|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc đụng độ sắp xảy ra giữa ông Trump và người đàn ông quyền lực nhất giới tài chính

12:18 | 22/11/2024
Chia sẻ
Tổng thống đắc cử Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể sẽ xung đột chính sách vào năm 2025, tuỳ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế Mỹ.

Tổng thống đắc cử Donald Trump và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. (Ảnh: Reuters).

“Không nghi ngờ gì nữa”

Tổng thống đắc cử Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể sẽ xung đột chính sách vào năm 2025, tuỳ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế Mỹ. 

Nếu nền kinh tế nóng lên và lạm phát bùng nổ trở lại, ông Powell - người đàn ông quyền lực nhất giới tài chính - và các đồng nghiệp có thể sẽ quyết định tạm ngừng kế hoạch hạ lãi suất.

Điều đó có thể khiến ông Trump tức giận. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump thường xuyên chỉ trích giới chức Fed, bao gồm cả ông Powell, vì không mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ông Joseph LaVorgna - nhà kinh tế trưởng tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump - trả lời khi được hỏi về khả năng xảy ra xung đột: “Không nghi ngờ gì nữa”.

“Khi Fed không biết phải làm gì, họ thường sẽ không làm gì cả. Đó có thể là một vấn đề. Nếu Tổng thống Trump cảm thấy Mỹ cần phải hạ lãi suất, Fed liệu có hành động hay không?” ông nói.

Ông Powell trở thành chủ tịch Fed vào năm 2018 sau khi được ông Trump đề cử, nhưng cả hai vẫn thường tranh cãi về định hướng lãi suất.

Ông Trump đã chỉ trích một cách công khai về người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ. Ngược lại, ông Powell luôn khẳng định Fed phải duy trì sự độc lập khỏi các vấn đề chính trị, ngay cả khi áp lực đến từ tổng thống.

Khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2025, cả hai sẽ làm việc trong một môi trường khác hẳn so với trước kia. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nền kinh tế hầu như không chịu áp lực lạm phát nên Fed duy trì lãi suất ở mức rất thấp.

Lạm phát bắt đầu đi lên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden và cuối cùng chạm mức cao nhất trong hơn 40 năm vào mùa hè năm 2022. Fed phải tăng mạnh lãi suất để ghìm cương giá cả.

Sau khi lạm phát hạ nhiệt, các nhà hoạch định chính sách đã nhất trí cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) vào tháng 9 và tiếp tục hạ thêm 25 bps tại cuộc họp tháng 11 mới đây.

Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đang lên kế hoạch áp thêm thuế quan lên hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ, hạ thuế suất trong nước và trục xuất người nhập cư trái phép.

Các chính sách tài khoá mở rộng và mang tính bảo hộ này có thể kích thích lạm phát bật tăng trở lại. Nếu tác động bắt đầu xuất hiện trong dữ liệu, ông Powell có thể muốn giữ lãi suất ở mức cao để ngừa lạm phát.

Ông LaVorgna, hiện là nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính SMBC Nikko Securities, dự đoán Fed sẽ phải đưa ra một lựa chọn khó nhằn do những chính sách tiềm năng của ông Trump.

 

Ít đợt giảm lãi suất hơn

Trong những ngày gần đây, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đã trở nên băn khoăn về những gì ngân hàng trung ương Mỹ sẽ làm tiếp theo.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đang dự đoán xác suất cho một đợt giảm lãi suất vào tháng 12 tới là khoảng 50%. Một tuần trước, các nhà giao dịch vẫn còn chắc nịch rằng Fed sẽ giảm lãi suất.

Xa hơn, thị trường kỳ vọng ông Powell và các đồng nghiệp sẽ thực hiện ba đợt hạ lãi suất trong năm 2025, mỗi lần 25 bps. Dự báo này cũng giảm đáng kể so với kỳ vọng trước đó.

Các nhà đầu tư đang ngày càng lo lắng về ý định của Fed. Hôm 20/11, Thống đốc Fed Michelle Bowman lưu ý xu hướng thiểu phát đã “bị đình trệ”. Đây là một dấu hiệu cho thấy bà có thể sẽ tiếp tục ủng hộ Fed giảm tốc độ hạ lãi suất.

Nhà kinh tế trưởng Joseph Brusuelas của công ty kế kiểm RSM nhấn mạnh: “Mọi con đường đều dẫn đến căng thẳng giữa Nhà Trắng và Fed. Không chỉ Nhà Trắng mà còn căng thẳng giữa Bộ Tài chính và Fed...”

Quả thực, Tổng thống đắc cử Trump đang xây dựng một nội các trung thành để triển khai chương trình nghị sự kinh tế của mình, nhưng phần lớn thành công vẫn phụ thuộc vào chính sách tiền tệ phù hợp.

Các quan chức Fed đang nỗ lực tìm kiếm mức lãi suất trung lập - tức mức lãi suất không kìm chế cũng không kích thích tăng trưởng. Song, chưa chắc chính quyền mới của ông Trump đã hài lòng với mức lãi suất mà Fed lựa chọn.

Ông Brusuelas cho biết cuộc xung đột về lãi suất sẽ gây ra “căng thẳng chính trị và chính sách giữa Fed và Nhà Trắng”.

“Nếu một người định áp đặt thuế quan hoặc trục xuất hàng loạt dân nhập cư, họ đang hạn chế tổng cung. Cùng lúc, nếu người này cắt giảm thuế suất thì họ cũng đang khuyến khích tổng cầu gia tăng”, vị chuyên giải thích.

Khi đó, ma trận chính sách sẽ xuất hiện mâu thuẫn và nhà kinh tế Brusuelas cảnh báo “căng thẳng giữa ông Trump và ông Powell là không thể tránh khỏi”.

 

Kiềm chế xung đột

Tuy nhiên, một số yếu tố có thể giúp giảm bớt xung đột giữa chính quyền ông Trump và Chủ tịch Fed.

Một là nhiệm kỳ của ông Powell sẽ kết thúc vào đầu năm 2026, vì vậy chủ nhân Nhà Trắng tương lai có thể chờ đợi cho đến khi ông Powell rời nhiệm sở và chọn một người thay thế theo ý mình.

Cũng theo CNBC, có rất ít khả năng Fed sẽ tăng lãi suất do một số sự kiện bất ngờ có thể kích thích lạm phát tăng lên cao hơn.

Ngoài ra, các chính sách của ông Trump sẽ mất một thời gian trước khi tác động đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, chưa chắc Fed sẽ cần phải phản ứng. Bên cạnh đó, cũng có khả năng là tác động của các chính sách này không tồi tệ như một số người lo ngại.

“Tôi dự đoán lạm phát sẽ tăng cao hơn và tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Tôi cho rằng thuế quan và kế hoạch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp là những cú sốc tiêu cực tới nguồn cung. Chúng làm tổn hại đến tăng trưởng và kéo lạm phát đi lên”, ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, chia sẻ.

Vị chuyên gia nhận định Fed vẫn sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng có lẽ không nhanh như trước. Tuy nhiên, căng thẳng với ông Trump có thể là cơn đau đầu với chủ tịch Fed tiếp theo.

 

 

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.