|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cơn bĩ cực của tỉ phú lập dị Richard Branson do đại dịch COVID-19

23:37 | 16/08/2020
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 như một đòn bất ngờ giáng xuống tập đoàn của "tỉ phú khùng" Richard Branson, khiến ông phải chi hàng trăm triệu USD để giúp các công ty con chống chọi nghịch cảnh.

Richard Branson thích các thử thách. Ông chủ tập đoàn Virgin đã tạo danh tiếng, cùng khối tài sản hơn 4 tỉ USD, dựa trên sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro và phiêu lưu vào những lĩnh vực kinh doanh mới.

"Virgin muốn đối đầu những vấn đề cực khó, và cố gắng vượt qua chúng", ông từng nói như vậy trong năm 2018.

Song, trong những tháng qua, đế chế kinh doanh của Richard đang đối mặt với thử thách lớn nhất trong lịch sử tồn tại của nó.

Nhiều công ty con của Virgin hoạt động trong ngành du lịch - hàng không, tàu, khách sạn, du thuyền, lập kế hoạch nghỉ dưỡng - nên đang khốn đốn bởi đại dịch COVID-19.

Cơn bĩ cực của tỉ phú lập dị Richard Branson do đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Tỉ phú Richard Branson đang đối mặt thử thách lớn nhất trong sự nghiệp kinh doanh của ông. Ảnh: CNBC

Mấy hôm trước, hãng hàng không Virgin Atlantic đã nộp đơn xin phá sản để tái cơ cấu trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang lâm vào tình trạng suy thoái mạnh nhất. Hoạt động của hãng vẫn tiếp tục, song ban lãnh đạo dự báo họ sẽ không có lãi tới tận năm 2022.

Hãng hàng không Virgin Australia của Richard cũng đang tái cấu trúc dưới sự điều hành của chủ mới là Quĩ Bain Capital sau khi Richard không thể xin chính phủ Australia hỗ trợ tài chính.

Để ứng phó khủng hoảng, Richard đã bơm tiền vào các công ty đang lao đao, nghĩa là ông sẽ có ít nguồn lực hơn cho những lĩnh vực kinh doanh mạo hiểm mới trong ngắn hạn.

Lẽ ra 2020 là năm quan trọng đối với công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic, vì công ty đã nhận tiền cọc qua trang web đối với dịch vụ đưa du khách lên vũ trụ. Với khoản tiền cọc 1.000 USD, khách hàng sẽ có những chỗ đầu tiên khi công ty nối lại hoạt động bán vé.

Ở Phố Wall, từ lâu Virgin Galactic đã là một câu chuyện thành công dù công ty chưa có lãi. Kế hoạch của Virgin Galactic là biến Richard thành người đầu tiên không phải là thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay vào vũ trụ trong năm sau. Đây là một hành động rủi ro, nhưng nếu chuyến bay thành công, nó có thể thu hút công chúng mua vé và tạo ra những cơ hội lớn cho mảng du lịch không gian.

350 triệu USD là số tiền mà tập đoàn Virgin đã đầu tư vào Virgin Galactic để nó chống chọi đại dịch COVID-19, và số vốn vẫn tiếp tục tăng, theo một người phát ngôn của công ty. Người phát ngôn cũng nhấn mạnh rằng Virgin vẫn tiếp tục đầu tư vào mảng kinh doanh vệ tinh Virgin Orbit, trong vài tháng qua. Gần đây, Virgin Orbit đã sản xuất máy thở để ứng phó tình trạng thiếu máy thở cho bệnh nhân COVID-19.

COVID-19 đẩy ngành du lịch vào cơn bĩ cực và giới chuyên gia dự báo tình hình có thể chỉ cải thiện nếu ngành y tế toàn cầu sản xuất thành công vắc xin chống SARS-nCoV-2 hiệu quả. Theo khảo sát của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, 66% người tham gia khảo sát tiết lộ họ sẽ hạn chế di chuyển kể cả sau khi dịch lắng xuống.

Hồi giữa tháng 4, Branson đề nghị chính phủ Anh hỗ trợ tài chính cho Virgin Atlantic. Chính phủ Anh từ chối. Tới thời điểm ấy, Virgin đã chi 250 triệu USD cho các công ty thành viên để chống dịch. Thậm chí Richard còn đề nghị đặt cọc đảo Necker của ông tại biển Caribbean làm tài sản thế chấp để vay vốn.

Với thỏa thuận tái cấu trúc, Virgin sẽ đầu tư 262 triệu USD cho Virgin Atlantic. Để giảm chi phí, công ty đã sa thải hơn 3.500 nhân viên và đóng trụ sở tại sân bay Gatwick (London, Anh), nhưng vẫn thể hiện niềm tin vào kế hoạch tái cơ cấu tài chính.

Các công ty du lịch của Virgin Group cũng trong tình cảnh nguy hiểm tương tự. Hãng du thuyền hạng sang Virgin Voyages ra mắt hồi tháng 2 đã phải hoãn hoạt động cho đến ít nhất ngày 31/10.

Ngay cả khi dịch vụ du thuyền hoạt động trở lại, Virgin Voyages cũng khó có thể thu hút các khách hàng trẻ như họ kì vọng. Giá mỗi chuyến du lịch 3-4 ngày trên du thuyền lên đến 1.600-19.000 USD, quá cao trong thời buổi kinh tế suy thoái.

Nhạc Phong

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.