|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị gì với Thủ tướng vào ngày mai?

08:35 | 16/05/2017
Chia sẻ
Ngày mai (17/5), Thủ tướng Chính phủ sẽ có buổi đối thoại với khoảng 2.000 đại biểu đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Trước thềm đối thoại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thống kê có 274 kiến nghị được Văn phòng Chính phủ tiếp nhận, chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý; tổng hợp 182 kiến nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp.

Các kiến nghị tập trung vào 5 nội dung chính: (1) Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; (2) Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; (3) Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; (4) Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; (5) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Kiến nghị loại bỏ sự chồng chéo, tránh tình trạng một nội dung 4 đoàn thanh, kiểm tra

cong dong doanh nghiep kien nghi gi voi thu tuong vao ngay mai
Ảnh minh họa

Trong văn bản kiến nghị, Hiệp hội Doanh nghiệp Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết cần loại bỏ sự quản lý chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Hiệp hội lấy ví dụ trong năm 2016, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu dịch vụ và Đầu tư Việt Nam được 4 đoàn tới thanh, kiểm tra với nội dung gần như nhau: Đoàn của UBND huyện, Đoàn của Sở TNMT, Đoàn của Công an môi trường, Đoàn thanh tra liên ngành của UBND tỉnh. Nội dung thanh tra là theo quy định của pháp luật và các văn bản liên quan các hoạt động từ khi có dự án mà không giới hạn thời gian những năm trước đã kiểm tra rồi.

Hiệp hội này cũng kiến nghị cần có sự thống nhất trong chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương. Hiệp hội chỉ ra có những mâu thuẫn, ví dụ giấy phép khai thác số 604 do Bộ Tài nguyên Môi trường cấp cho CTCP Xuất nhập khẩu dịch vụ và Đầu tư Việt Nam ngày 24/3/2008 mỏ đá thạch anh Hòa Bình thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế với công suất khai thác 185.125 tấn/năm. Tuy nhiên UBND tỉnh lại giới hạn sản lượng khai thác năm 2015 là 40.000 tấn/năm, năm 2016 là 50.000 tấn/năm.

Tương tự, tại Thông tư 04 của Bộ Xây dựng, khoáng sản cát thạch anh sau khi chế biến làm sạch đạt tới tiêu chuẩn hàm lượng SiO2 lớn hơn tối thiểu 99% thì được phép xuất khẩu. Tuy nhiên tại văn bản số 3399 của UBND tỉnh thì chỉ ưu tiên giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh và sản phẩm chế biến phải đạt theo tiêu chuẩn yêu cầu của UBND tỉnh về chế biến sâu.

Các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước kiến nghị gì?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị quy định về vốn nhà nước tại DNNN và vốn của DNNN đầu tư vào doanh nghiệp. Đề nghị xem xét cần có quy định thống nhất về cách xác định giá trị vốn của DNNN tại DN khác.

cong dong doanh nghiep kien nghi gi voi thu tuong vao ngay mai
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có nhiều kiến nghị trong công tác cổ phần hóa (Ảnh minh họa)

Tập đoàn cũng kiến nghị cần thống nhất quy định về hình thức đấu thầu lựa chọn Tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo đó, khoản 4 điều 1 Nghị định 116 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 59 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần quy định: "Đối với các gói thầu tư vấn định giá có giá trị không quá 3 tỷ đồng thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa có thể lựa chọn hình thức chỉ định thầu để lựa chọn tổ chức tư vấn định giá trong danh sách do Bộ Tài chính công bố, trường hợp xét thấy cần phải tổ chức đấu thầu thì thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu".

Điều 54 của Nghị định 63 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu quy định hạn mức chỉ định thầu áp dụng cho gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công là không quá 500 triệu đồng.

Như vậy, Tập đoàn cho rằng 2 nghị định đang quy định không thống nhất về hình thức đấu thầu lựa chọn Tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, đề nghị xem xét quy định thống nhất về nội dung này.

Về quy định chi phí cổ phần hóa tối đa không quá 500 triệu đồng, EVN cho rằng đối với các doanh nghiệp có giá trị tổng tài sản lớn như các Tổng công ty phát điện thuộc EVN có tổng giá trị tài sản khoảng 100.000 tỷ đồng, số lượng các đơn vị trực thuộc nhiều (gần 10 đơn vị) thì riêng gói thầu tư vấn định giá đã có khả năng vượt khung chi phí cổ phần hóa tối đa. Đề nghị xem xét điều chỉnh mức chi phí cổ phần hóa phù hợp quy mô doanh nghiệp.

