|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Công nhân cảng biển Mỹ bắt đầu đình công, nền kinh tế có thể thiệt hại 4,5 tỷ USD mỗi ngày

15:17 | 01/10/2024
Chia sẻ
Công nhân bốc xếp tại các cảng lớn ở Bờ Đông và Bờ Vịnh Mỹ đã ngừng làm việc. Lãnh đạo công đoàn tuyên bố họ sẵn sàng đình công trong thời gian dài.

Cảng Newark ở thành phố New York ngày 30/9/2024. (Ảnh: Getty Images). 

Thiệt hại đáng kể

Công nhân bốc xếp tại tất cả các cảng lớn ở Bờ Đông và Bờ Vịnh Mỹ đã đồng loạt ngừng làm việc vào lúc 0h01 ngày 1/10 (theo giờ địa phương), đánh dấu bước khởi đầu của cuộc đình công lớn nhất trong hàng chục năm qua. 

Sự kiện trên có thể gây ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế lớn nhất thế giới và gây náo động trên chính trường Mỹ, chỉ vài tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra.

Tờ Bloomberg cho biết các cảng bị ảnh hưởng đang xử lý gần một nửa khối lượng thương mại của toàn nước Mỹ. Cuộc đình công sẽ khiến các chuyến hàng vận chuyển bằng container và ô tô bị tê liệt.

Tuy nhiên, nguồn cung năng lượng và hàng rời không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các công nhân cũng sẽ thực hiện một số ngoại lệ để đảm bảo sự lưu thông của hàng hóa quân đội và tàu du lịch.

Ảnh hưởng của cuộc đình công phụ thuộc vào thời gian đình công. Ngân hàng JPMorgan Chase ước tính thiệt hại kinh tế sẽ vào khoảng 3,8 đến 4,5 tỷ USD mỗi ngày. 

Nhà phân tích Grace Zwemmer của Oxford Economics cho biết trong trường hợp cuộc đình công kéo dài một tuần, lượng hàng hóa tồn đọng sẽ mất một tháng để xử lý hết.

Hiệp hội Công nhân Bốc xếp Quốc tế (ILA) đòi hỏi mức lương cao hơn cho các thành viên của họ và thay đổi một số điều khoản về tự động hóa trong hợp đồng 6 năm trước đó.

Ông Harold Daggett, Giám đốc cấp cao của ILA, đã cảnh báo suốt nhiều tháng về một cuộc đình công bắt đầu từ ngày 1/10 nếu các bên không đạt được thỏa thuận trước hạn chót. Lần cuối cùng công nhân bốc xếp tại Bờ Đông và Bờ Vịnh đình công là vào năm 1977.

Ông Daggett viết trên Facebook: “Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu cho tới khi cần thiết, sẵn sàng đình công trong thời gian dài. Đề nghị cuối cùng của các công ty thấp hơn nhiều những gì mà các thành viên ILA yêu cầu...”

Các hãng vận tải biển và nhà khai thác cảng với đại diện là Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX) cáo buộc ILA đã từ chối đàm phán kể từ tháng 6.

Các ứng viên tổng thống nói gì?

Các hiệp hội thương mại, vận tải và bán lẻ đang kêu gọi Nhà Trắng can thiệp để chấm dứt cuộc đình công. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố xung đột này là vấn đề về thương lượng tập thể và ông sẽ không ra lệnh buộc công nhân quay trở lại cảng trong lúc các cuộc đàm phán tiếp diễn.

Nhà lãnh đạo Daggett của ILA cảnh báo nếu bị buộc quay trở lại làm việc, các công nhân bốc xếp sẽ xử ý ít container hơn bình thường, khiến hoạt động tại cảng bị chậm trễ.

ILA chưa lên tiếng ủng hộ ứng viên tổng thống nào. Song, ông Daggett cho biết tại một cuộc gặp ở Mar-a-Lago vào mùa thu năm ngoái, cựu Tổng thống Donald Trump hứa hẹn sẽ ủng hộ ILA trong nỗ lực chống lại xu hướng tự động hóa tại các cảng.

Đến nay cả ông Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đều khá kín tiếng về cuộc đình công.

Ngay sau khi cuộc đình công bắt đầu, Thống đốc Kathy Hochul của bang New York đã ra tuyên bố trấn an: “Để chuẩn bị cho giây phút này, New York đã làm việc không ngừng nghỉ nhằm đảm bảo các cửa hàng tạp hóa và cơ sở y tế của bang có đủ mọi sản phẩm cần thiết”.

Trước khi cuộc đình công bắt đầu, dòng chảy hàng hóa đã bắt đầu bị tác động. Nhiều công ty nhập khẩu đã đưa hàng về sớm hoặc thông qua Bờ Tây để giảm bớt rủi ro gặp gián đoạn. Một số tuyến đường sắt cũng ngừng hoạt động.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg nói với Bloomberg: “Điều quan trọng nhất là các hãng vận tải, chủ hàng và người lao động đi đến thỏa thuận. Thực sự chúng ta không có giải pháp thay thế nào cho các cảng ngừng hoạt động”.

Giang