|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơn sốt giá thép sẽ sớm hạ nhiệt?

15:33 | 17/05/2021
Chia sẻ
Hàng loạt các Hiệp hội, ngành hàng và cơ quan chức năng đã nhanh chóng có những kiến nghị, đề xuất nhằm chặn đà tăng nóng của giá thép. Tại thị trường nguyên liệu thế giới mới đây cũng đã góp thêm tín hiệu tích cực cho kỳ vọng này.

Tín hiệu kỳ vọng giá thép chững lại

Giá thép trong nước tăng chóng mặt từ đầu năm đến nay vẫn đang là chủ đề được quan tâm của các doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng mặt hàng thép. Một trong những nguyên nhân tăng giá thép là do giá nguyên liệu đầu vào trở nên đắt đỏ.

Do đó, khi diễn biến giá quặng, một trong những nguyên liệu chính để sản xuất thép, quay đầu giảm sau nhiều phiên liên tiếp tăng mạnh đã dấy lên hy vọng về một diễn biến mới của giá thép.

Trao đổi với người viết, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết trong hai ngày gần đây, giá quặng sắt đã bắt đầu hạ nhiệt, xuống dưới mức 200 USD/tấn. Đây được xem là một tín hiệu cho thấy giá thép có thể chững lại sau thời gian liên tục tăng nóng.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 13/5, giá quặng sắt giao tháng 9 tại Trung Quốc bất ngờ quay đầu giảm gần 10%, xuống còn 1.190 nhân dân tệ/tấn, tương đương khoảng 185 USD/tấn sau vài ngày lập đỉnh lịch sử.

"Tuy nhiên cũng cần phải liên tục theo dõi vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Và hiện nay giá ở tất cả khu vực trên thế giới đều ở mức cao, nhu cầu vẫn rất lớn nên mình phải bám sát thị trường", ông Đa chia sẻ.

Cũng theo VSA các yếu tố ảnh hưởng đến giá thép ngoài giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu thì dịch bệnh, cước phí vận chuyển tăng cao, thời gian giao hàng kéo dài vì thiếu container tàu biển cũng là lý do khiến giá thép không ngừng tăng.

Theo Reuters từ đầu tháng 5 đến nay, giá quặng sắt tại Trung Quốc đã tăng 23%, tương đương tăng 248,5 nhân dân tệ. Nguyên nhân liên quan đến việc doanh nghiệp chế biến thép e ngại các lệnh hạn chế sản lượng thép của chính quyền Bắc Kinh, nhu cầu quặng sắt tăng trong mùa cao điểm và lo ngại lạm phát thúc đẩy hoạt động mua đầu cơ.

Theo đó, giá quặng sắt tại New York đã nhảy vọt lên mức kỷ lục 237,6 USD/tấn (tương đương 1.530 nhân dân tệ/tấn) vào ngày 12/5 nhờ nhu cầu mạnh mẽ, vượt cung của Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn VTV, bà Trang Thu Hà, Chánh Văn phòng VSA nhận định: "Nguồn cung thép trong nước không thể thiếu, nhưng có thể các nhà thương mại đã tích trữ nguồn thép khi thấy giá thép tăng".

Bao giờ giá thép sẽ giảm?

Thực tế, khi giá nguyên liệu không ngừng nâng lên thì theo quy luật cung cầu, giá thép trong nước cũng vì thế liên tục điều chỉnh.

Thống kê của VSA cho thấy giá bán thép xây dựng tháng 4/2021 bình quân khoảng 16,3 - 16,5 triệu đồng/tấn tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể, tăng khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, tương đương khoảng 8% so với tháng trước đó.

So với cùng kỳ năm 2020 giá thép xây dựng khoảng hơn 11 triệu đồng/kg thì mức giá hiện nay tăng khoảng 5,3 - 5,5 triệu đồng/tấn, tương đương tăng khoảng 48 - 50%.

Giá thép  - Ảnh 1.

Diễn biến giá thép xây dụng trong nước. (Nguồn: VSA).

