|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các lệnh trừng phạt đang làm đứt gãy gần như toàn bộ hệ thống tài chính Nga, trừ một ngoại lệ

07:35 | 30/03/2022
Chia sẻ
Hệ thống thanh toán nội địa của Nga vẫn hoạt động mượt mà sau khi Visa và Mastercard rút khỏi quốc gia này hồi đầu tháng 3.

Mặc dù việc các “ông lớn” mảng thẻ thanh toán này rút khỏi Nga vẫn được xem là một động thái mạnh tay của Phương Tây, thực tế tác động của nó lại không lớn đến vậy, theo WSJ. Phần lớn khách hàng Nga không mất khả năng thanh toán trong nước sử dụng các thẻ thương hiệu Mastercard hay Visa.

 Nga có một mạng lưới thanh toán riêng mang tên gọi Mir. Thẻ Mir hiện cũng có thể thanh toán quốc tế tại một số quốc gia thành viên. (Ảnh: VOI).

Theo một báo cáo của Nilson Report, có khoảng 197 triệu thẻ Mastercard và Visa tại Nga. Dù vậy, những chiếc thẻ này không phụ thuộc vào mạng lưới thanh toán của Mỹ để xử lý giao dịch tại Nga. Trong nhiều năm, chúng dùng một hệ thống thanh toán nội địa do ngân hàng trung ương Nga quản lý.

Hệ thống thanh toán thẻ quốc gia (NSPK) của Nga đứng sau các giao dịch thanh toán bằng thẻ ở Nga, ngay cả đối với thẻ do các công ty nước ngoài phát hành. NSPK là một nỗ lực kéo dài trong 8 năm của Nga để có thể giảm áp lực của Phương Tây lên nền kinh tế. Nga cũng đẩy mạnh quảng bá công ty thẻ Mir với hạ tầng dựa trên NSPK. Theo thông tin trên website Mir, hơn 100 triệu thẻ Mir đã được phát hành kể từ khi ra mắt vào năm 2015.

Sự bền bỉ của hệ thống thanh toán Nga là một chiến thắng hiếm hoi của ông Putin trước các lệnh trừng phạt của Phương Tây. 

Dù vậy, việc Visa và Mastercard rút khỏi Nga cũng để lại một hệ luỵ lớn. Trong hầu hết mọi trường hợp, thẻ của Visa và Mastercard không hoạt động bên ngoài nước Nga. Trong khi đó, hệ thống thnah toán Mir cũng mới chỉ có một số ít các quốc gia thành viên.

Gần đây, TASS đưa tin Nga đang thảo luận để mở rộng Mir sang Venezuela và Iran. Một số ngân hàng Nga cũng đang hợp tác với hệ thống UnionPay của Trung Quốc để phát hành những chiếc thẻ có thể hoạt động rộng rãi hơn.

Việc người Nga không thể rút tiền hoặc thực hiện mua sắm ở nước ngoài bằng thẻ Mastercard và Visa thực tế lại có thể là những gì ông Putin muốn trong bối cảnh mục tiêu của Nga là giữ tài sản bên trong quốc gia này.

Trong một cuộc họp vào tháng 2 với chủ đề các lệnh trừng phạt đối với Nga, đại diện từ Visa, Mastercard và một số công ty thanh toán khác nói với Bộ Ngân khố Mỹ rằng cấm các công ty Mỹ xử lý giao dịch ngân hàng Nga không thực sự có tác động. Trong khi đó, lệnh trừng phạt này còn khiến Mir có cơ hội xử lý nhiều giao dịch hơn.

Theo WSJ, nhiều quốc gia cũng đang phát triển hạ tầng thanh toán riêng để giảm lệ thuộc vào các công ty thanh toán nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Hệ thống UnionPay của Trung Quốc đang xử lý phần lớn các giao dịch trong nước bằng thẻ do các ngân hàng Trung Quốc phát hành. Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ cũng khởi động mạng thanh toán riêng để giảm bớt sự phụ thuộc của các ngân hàng vào Visa và Mastercard.

Nga cố gắng giảm áp lực tài chính từ Phương Tây kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Thời điểm đó, Visa và Mastercard chiếm gần như toàn bộ hoạt động thẻ tại Nga. Mạng lưới của chugns đóng vai trò là sợi dây kết nối giữa các nhà bán hàng và ngân hàng phát hành thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ.

Vào tháng 3/2014, hàng trăm nghìn người Nga chứng khiến những chiếc thẻ của mình trở nên vô dụng chỉ sau một đêm. Việc Nga sáp nhập Crimea khiến Visa và Mastercard phải chặn dịch vụ với một số ngân hàng có mối liên hệ với ông Putin.

Chỉ sau vài tháng, ông Putin ký luật thành lập NSPK. Sau đó, nội dung sửa đổi của luật này yêu cầu Visa và Mastercard phải chuyển việc xử lý các giao dịch tới NSPK. Ban đầu, cả 2 công ty Mỹ này đều phản đối luật này và nói rằng có thể sẽ rời Nga. Thế nhưng, vào đầu năm 2015, cả 2 đều đồng ý sử dụng hệ thống NSPK. Cuối năm đó, NSPK ra mắt Mir.

Ban đầu, người Nga không có nhiều lý do để đổi từ thẻ Visa và Mastercard sang thẻ Mir, cho đến khi chính phủ Nga “ra tay”.

Vào năm 2017, Nga đưa ra quy định yêu cầu các ngân hàng thực hiện thanh toán lương hưu và lương trong các lĩnh vực công thông qua thẻ Mir. Theo NSPK, nếu như vào năm 2016, chỉ có 2 triệu thẻ Mir. Con số này vào cuối năm 2020 là 95 triệu thẻ. Luật cũng yêu cầu nhiều nhà bán hàng phải chấp nhận thẻ Mir.

NSPK đầu tư lớn vào hoạt động marketing cho Mir, thông qua các hoạt động như tài trợ đội tuyển bóng đá quốc gia và các chương trình hoàn tiền.

NSPK cũng trở thành “gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng trung ương Nga khi giành lại được doanh thu phí mà lẽ ra rơi vào tay của Visa và Mastercard. Trong năm 2020, hệ thống này có lợi nhuận ròng 8,2 tỷ rúp.

Việc phát hành thẻ Mir cũng tăng mạnh trong vài tuần trở lại đây sau khi Visa và Mastercard rời đi. Nhà băng Nga Rosbank cho biết nhu cầu phát hành thẻ ghi nợ dùng mạng thanh toán của Mir đã tăng gấp đôi từ tháng 1 cho tới tháng 3 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thái Sơn