Colin Huang: Từ con trai công nhân đến tỷ phú tự thân trẻ nhất Trung Quốc
Pinduoduo lên sàn chứng khoán Mỹ vào tháng 7/2018, biến Colin Huang thành tỷ phú tự thân trẻ nhất Trung Quốc với tài sản ròng khoảng 9,89 tỷ USD (hiện tại theo Forbes, tài sản của Huang vào khoảng 13,4 tỷ USD). Huang là nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc công ty. Dù vậy, anh không bay đến Mỹ để chứng kiến một trong những khoảnh khắc lịch sử của Pinduoduo mà ở lại Thượng Hải để tham dự buổi lễ tương tự với khách hàng và nhà đầu tư.
Colin Huang |
Huang là một cựu nhân viên Google. Pinduoduo là công ty thứ tư doanh nhân 38 tuổi thành lập, các doanh nghiệp trước cũng thành công. Ý tưởng về Pinduoduo này ra khi Huang nhận thấy tỉ lệ sử dụng di động cao đã thay đổi cách sống của người Trung Quốc, trong đó có giúp họ thanh toán qua thiết bị. |
Cũng như nền tảng thương mại điện tử Taobao của Alibaba, Pinduoduo cho phép người bán bán các mặt hàng như quần áo thời trang, hoa quả, rau xanh và đồ điện tử. Điểm khác biệt là khi người dùng bấm vào một danh sách, họ sẽ được mua với giá rẻ hơn nếu chia sẻ nó cho người khác trong một nhóm.
Theo báo cáo Internet Trung Quốc, mô hình thương mại cộng đồng đang được các công ty Internet Trung Quốc ưa chuộng do khía cạnh kinh doanh và xã hội pha trộn cùng nhau để hấp dẫn người dùng. Tăng trưởng ấn tượng của Pinduoduo trên thị trường TMĐT nghìn tỷ đô thực sự gây bất ngờ cho nhiều người do ngành này từ lâu bị thống bị bởi Alibaba và JD.com. Chỉ trong vòng 3 năm, Pinduoduo đã thu hút khoảng 300 triệu người dùng và tiêu thụ hơn 140 tỷ nhân dân tệ (20,5 tỷ USD) hàng hóa trong năm 2017, trở thành công ty TMĐT lớn thứ ba tại Trung Quốc tính theo doanh số.
Huang khá thân với các doanh nhân tiêu biểu khác của Trung Quốc như Ding Lei của Net Ease, Sun Tongyu của Alibaba, Wang Wei của SF Express. Cả ba đều được cho là nhà đầu tư thiên thần của Pinduoduo. Theo tạp chí Caijing, năm 2006, Huang thậm chí còn ăn trưa với tỷ phú giầu thứ hai thế giới Warren Buffett.
Xuất thân khiêm tốn của Colin Huang
Xuất thân của Huang khá khiêm tốn. Anh sinh năm 1980, bố mẹ là công nhân ở ngoại ô Hàng Châu. Khi còn bé, anh bộc lộ năng khiếu toán học, giành huy chương trong cuộc thi toán và được nhận vào trường trung học Ngoại ngữ Hàng Châu dành cho học sinh xuất sắc. Tại đây, Huang bắt đầu kết nối với học sinh khác có xuất thân giầu có hơn. Khi con gái của thị trường Hàng Châu là bạn học cùng lớp, anh tự tin hơn và thoải mái hơn khi liên lạc với một vài người quyền lực nhất tại Trung Quốc. Anh từng hồi tưởng trên WeChat rằng so với các trường khác, anh được tiếp xúc với văn hóa phương tây sớm hơn, sâu sắc hơn và toàn diện hơn.
18 tuổi, Huang học khoa học máy tính tại đại học Chiết Giang, nơi anh là một trong số ít sinh viên năm nhất được tham gia quỹ Melton của nhà sáng lập Verifone Bill Melton. Huang còn thực tập tại văn phòng Bắc Kinh của Microsoft với lương 6.000 nhân dân tệ, còn cao hơn cả lương của mẹ mình.
Hành trình đến Mỹ của anh bắt đầu khi theo học thạc sỹ khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin. Ấn tượng với kết quả của học trò, giáo sư đã viết thư giới thiệu anh đến các gã khổng lồ công nghệ lớn nhất đầu những năm 2000, đó là Oracle, IBM và Microsoft. Anh được mời về làm việc tại cả ba nhưng từ chối tất cả để nhận việc tại Google năm 2004, cùng năm công ty tìm kiếm lên sàn chứng khoán.
“Microsoft đã rất ổn định. Khi đó, nếu muốn thẻ xanh, đây có lẽ là nơi tốt nhất nên đến”, Huang nói. Dù vậy, anh lựa chọn sự bất ổn khi gia nhập một startup Internet và được đền đáp. Trong 3 năm làm kỹ sư Google, cổ phiếu công ty tăng từ 85 USD lên hơn 500 USD, về cơ bản giúp anh không còn phải lo về tài chính.
Huang về Trung Quốc năm 2006, khoảng thời gian Google đang chiến đấu với Baidu để giành vị trí số 1 trên thị trường tìm kiếm. Song, anh chán việc phải đi đi về về vì những vấn đề nhỏ nhặt nhất mà phải xin chữ ký từ Larry Page và Sergey Brin – hai nhà sáng lập Google. Giọt nước tràn ly khi anh phải bay qua Thái Bình Dương chỉ để xin chữ ký quyết định thay đổi màu sắc và phông chữ các ký tự tiếng Trung hiển thị trên kết quả tìm kiếm. Ngay sau đó, anh từ chức.