"Dự báo nhu cầu đến hết tháng 5 vẫn tốt, song thị trường sẽ có sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam. Giá bán sẽ có khả năng điều chỉnh để bù đắp đà tăng trong giá nguyên liệu đầu vào", VSA nhận định.

Đáng chú ý, giá thép liên tục tăng cao thời gian qua đã thúc đẩy các doanh nghiệp thép trong nước tăng mạnh sản xuất.

Theo số liệu của VSA, trong 4 tháng đầu 2021, các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đã sản xuất khoảng 10,5 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất lên tới 110,8%, sản lượng đạt gần 2,3 triệu tấn. 

Cơn sốt giá thép sẽ sớm hạ nhiệt? - Ảnh 2.

Sản xuất thép thành phẩm các loại trong 4 tháng đầu năm 2021. (Nguồn: VSA. Tổng hợp: Như Huỳnh).

Cũng trong 4 tháng qua, các doanh nghiệp đã tiêu thụ tổng cộng gần 9,5 triệu tấn thành phẩm thép, tăng trưởng 40% so với 4 tháng đầu 2020. Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt hơn 7,3 triệu tấn, tăng xấp xỉ 34%; xuất khẩu đạt gần 2,2 triệu tấn, tăng gần 68%.

Trước diễn biến liên tục thay đổi của giá thép, VSA đã từng đưa ra dự báo về việc giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý II/2021.

"Tuy nhiên hiện nay với diễn biến mới cùng với tác động chính sách của Trung Quốc và nhu cầu của thị trường thế giới có thể 6 tháng cuối năm giá thép mới chững lại nhưng vẫn phải theo dõi cẩn thận diễn biến vì nó phụ thuộc phần lớn vào tính hiệu quả việc kiểm soát công suất, kiểm soát giá của Trung Quốc", ông Nguyên Xuân Đa chia sẻ.

VSA: Nên hạn chế xuất khẩu phôi thép

Tình hình giá thép tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng lâm vào cảnh khó khăn do chi phí bị đội lên, nhiều nhà thầu được dự báo mất lãi do phụ thuộc vào nguyên liệu và giá đàm phán với chủ đầu tư. 

Thậm chí có doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản do không thể gánh được mức tăng liên tục của giá thép trên thị trường. Và hiện nay, "cơn sốt" giá này được dự báo chưa thể "một sớm một chiều" hạ nhiệt.

'Cơn sốt' giá thép sẽ sớm hạ nhiệt? - Ảnh 3.

Giá thép xây dựng trong 4 tháng đầu năm tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Hiệp hội vật liệu xây dựng Việt Nam)

Theo đó, sau hàng loạt kiến nghị của các hiệp hội như Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam (VACC), Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), Bộ Xây dựng và cả Chính phủ thì mới đây Bộ Công Thương đã có văn bản số 2612/BCT-CN gửi VSA và một số doanh nghiệp ngành thép về việc thúc đẩy sản xuất thép thành phẩm cung ứng ra thị trường.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị VSA và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khẩn trương rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Đồng thời có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.

Bên cạnh đó, cần thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh.

Phản hồi về đề nghị này của Bộ Công Thương, Chủ tịch VSA cho rằng với năng lực sản xuất các sản phẩm thép hiện nay Việt Nam hoàn toàn vừa có thể đáp ứng nhu cầu sản phẩm thép trong nước và xuất khẩu. 

Trong khi đó, vấn đề cần quan tâm xử lý là bán thành phẩm như thép cuộn cán nóng (HRC), hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập đến 60-65% nhu cầu trong nước. Còn đối với phôi thép dùng cán thép xây dựng, các doanh nghiệp cũng có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu một phần.

"Do đó, không nên hạn chế xuất khẩu thành phẩm mà chỉ nên có chính sách cho các nhà sản xuất ưu tiên sử dụng bán thành phẩm cho thị trường trong nước, tạm thời hạn chế xuất khẩu phôi thép để ưu tiên thị trường nội địa", ông Nghiêm Xuân Đa nhấn mạnh.

Như Huỳnh