Cổ phiếu xe điện gặp áp lực: Tesla mất mốc vốn hóa 500 tỷ USD, Warren Buffett thoái vốn khỏi BYD
Tesla ngập trong rắc rối
Đà giảm không ngừng nghỉ của cổ phiếu Tesla đã đẩy vốn hóa hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk xuống dưới 500 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020.
Kết phiên 14/12, Tesla sụt 2,6% xuống 156,8 USD/cp, nối dài chuỗi giảm từ đầu năm lên 55% và đẩy vốn hóa công ty xuống 495 tỷ USD. Tai ương của Tesla là nỗi đau của nhiều nhà đầu tư, bởi tập đoàn xe điện này là công ty có quy mô lớn thứ 6 thuộc chỉ số S&P 500. Tesla cũng là cổ phiếu giảm mạnh thứ ba của S&P 500 trong năm 2022.
Theo tờ Bloomberg, Tesla là một trong nhiều nạn nhân của nỗi lo suy thoái và các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp đã thúc đẩy nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu rủi ro và đắt đỏ, đặc biệt là nhóm công nghệ và tăng trưởng.
Tesla cũng phải đối mặt với nhiều rắc rối của riêng mình. Thiếu hụt nguồn cung, chi phí vật liệu thô leo thang, sự gián đoạn của hoạt động sản xuất đã đè nặng lên giá cổ phiếu. Trong tình thế khó khăn này, CEO Elon Musk lại bị phân tâm bởi Twitter và không dành sự tập trung cho công ty. Giá Tesla lao dốc đã khiến Elon Musk mất danh hiệu người giàu nhất thế giới.
Triển vọng cho năm 2023 của Tesla cũng không sáng sủa. Hôm 14/12, ít nhất hai nhà phân tích Phố Wall đã lên tiếng cảnh báo về Tesla và ngành xe điện nói chung. Goldman Sachs Group đã cắt giảm ước tính để phản ánh cung và cầu “thấp hơn”.
Morgan Stanley cũng lưu ý rằng nhu cầu cho xe điện đang chững lại. Ngân hàng này ước tính tỷ lệ người Mỹ sử dụng xe điện trong những năm tới sẽ thấp hơn đáng kể so với dự báo trước đây.
BYD bị Berkshire quay lưng?
Tập đoàn Berkshire Hathaway của Chủ tịch Warren Buffett tiếp tục cắt giảm cổ phần trong đại gia xe điện Trung Quốc BYD. Văn bản gửi lên cơ quan chứng khoán Hong Kong ngày 13/12 cho thấy Berkshire đã bán ra 1,3 triệu cổ phiếu BYD, qua đó đưa tỷ lệ sở hữu xuống dưới 15%. Điều này có nghĩa là Berkshire đã cắt giảm hơn 1/4 vị thế ở BYD trong vòng 5 tháng.
Tập đoàn của Warren Buffett bắt đầu công khai bán ra BYD vào tháng 8, giảm cổ phần từ 20,5% xuống 19,9%. Berkshire tăng tốc độ thoái vốn trong tháng 11. Berkshire chỉ phải tiết lộ các giao dịch bán ra từ 1% cổ phần trở lên, không cần thông báo những giao dịch nhỏ hơn.
Theo trang Webb-Site.com, giá BYD đã mất khoảng 31% kể từ khi một lượng lớn cổ phiếu được cho là của Berkshire được đưa vào hệ thống thanh toán bù trừ của sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong vào ngày 11/7. Vốn hóa công ty đã “bốc hơi” khoảng 248 tỷ HKD (31,9 tỷ USD).
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg, Giám đốc Stella Li của BYD khẳng định Warren Buffett vẫn tin tưởng vào công ty. Bà cho rằng ông chỉ đơn giản là đang rút ra một phần lợi nhuận từ khoản đầu tư đã nắm giữ lâu dài.
Berkshire hiện vẫn là cổ đông lớn nhất của cổ phiếu BYD trên sàn Hong Kong. Tập đoàn đầu tư vào nhà sản xuất xe điện này từ tháng 9/2008, mua 225 triệu cổ phiếu với giá 230 triệu USD. Giá trị số cổ phần đó tăng vọt hơn 2.700% lên 331 HKD/cp khi cổ phiếu BYD lập đỉnh lịch sử vào tháng 6 năm nay.
164 triệu cổ phiếu BYD mà Berkshire còn nắm giữ có trị giá 4,4 tỷ USD tính tới ngày 13/12. Tập đoàn đã thu về khoảng 3,4 tỷ HKD từ 6 đợt bán lớn với quy mô trên 1%. BYD đã có lúc là nhà sản xuất ô tô có vốn hóa lớn thứ ba toàn cầu, chỉ sau Tesla và Toyota.
Bất chấp sự suy yếu của giá cổ phiếu gần đây, BYD vẫn tiếp tục lập kỷ lục doanh số hàng tháng, bán được gần 230.000 xe chạy bằng năng lượng mới trong tháng 11. Công ty bán ra 534.164 chiếc xe trong quý III năm nay, trong đó một nửa là xe điện và một nửa là hybrid. Trong cùng giai đoạn, Tesla giao cho khách hàng 343.830 xe điện thuần túy.