|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuỗi cung ứng đối mặt khủng hoảng mới vì nguy cơ đình công tại các cảng biển Mỹ

08:34 | 23/09/2024
Chia sẻ
Hàng chục nghìn công nhân bốc xếp tại 36 cảng biển Mỹ có thể sẽ đình công trong vài ngày tới, nguy cơ làm đảo lộn các chuỗi cung ứng và khiến giá cả leo thang trong giai đoạn ngay trước cuộc bầu cử tổng thống.

Hàng chục cảng ở Mỹ có nguy cơ rơi vào tình trạng tê liệt trong vài ngày tới. (Ảnh: AP). 

Hiệp hội Công nhân Bốc xếp Quốc tế (ILA) cho biết 25.000 thành viên của họ sẽ nghỉ việc nếu không đạt được thỏa thuận mới với Liên minh Hàng hải Mỹ - tổ chức đại diện cho các hãng vận tải và nhà khai thác cảng biển - trước khi hợp đồng giữa hai bên hết hạn vào ngày 30/9.

Hợp đồng này bao gồm tất cả các cảng giữa hai bang Maine và Texas, bao gồm New York, Savannah, Houston, Miami và New Orleans. Do những cơ sở này xử lý đến 41% khối lượng hàng hóa cập cảng tại Mỹ, một liên minh gồm 177 nhóm thương mại cảnh báo việc các cảng đóng cửa sẽ gây ra “tác động tàn khốc” lên nền kinh tế.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ đã theo dõi các cuộc đàm phán lao động kể từ năm 2021 và bắt đầu trở nên lo lắng khi đàm phán đổ vỡ vào tháng 6 vì vấn đề tự động hóa tại cảng Mobile.

Sau đó, các lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế kỳ vọng Washington sẽ can thiệp giống như những gì từng làm vào năm 2022 để ngăn chặn cuộc đình công trong lĩnh vực đường sắt. Tuy nhiên tuần trước, Tổng thống Joe Biden tuyên bố ông sẽ không ngăn cản một vụ đình công tại các cảng.

Nhà kinh tế Adam Kamins của Moody’s Analytics cho biết tuyên bố trên khiến mức độ báo động “tăng lên đáng kể”.

Ông Tom Madrecki, Phó giám đốc Hiệp hội các thương hiệu tiêu dùng Mỹ, bình luận: “Rất nhiều tín hiệu báo động đã được phát đi… Chúng tôi không muốn chứng kiến một cuộc đình công tại cảng biển nhưng sẽ phải chuẩn bị cho viễn cảnh đó. Cuộc đình công sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng lên nền kinh tế”.

Các nhóm doanh nghiệp lo ngại nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, xuất khẩu sản phẩm và vận chuyển kho bãi tăng mạnh, từ đó kéo giá tiêu dùng đi lên.

Các doanh nghiệp đã và đang phải thực hiện các biện pháp tốn kém nhằm giảm bớt gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh chi phí vận chuyển gia tăng và các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Biển Đỏ kéo dài.

Gần đây, cuộc đình công lớn nhất diễn ra vào năm 2002 tại các cảng ở bờ biển phía tây và kéo dài 11 ngày. Theo tờ Financial Times, vụ việc gây thiệt hại 1 tỷ USD mỗi ngày và phải mất 6 tháng tình trạng tồn đọng hàng hóa mới chấm dứt.  

Những nhóm thương mại đại diện cho các nhà bán lẻ, nhà hàng, nhà sản xuất và nhà thiết kế thời trang đang nỗ lực kêu gọi ông Biden thay đổi lập trường.

Các công đoàn lao động là nhóm cử tri quan trọng của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và giới lãnh đạo ILA nói rõ họ sẽ không hoan nghênh sự can thiệp của chính phủ vào tranh chấp lao động.

Nhiều nhà bán lẻ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng kể từ đại dịch COVID-19 và cũng đã sớm mua nhiều hàng nhất có thể để chuẩn bị cho mùa mua sắm quan trọng vào cuối năm.

Tuy nhiên, ông Jonathan Gold, Phó Giám đốc Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, cảnh báo người tiêu dùng vẫn sẽ nhận thấy tình trạng thiếu hụt và nguy cơ giá cả tăng cao cả nếu cuộc đình công kéo dài “hơn vài ngày”.

Ông Doug Baker, Phó Giám đốc Hiệp hội Lương thực Mỹ, cho biết các nhà cung ứng và bán lẻ thực phẩm cũng lo ngại về tác động tiềm tàng của cuộc đình công.

Các nhà sản xuất hàng tiêu dùng đóng gói lo ngại sẽ không thể sắp xếp lịch trình hoặc định tuyến lại các chuyến hàng vì nhiều nguyên liệu nhập khẩu rất dễ hỏng.

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.