|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Công nghệ thanh toán không tiếp xúc lên ngôi

14:40 | 17/11/2018
Chia sẻ
Theo dữ liệu thống kê của hãng thanh toán MasterCard (Mỹ) công bố hồi tháng 9, hiện nay, gần 50% số lượt thanh toán qua thẻ ở châu Âu sử dụng công nghệ không tiếp xúc. Công nghệ này cho phép người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng thông minh bằng nhựa để thanh toán các giao dịch có giá trị nhỏ (dưới 50 đô la Mỹ mỗi lần) chỉ bằng cách vẫy hoặc chạm thẻ qua một đầu đọc thẻ thanh toán ở máy tính tiền POS, thay vì quẹt thẻ.
cong nghe thanh toan khong tiep xuc len ngoi
Thực khách có thể thanh toán nhanh chóng ở các nhà hàng bằng thẻ thanh toán không tiếp xúc.

Châu Âu dẫn đầu

Về mặt lý thuyết, phương thức thanh toán không tiếp xúc hoạt động dựa vào công nghệ giao tiếp trường gần (Near Field Communication), cho phép kết nối không dây trong khoảng cách 4 cm bằng cách sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối giữa các thiết bị khi có sự tiếp xúc trực tiếp hay đặt gần nhau.

MasterCard cho biết ở hơn 15 thị trường tại châu Âu, trong đó có Đan Mạch, Croatia, Hy Lạp, Hungary, Hà Lan và Nga, thanh toán không tiếp xúc chiếm hơn 50% tổng lượt thanh toán bằng thẻ tín dụng. Trong khi đó, ở một số nước như Ba Lan, tỷ lệ giao dịch thanh toán không tiếp xúc lên đến 80%. MasterCard dự báo đến năm 2020, gần như tất cả các máy tính tiền POS ở châu Âu đều áp dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc.

Javier Perez, Chủ tịch phụ trách khu vực châu Âu của MasterCard, nói: “Châu Âu đang đi đầu trong thanh toán không tiếp xúc và có một sự đồng đều khắp khu vực dù nền kinh tế và trình độ phát triển của mỗi nước khác nhau là thái độ đón nhận của người dùng đối với công nghệ thanh toán không tiếp xúc. Chúng tôi nhận thấy rằng các thị trường châu Âu đón nhận nhanh chóng công nghệ này khi người tiêu dùng ngày càng tin tưởng nó”.

Theo hãng thanh toán Visa, số lượt giao dịch thanh toán không tiếp xúc chiếm gần 25% tổng lượt thanh toán trực diện ở 163 nước trên toàn cầu, trong số đó, 12 nước số nước có tỷ lệ thanh toán không tiếp xúc chiếm 50-75% các giao dịch thanh toán. Visa cho biết cứ năm giao dịch thẻ Visa trực tiếp ở Anh, Liên minh châu Âu (European Union) và Canada có hai giao dịch thanh toán không tiếp xúc. Theo Visa, có những thị trường chứng kiến tỷ lệ thanh toán không tiếp xúc tăng từ một con số lên 50% trong vòng 18-24 tháng. Một số nước đang phát triển cũng nhanh chóng áp dụng công nghệ này. Chẳng hạn, tại Myanmar, nơi các phương thức thanh toán điện tử vẫn còn là hiện tượng tương đối mới mẻ, tỷ lệ thâm nhập của phương thức thanh toán không tiếp xúc đã tăng vọt từ mức 2% lên mức 20% tổng lượt giao dịch ở các cửa hàng trong 10 tháng qua.

Visa cho biết người tiêu dùng thường sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc cho các giao dịch mua thường ngày có giá trị nhỏ, trung bình khoảng 20-30 đô la, chẳng hạn như thanh toán mua đồ ăn ở các nhà hàng hay thanh toán tiền vé phương tiện giao thông công cộng

Anh đón nhận mạnh mẽ, Mỹ nghi ngại

Anh bắt đầu triển khai thanh toán không tiếp xúc ở một số doanh nghiệp lớn bao gồm chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s cách đây một thập kỷ. Phương thức thanh toán này được thúc đẩy mạnh mẽ sau khi các hệ thống vận tải công cộng ở Anh áp dụng nó để thu tiền vé.

MasterCard cho biết 46% tổng lượt giao dịch thanh toán hàng tháng ở Anh sử dụng công nghệ thanh toán tiếp xúc. “Anh là một nước dẫn đầu về thanh toán không tiếp xúc và công nghệ này đồng nghĩa với các thanh toán hằng ngày”, Mark Barnett, Chủ tịch Mastercard ở Anh, nói.

Tại London, ngay cả những nghệ sĩ hát rong trên đường phố, vốn kiếm sống nhờ những đồng bạc lẻ của người qua đường, cũng buộc phải thay đổi trước sự thay đổi của công nghệ thanh toán.

Charlotte Campbell, người hát rong hằng ngày ở góc phố gần Vòng quay London Eye ở London, là một trong những nghệ sĩ đường phố đầu tiên sử dụng đầu đọc thẻ không tiếp xúc để nhận tiền ủng hộ của người qua đường.