Ứng dụng mua sắm Pinduoduo |
Từ Ouku đến Pinduoduo
Năm 2007, Huang về nước và khởi nghiệp bằng website TMĐT Ouku, bán điện tử tiêu dùng và đồ gia dụng. Anh bán công ty năm 2010 rồi xây dựng công ty thứ hai Leqi, giúp các nhãn hiệu nước ngoài tiếp thị cửa hàng của họ trên các nền tảng TMĐT phổ biến như Tmall, JD.com. Công ty thứ ba là xưởng game Xunmeng, phát triển các game nhập vai chơi trên web.
Khi quyết định thành lập Pinduoduo, anh chưa bao giờ nghĩ đến việc thay đổi thế giới mà chỉ muốn làm những điều đúng đắn từng bước từng bước một. Công ty ra đời năm 2015 khi thị trường TMĐT Trung Quốc đã nằm trong tay của Alibaba và JD.com. Nhờ kinh nghiệm trong lĩnh vực cũng như game, Huang tìm ra con đường để "game hóa" trải nghiệm mua sắm trực tuyến.
Nhìn thoáng qua, Pinduoduo giống với bất kỳ nền tảng nào khác. Sản phẩm được chia theo danh mục như thời trang, giầy dép, túi xách, mẹ và bé, thực phẩm, đồ điện tử, xe hơi. Bấm vào một danh mục sẽ mở ra danh sách các sản phẩm giảm giá. Điểm độc đáo ở đây là họ chỉ nhận được giảm giá nếu thuyết phục được ai đó cùng mua, vì thế họ hoặc chia sẻ với bạn bè trên WeChat hoặc liên kết với người lạ để mua với nhau.
Phần lớn người dùng của Pinduoduo đến từ các thành phố cấp thấp, nơi mức lương thấp và không giàu có. Tuy nhiên, người dùng từ các thị trường này chứng minh tiềm năng lớn cho Pinduoduo. Theo báo cáo của Goldman Sachs năm 2017, ước tính 71% người dân Trung Quốc bắt đầu mua sắm online trong vài năm tới sẽ đến từ các thành phố như trên. Năm 2015, chi tiêu TMĐT từ khu vực cũng lần đầu vượt qua các thành phố cấp một và cấp hai, theo báo cao của McKinsey. Neil Wang, Chủ tịch hãng tư vấn Frost & Sullivan tại Trung Quốc, nhận định do chi phí nhà cửa, sinh hoạt và áp lực công việc tương đối thấp, người dân tại đây có xu hướng dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn cho các sản phẩm Internet.
Pinduoduo cũng hấp dẫn người dùng thông qua các tính năng quen thuộc trong game. Chẳng hạn, có một mục cung cấp mặt hàng độc quyền cho người dùng mới như son giá 1 nhân dân tệ, đồ nướng giá 49,9 nhân dân tệ. Trong mục khác có tên "Giảm giá và mua miễn phí", người dùng được xem danh sách các sản phẩm như robot thông minh giá 72 nhân dân tệ. Bấm vào đây, họ sẽ thấy giá giảm còn 9,34 nhân dân tệ. Chia sẻ càng nhiều, giá càng giảm. Mục tiêu là để nhiều người dùng nhất có thể bấm vào mặt hàng để giảm giá còn 0 đồng dù rất khó thực hiện vì càng về sau, mức giảm giá tương ứng mỗi lần bấm vào càng nhỏ.
Bằng cách tiếp cận này, Pinduoduo trở nên nổi tiếng nhờ truyền miệng. Bạn bè nhận được liên kết mua hàng có thể thấy rằng nó rất rẻ nên bản thân cũng xem thử ứng dụng. Những người nhận được yêu cầu bấm vào để giúp giảm giá cũng sẽ tự hỏi liệu mình có thể mua hàng miễn phí như vậy không. Trên cả nước, nhiều người dùng lập ra các nhóm chat WeChat để giúp nhau săn hàng giá rẻ trên Pinduoduo.
Dù vậy, Pinduduo từ lâu bị than phiền là đổi chất lượng lấy giá, cho phép người bán cung cấp sản phẩm kém chất lượng với giá sập sàn. Kể từ khi phát hành cổ phiếu, nhiều tờ báo tiêu cực xuất hiện, chỉ trích công ty cho phép hàng giả hàng nhái trên nền tảng. Công ty bỉm Daddy's Choi của Mỹ kiện vi phạm bản quyền trước khi Pinduoduo lên sàn còn nhà sản xuất tivi Skyworth nói rằng Pinduoduo đưa nhiều sản phẩm giả mạo Skyworth lên nền tảng và yêu cầu gỡ bỏ.
Năm 2018, cơ quan điều tiết thị trường (SAMR) của Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan mở cuộc điều tra vào các đơn kiện mà họ nhận được về tình trạng hàng giả hàng nhái trên Pinduoduo. Sau đó, Pinduduo cho biết sẽ hợp tác với nhà chức trách và bổ sung cơ chế mạnh hơn để loại bỏ các sản phẩm như vậy trên nền tảng. Huang cho rằng họ phải trải qua các vấn đề mà các công ty như Alibaba nếm trải khi mới khởi nghiệp. Alibaba đã chi hàng triệu USD để chống hàng giả, bao gồm cả hệ thống trí tuệ nhân tạo tự động xác định, xóa bỏ và ngăn chặn các mặt hàng giả mạo.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/