là thị trường niêm yết tiềm năng.
Ninja Van từ chối chia sẻ về định giá của mình song một nguồn tin nói Ninja Van đã vượt qua mốc định giá 1 tỷ USD sau vòng đầu tư 279 triệu USD ghi nhận vào năm ngoái. Ở thời điểm hiện tại, Ninja Van đang gần đạt được điểm hoà vốn và dự kiến sẽ có lãi vào năm 2022.
Ninja Van là một trong những công ty hưởng lợi từ đợt bùng nổ thương mại điện tử Đông Nam Á. Tổng giá trị bán hàng của hàng hoá trực tuyến tại Đông Nam Á tăng 63% lên mốc 62 tỷ USD trong năm 2020, theo một báo cáo của Google, Temasek và Bain & Co. Nhiều công ty lớn trong khu vực cũng đang đầu tư mạnh hoặc bắt đầu cạnh tranh ở mảng logistics như Gojek, Grab hay thậm chí cả AirAsia.
Ninja Van kỳ vọng có thể tạo được khác biệt hoá nhờ mạng lưới giao hàng rộng khắp. Với thế mạnh này, ông Lai khẳng định Ninja Van có thể giao hàng đến vùng sâu vùng xa tại Đông Nam Á. Điều mà phần lớn các đối thủ không làm được ở quy mô lớn.
Ninja Van cũng sử dụng công nghệ để cho phép các nhà bán hàng kiểm soát hoạt động. Cùng lúc, khách hàng cũng có thể theo dõi các đơn hàng sử dụng các nền tảng bên thứ ba như Facebook.
Bà Karen Almenana, quản lý một trạm giam hàng của Ninja Van ở Cagayan de Oro, Philippine, nói rằng số lượng hàng giao hàng ngày của bà đã tăng 150% trong 12 tháng gần nhất.
Nhân viên giao hàng của bà phải đi qua những ngọn núi chưa lát đá, những đồng lúa, biển và thậm chí giao hàng xuyên bão. Bà chia sẻ có nhân viên giao hàng đã phải cưỡi trâu để vượt qua các khu vực có địa hình khó khăn.
Các nhân viên giao hàng được kiểm tra về "khả năng phối hợp tay và mắt" và khả năng giữ cân bằng các kiện hàng trong những trường hợp khó khăn, bà Almenana nói thêm.
Anna Manatnant, một công dân Thái Lan 29 tuổi chuyên bán giày và quần áo qua sử dụng trên Instagram và Shopee, chia sẻ rằng giá thấp và dịch vụ khách hàng là lý do cô chọn dùng Ninja Van.
Dù vậy, bà Jeffrey Seah, một đối tác của quỹ đầu tư Singapore Quest Ventures, nhìn nhận cạnh tranh về giá sẽ là một thách thức lớn với các công ty startup. "Thông thường, logistics là một cuộc chiến về giá. Đây là cuộc chiến giành giật thị phần cực kỳ đắt đỏ mà người chiến thắng có thể là người lấy được tất cả", bà Seah nhấn mạnh.
"Một số công ty thương mại điện tử đang tự triển khai dịch vụ logistics của riêng mình, một phần để ngăn các công ty logistics bên thứ ba tăng giá".
Tháng 5/2020, sau khi nhận được 279 triệu USD, ông Lai Chang Wen nói rằng vốn đầu tư mới sẽ giúp củng cố mảng kinh doanh giao hàng nhanh của Ninja Van tại Đông Nam Á. Ninja Van cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển sang mảng kinh doanh B2B, theo Tech in Asia.
Thời điểm đó, ông Lai Chang Wen khẳng định Ninja Van không bị ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19. "Chi phí tăng lên và năng suất lao động giảm mạnh nhưng thương mại điện tử sẽ bùng nổ", ông nhìn nhận.
Logistics cho thương mại điện tử đang là cuộc cạnh tranh khốc liệt tại Đông Nam Á. Chỉ tính riêng tại Indonesia, Ninja Van đã phải cạnh tranh với JNE, J&T Express và nhiều cái tên khác.
Bên cạnh mảng giao hàng nội địa, Ninja Van cũng có dịch vụ Ninja Direct để hỗ trợ các nhà bán hàng trực tuyến tìm kiếm nguồn hàng, mua, giao hàng và tài trợ hoạt động bán buôn. Theo dữ liệu của Tech in Asia, tổng vốn đầu tư kêu gọi được công bố của Ninja Van lên tới 398,6 triệu USD.