|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một động cơ tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Mỹ có thể sắp gặp nguy hiểm

13:49 | 25/09/2024
Chia sẻ
Thị trường nhà ở và chứng khoán Mỹ có thể sắp suy yếu, khiến thế hệ baby boomer giàu có kìm hãm chi tiêu và tước đi trụ cột quan trọng của nền kinh tế.

(Hình minh họa: Business Insider). 

Thế hệ giàu có nhất

Theo ông Brij Khurana, nhà quản lý danh mục đầu tư chứng khoán cố định tại Wellington Management, nền kinh tế số một thế giới có thể đang đối mặt với một rủi ro nguy hiểm mà ít người chú ý.

Các baby boomer - những người sinh từ năm 1946 đến 1964 - có thể đột ngột cắt giảm chi tiêu ngay khi có dấu hiệu nền kinh tế hay thị trường gặp rắc rối. Trong khi đó, thói quen chi tiêu của baby boomer lại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP của Mỹ trong vài năm qua.

Ông Khurana cho biết cổ phiếu và nhà ở, hai nguồn tài sản đã giúp baby boomer trở thành thế hệ giàu có nhất nước Mỹ, đang cùng lúc biến họ thành rủi ro tới sự ổn định của nền kinh tế.

Ngay cả sự điều chỉnh nhẹ của thị trường cổ phiếu cũng có thể khiến những người cao tuổi ở Mỹ sợ hãi và hạn chế chi tiêu, phá hủy một trụ cột quan trọng của nền kinh tế.

Ngay lúc này một số dấu hiệu sớm đã xuất hiện, cho thấy khả năng chi tiêu của thế hệ baby boomer đang suy yếu. Khảo sát của hãng tư vấn McKinsey cho thấy chỉ 19% baby boomer dự định chi tiêu hào phóng trong năm 2024, mặc dù trong những năm trước đó họ chi khá nhiều tiền cho các chuyến du lịch.

 

Các baby boomer cũng báo hiệu rằng họ sắp rút vốn khỏi cổ phiếu để chuyển sang chứng khoán trả thu nhập cố định. Ông Khurana nói với Business Insider rằng bằng chứng là đà tăng giá của các loại trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài.

Việc luân chuyển tiền từ cổ phiếu sang trái phiếu là xu hướng tự nhiên khi nhà đầu tư già đi và có nhu cầu bảo vệ tài sản sau nhiều năm tích lũy. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát thị trường lưu ý khi các baby boomer đồng loạt bán bớt cổ phiếu, họ có thể sẽ gây sốc cho thị trường chứng khoán và gây ra những đợt biến động mạnh.

Ngoài ra, baby boomer không có thời hạn đầu tư dài như những người trẻ, do đó họ dễ bán tháo khi thị trường suy yếu, khuếch đại đà giảm của thị trường. 

Ông Khurana dự đoán khả năng Mỹ suy thoái trong hai đến ba năm tiếp theo là hơn 50%. Tương tự, các nhà kinh tế từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh New York ước tính có 61% khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới.

Ông Khurana cảnh báo: “Dù giá chứng khoán chỉ giảm khoảng 10% từ mức rất cao hiện nay, tâm lý của các baby boomer cũng có thể bị ảnh hưởng mạnh. Khi đó, nếu họ cắt giảm chi tiêu và tăng cường tiết kiệm thì nền kinh tế có nguy cơ bị đẩy vào suy thoái”. 

Thế hệ chi tiêu mạnh tay

Tin xấu đối với baby boomer là tin xấu với nền kinh tế, bởi tốc độ tăng trưởng của Mỹ trong vài năm qua phụ thuộc rất nhiều vào chi tiêu của thế hệ này.

Báo cáo của công ty marketing Epsilon cho thấy thế hệ baby boomer chi tiêu khoảng 548 tỷ USD mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác. Trong khi đó, họ là nhóm tiết kiệm ít nhất vào năm ngoái. Trung bình một baby boomer chỉ để dành khoảng 4.059 USD vào năm 2023, theo báo cáo của hãng báo hiểm New York Life.

Chi tiêu của baby boomer được thúc đẩy bởi lượng tài sản lớn mà thế hệ này đang nắm giữ. Dữ liệu của Fed cho thấy các baby boomer có 78.500 tỷ USD tài sản ròng trong quý I/2024, tương đương 52% toàn bộ tài sản ròng của nước Mỹ.

Sự giàu có vượt bậc của baby boomer đến từ việc họ sở hữu nhiều bất động sản và cổ phiếu hơn mọi thế hệ khác. Cụ thể, thế hệ baby boomer sở hữu 42% bất động sản và 54% cổ phiếu và quỹ tương hỗ trên toàn nước Mỹ.

 

Ông Khurana bình luận: “Do giá tài sản đang đi lên, các baby boomer không ngần ngại vung tay tiêu xài. Chắc chắn môi trường kinh tế hiện nay có lợi với họ hơn bất kỳ thế hệ nào khác”.

Nhưng mặt khác, baby boomer cũng là thế hệ gặp rủi ro nhất nếu giá cổ phiếu đi xuống. Giá cổ phiếu và nhà ở tại Mỹ liên tục phá kỷ lục sau đại dịch. Tuy nhiên, không ít chuyên gia dự đoán cả hai thị trường sắp phải trải qua một đợt điều chỉnh.  

Ông John Hussman, một trong những nhà dự báo bi quan nhất trên thị trường, ước tính giá cổ phiếu có nguy cơ lao dốc 70%. Ông Hussman là giám đốc công ty đầu tư Hussman Investment Trust và ông từng dự đoán chính xác hai vụ đổ vỡ của thị trường vào năm 2000 và 2008.

Trong khi đó, giá nhà tại các đô thị từng bùng nổ nhất trong đại dịch nhưng giờ đã bắt đầu sụt giảm, ví dụ như một số thành phố ở Florida và Texas. Ông Khurana bình luận: “Tôi nghĩ việc tỷ lệ tiết kiệm gia tăng do giá tài sản sụt giảm là một rủi ro đang bị ngó lơ, nhưng chắc chắn rủi ro này có thể gây ra suy thoái”.

Giang