“Mọi thứ đang thay đổi ở London và mọi người thường sử dụng thẻ để thanh toán mọi thứ. Điều này khiến nghề hát rong trở thành một nghệ thuật chết dần chết mòn nếu mọi người không mang theo tiền mặt nữa”, cô nói.

Khoảng 5-10% thu nhập của Campbell giờ đây không phải đến từ những đồng xu mà người đi đường thảy vào thùng đàn ghi-ta của cô mà đến từ những thẻ ngân hàng chạm nhẹ vào máy đọc thẻ không tiếp xúc của cô.

Câu chuyện công nghệ thanh toán không tiếp xúc áp dụng thành công ở Anh trái ngược với thực tế ở Mỹ, nơi nhiều dịch vụ vận chuyển công cộng bao gồm hệ thống tàu điện ngầm New York vẫn chưa áp dụng hoàn toàn công nghệ này. Phương thức thanh toán không tiếp xúc dựa vào công nghệ NFC vẫn còn tương đối hiếm ở Mỹ mặc dù được quảng bá rầm rộ trong giai đoạn 2006-2011. Hiện nay, chỉ có khoảng 20% cửa hàng ở Mỹ hỗ trợ thanh toán không tiếp xúc. Con số này khiến các nhà phát hành thẻ không sẵn sàng phát hành rộng rãi thẻ có tích hợp công nghệ NFC

Một bài viết phân tích trên tờ New York Times giải thích rằng các thẻ thanh toán không tiếp xúc ở Mỹ không được người dân ở nước này quan tâm vì ít cửa hàng chấp nhận một phương thức thanh toán chưa được chứng minh tính hiệu quả và có nguy cơ dẫn đến các gian lận. Song hãng thanh toán Visa (Mỹ) dự báo cần vài năm nữa, Mỹ sẽ gia nhập mạnh mẽ xu hướng thanh toán không tiếp xúc của toàn cầu. Công ty nghiên cứu công nghệ ABI Research dự báo số lượng lượng thẻ thanh toán không tiếp xúc được phát hành hàng năm ở Mỹ sẽ tăng lên 330 triệu đơn vị, tương đương 55% tổng lượng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ mới vào năm 2020, tăng mạnh so với con số 25 triệu đơn vị vào năm 2015.

cong nghe thanh toan khong tiep xuc len ngoi
Nghệ sĩ hát rong đường phố Charlotte Campbell ở London đặt đầu đọc thanh toán không tiếp xúc trên một chiếc ghế để nhận tiền ủng hộ của những người qua đường.

Các rủi ro về tính an ninh

Công nghệ thanh toán không tiếp xúc vẫn đối mặt với các mối đe dọa gian lận và an ninh, dù nó được xem là an toàn hơn dải từ tính trong các thẻ tín dụng truyền thống sử dụng trong nhiều thập kỷ qua.

Tại Anh, nơi công nghệ thanh toán không tiếp xúc được áp dụng rộng rãi, các nhà nghiên cứu cho biết họ dễ dàng lấy cắp thông tin tài chính của một số loại thẻ, bao gồm dãy số thẻ 16 chữ số và ngày hết hạn, chỉ bằng cách bí mật đặt máy đọc thẻ sử dụng công nghệ NFC gần ví tiền của người khác. Hoặc những kẻ gian có thể lắp đặt camera ở gần máy tính tiền POS một cửa hàng bán lẻ để lấy cắp mã bảo mật CVV (gồm 3 chữ số) được in ở mặt dưới thẻ thanh toán quốc tế. Khi thanh toán trực tuyến, chủ thẻ chỉ cần nhập thông tin thẻ và số CVV là có thể thanh toán được, thậm chí không cần nhập mã PIN. Vì thế, sẽ rất nguy hiểm nếu số CVV bị kẻ gian đọc trộm.

“Thanh toán không tiếp xúc có tính khả dụng tuyệt vời nhưng công nghệ này cũng để lộ ra những khiếm khuyết cần phải được chấn chỉnh. Nếu ai đó đứng sát đằng sau bạn trên tàu điện ngầm, họ có thể đọc lén các thông tin in trên thẻ thanh toán không tiếp xúc của bạn”, Martin Emms, nhà nghiên cứu ở Đại học Newcastle (Anh), nói.

Tại Anh, nơi có hơn một tỉ lượt giao dịch thanh toán không tiếp xúc trị giá 9,9 tỉ đô la Mỹ được xử lý vào năm 2015, hoạt động gian lận chỉ chiếm 3,6 triệu đô la, tương đương 0,04%, theo Hiệp hội thẻ Anh.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, để giảm thiểu các mối đe dọa an ninh, khi thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc, chủ thẻ phải bảo đảm giữ thẻ trong tầm kiểm soát để tránh các chi tiết thông tin thẻ bị thu thập bởi đầu đọc thẻ NFC của bên thứ ba. Để tránh thông tin thẻ bị đọc trộm trên các phương tiện giao thông công cộng, các chuyên gia khuyên các chủ thẻ nên sử dụng loại ví có thể cản được tín hiệu NFC. Các loại ví này được lót các tấm nhôm mỏng ở bên trong để làm nhiệm vụ này.

Xem thêm

Lê Linh