Tập đoàn cũng kiến nghị quy định lại về định giá tài sản. Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về một số nội dung liên quan đến việc định giá tài sản, máy móc, thiết bị chuyên dụng của ngành điện và không có trên thị trường khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp. Đề nghị xem xét bổ sung để thuận lợi cho doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP kiến nghị Chính phủ có các đàm phán cấp cao về chuyển giao công nghệ từ các Tập đoàn Dược lớn trên thế giới. Việt Nam có nhiều nguồn dược liệu quý nhưng chưa được xứng tầm. Đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi hơn nữa về phát triển nguồn dược liệu trong nước như hỗ trợ quy hoạch vùng dược liệu, có chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về lãi suất các doanh nghiệp tham gia phát triển vùng nguyên dược liệu. Kiến nghị Bộ y tế cùng các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu nhập khảu, nguồn dược liệu trôi nổi trên thị trường, chống hàng gian, hàng giả...

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) xử lý nợ xấu cho doanh nghiệp vận tải theo cơ chế thị trường như bán nợ cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Tiếng nói của các Hiệp hội, nhóm công tác

Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam cho biết đã có nhiều kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là về thuế tiêu thụ đặc biệt và điều kiện kinh doanh. Một số ý kiến đã được tiếp thu, hoàn thiện các văn bản, chính sách. Một số khác vẫn có biểu hiện chưa thực sự phục vụ doanh nghiệp.

cong dong doanh nghiep kien nghi gi voi thu tuong vao ngay mai
Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam gửi nhiều kiến nghị, nhất là về thuế tiêu thụ đặc biệt và điều kiện kinh doanh (Ảnh minh họa).

Trong đó, Hiệp hội chỉ ra có việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mang tính cục bộ sao cho thuận lợi quản lý của mình; hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ, đôi khi xuất hiện các mâu thuẫn trong đánh giá doanh nghiệp, một số quy định của cơ quan quản lý nhà nước đưa ra còn chưa phù hợp thực tế.

Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An, TP Hải Phòng kiến nghị nhà nước xem xét chỉ đạo các bộ, ngành cần thống nhất, có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, không làm khó dễ doanh nghiệp. Đề xuất Nhà nước đầu tư xây dựng, xử lý môi trường tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, qua đó các doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ này phải đóng phí tương ứng, không giao cho doanh nghiệp tự lên phương án thực hiện vấn đề xử lý môi trường như hiện nay.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành đề xuất Quốc hội sớm ban hành Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật về xử lý nợ xấu, tăng cường phối hợp tổ chức thực hiện cải cách hành chính, tăng cường giám sát từ các cơ quan thanh tra giám sát, đổi mới quy trình ban hành văn bản dưới Luật theo hướng cụ thể, hạn chế tối đa sự chồng chéo, thiếu đồng bộ.

Nhóm công tác điện và năng lượng (VFB) kiến nghị vấn đề quy định Hiệp định cho phép mua trực tiếp điện (DPPA) giữa các nhà sản xuất điện sạch như năng lượng mặt trời, gió và nhiên liệu sinh học với người có nhu cầu lớn về tiêu thụ điện. Đặt ra lộ trình 3 năm cho giá bán lẻ năng lượng dựa trên thị trường vào năm 2017; Đại tu các điều khoản của hợp đồng mua bán điện (PPA) và giá bán điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo (FIT) từ gió và năng lượng mặt trời để khuyến khích sử dụng và đầu tư của khu vực tư nhân và phát triển kinh doanh.

Ngoài ra, VFB cũng kiến nghị ủy thác năng lượng hiệu quả trong thiết bị, tiêu chuẩn xây dựng và người dùng điện năng khác, loại bỏ các rào cản pháp lý và cung cấp các điều khoản của ưu đãi thuế để khuyến khích các khu dân cư và thương mại xây dựng lắp đặt máy sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và gió trên mái nhà.

Đồng thời, đẩy nhanh việc phát triển của các nguồn dự trữ ga thành điện ngoài khơi và khuyến khích thăm dò trữ lượng bổ sung ít tốn kém và sạch hơn so với điện than. Khuyến khích đầu tư trong việc phát triển cơ sở hạ tầng cho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hơn than nhập khẩu.

cong dong doanh nghiep kien nghi gi voi thu tuong vao ngay mai VCCI sẽ đưa ra 5 nhóm giải pháp tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017

Với hơn 200 ý kiến doanh nghiệp tập hợp được từ đầu năm tới nay và các kiến nghị còn tồn tại trước đó, VCCI ...

cong dong doanh nghiep kien nghi gi voi thu tuong vao ngay mai Kiến nghị Thủ tướng quyết định phương án bán tiếp cổ phần Vinamilk

Bộ Tài chính cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án bán tiếp số cổ phần của nhà nước tại Vinamilk.

Khổng Chiêm

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.