|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty dược nội đạt giá trị trúng thầu cao nhất ở kênh ETC kinh doanh ra sao quý I?

19:43 | 06/05/2021
Chia sẻ
Kết thúc quý I, Imexpharm ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế không thay đổi nhiều so với cùng kỳ, thực hiện được gần 20% và 19% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm.

CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021 với chỉ tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế không thay đổi nhiều so với cùng kỳ.

Doanh thu và lợi nhuận đi ngang so với cùng kỳ

Cụ thể, doanh thu thuần ghi nhận giảm 3% về 296 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 2% lên 55 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tương đương với cùng kỳ ở mức 42%.

Theo doanh nghiệp, tháng 3/2020 khi các chỉ thị 15 và 16 về phòng chống dịch bệnh của chính phủ được ban hành thì xu hướng tích trữ các loại thuốc thiết yếu tăng đột biến, dẫn đến doanh số tăng vọt vào cuối quý I/2020. 

Do đó, doanh số giảm nhẹ so với cùng kỳ có thể lý giải do hiện tượng nhập hàng để đối phó với dịch bệnh của các nhà thuốc trong quý đầu năm 2020.

add - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh quý I/2021 của IMP. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý I/2021 của IMP).

Năm 2021, Imexpharm đặt kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập dự kiến đạt 1.530 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 290 tỷ đồng. Như vậy kết thúc quý I, Imexpharm đã thực hiện được gần 20% và 19% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm.

Trước tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, sang quý II, Imexpharm cho biết tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh ở châu Âu và chuẩn bị sẵn sàng các phương án để việc xét duyệt tiêu chuẩn EU - GMP cho nhà máy IMP4. Đồng thời công ty sẽ đẩy mạnh công tác đăng ký sản phẩm cho các nhà máy EU - GMP và triển khai sản xuất và tung ra thị trường sản phẩm mới của nhà máy thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo thông tin cập nhật từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kết quả đấu thầu thuốc trong kênh bệnh viện (kênh ETC) cho thấy các công ty trong nước tiếp tục giành được thị phần cao hơn ở nhóm 2. Tỷ trọng giá trị trúng thầu các nhà sản xuất trong nước trong nhóm 2 tăng từ khoảng 50% vào năm 2020 lên 64% tính đến hết quý I/2021.

Nguyên nhân tích cực này đến từ thông tư 15 của Bộ Y tế đã tiếp tục mở rộng các chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp dược nội địa thông qua cơ chế cộng điểm và chi phí sản xuất cạnh tranh.

Trong quý I/2021, Imexpharm tiếp tục là công ty dược nội giành được giá trị trúng thầu cao nhất ở kênh ETC và tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cụ thể, công ty giành được các gói thầu thuốc trị giá 691 tỷ đồng (trong đó 94,3% là thuốc nhóm 2). Bên cạnh đó, nhờ hai dòng sản phẩm được cấp visa vào châu Âu, Imexpharm cũng giành thêm các thầu gói thuốc trị giá 21,5 tỷ đồng tại nhóm 1, tăng từ mức gần bằng 0 trong nửa đầu năm 2020.

Imexpharm thực hiện gần 1/5 kế hoạch năm sau quý I - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng Cục Dược, Chứng khoán Rồng Việt.

Theo nhận định của VDSC, nhà máy IMP3 (sản xuất Cephalosporin và Penicillin) đang là động lực tăng trưởng chính trong năm 2021 khi nhà máy chiếm khoảng 90% giá trị đấu thầu của Imexpharm từ đầu năm.

Đối với nhà máy IMP4, việc kiểm duyệt EU-GMP chậm hơn sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của công ty giai đoạn 2021 - 2022.

Theo VDSC, thời điểm khó khăn nhất của Imexpharm đã qua và công ty sẽ lấy lại đà tăng trưởng doanh thu do năm 2020 là mức cơ sở thấp và nhu cầu thuốc đang dần phục hồi. Tuy nhiên, công ty vẫn phải đối mặt cạnh tranh từ các nhà sản xuất trong nước khác, đặc biệt là CTCP Pymepharco (Mã: PME).

Nợ dài hạn tăng 9,6 lần do khoản vay từ ngân hàng ADB

Kết thúc quý I, tổng tài sản của Imexpharm tăng nhẹ 4% so với đầu năm lên 2.185 tỷ đồng. Trong đó, chiếm 13% tổng tài sản là tiền nhàn rỗi và tiền gửi có kỳ hạn là 291 tỷ đồng, gấp hai lần đầu năm.

Bên cạnh khoản 357 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, Imexpharm đang ghi nhận 18,8 tỷ đồng nợ xấu, giảm 20% so với đầu năm, trong đó công ty xác định giá trị có thể thu hồi là 3,4 tỷ đồng.

Ở phía nguồn vốn, nợ dài hạn đã tăng gấp 9,6 lần lên 203 tỷ đồng do trong quý công ty đã đi vay từ Ngân hàng phát triển Châu Á để phục vụ cho các mục đích sản xuất kinh doanh. Khoản vay ngắn hạn gần 131 tỷ đồng và đều đến từ các ngân hàng.

Minh Hằng