Cổ phiếu chứng khoán nào chưa tăng bằng lần khi thanh khoản thị trường bùng nổ?
Cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay là ART của Chứng khoán BOS (tiền thân là Chứng khoán Artex). Nếu rót 1 tỷ đồng vào ART ngày cuối năm ngoái, nhà đầu tư sẽ có 3,85 tỷ đồng vào cuối phiên 3/6.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC là một trong những cổ đông của BOS. Ông đang sở hữu gần 3,16 triệu đơn vị ART, trị giá khoảng 40 tỷ đồng. Em gái ông Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga đang giữ chức Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của Chứng khoán BOS.
Tổng cộng có 14 cổ phiếu chứng khoán ghi nhận mức tăng trên 100% trong giai đoạn 31/12/2020 - 3/6/2021, trong đó có một số tên tuổi lớn như Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), Chứng khoán Rồng Việt (Mã: VDS), Chứng khoán MB (Mã: MBS), ...
Hai công ty có giá cổ phiếu giảm là Chứng khoán Kiến Thiết (Mã: CSI) và Chứng khoán APG (Mã: APG), còn lại 18 cổ phiếu ghi nhận mức tăng từ 24% đến 88%.
Trong báo cáo phân tích hồi giữa tháng 5, SSI Research cho biết 5 công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất đang lên kế hoạch tăng vốn, trong đó có 6.400 tỷ đồng đến từ phát hành quyền mua cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và/hoặc trái phiếu chuyển đổi; và 813 tỷ đồng thông qua ESOP (chương trình cổ phiếu lựa chọn cho người lao động).
Kế hoạch tăng vốn này giúp các công ty chứng khoán mở rộng hoạt động kinh doanh, đặc biệt là cho vay ký quỹ trong bối cảnh thị trường có thêm hàng trăm nghìn tài khoản mới mỗi tháng, thanh khoản mỗi phiên vượt 1 tỷ USD.
Cụ thể, Chứng khoán SSI dự định phát hành tối đa 442,7 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 4.427 tỷ đồng.
Trong đó, SSI sẽ phát hành 219 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 6:2, chào bán thêm gần 110 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 6:1 với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp, chào bán riêng lẻ 104 triệu cổ phiếu và chào bán 10 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên.
Vốn điều lệ của SSI sau phát hành dự kiến là 11.000 tỷ đồng, gấp đôi công ty chứng khoán đứng thứ 2 hiện nay là Mirae Asset Việt Nam. Cổ phiếu SSI đã tăng giá 48% so với đầu năm và 222% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chứng khoán MB (Mã: MBS) và Chứng khoán HSC (Mã: HCM) có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm lần lượt 42,9% và 50%.
Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI) dự định phát hành thêm 166,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, vốn điều lệ sau phát hành là 3.330 tỷ đồng, gấp đôi mức hiện nay.
Một công ty chứng khoán khác cũng dự định nhân đôi vốn điều lệ là VNDirect. Ngày 11/6 tới đây, VNDirect sẽ chốt danh sách cổ đông để chào bán 214 triệu cổ phiếu VND với tỷ lệ 1:1, giá chào bán là 14.500 đồng/cp. Dự kiến, công ty của Chủ tịch Phạm Minh Hương sẽ thu về khoảng 3.100 tỷ đồng.
Trong quý I vừa qua, VNDirect chiếm 7,46% thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ ở HOSE, đứng thứ 4 sau VPS, SSI và HSC.
Ở HNX và UPCoM, VNDirect nắm lần lượt 8,56% và 9% thị phần, đều đứng thứ 2 sau VPS và trên SSI.
Tháng 4 năm nay, VNDirect cùng một công ty cùng ngành là Chứng khoán BIDV (Mã: BSI) đã tự nguyện chuyển sàn sang HNX để giảm tải cho hệ thống giao dịch của HOSE và bảo vệ quyền lợi của cổ đông.
Từ ngày VND và BSI chuyển đến HNX, nhà đầu tư được mua bán thoải mái hai mã này mà không lo nghẽn lệnh. Ngoài ra, biên độ dao động giá 10% của HNX lớn hơn so với mức 7% ở HOSE, tạo cảm giác mạnh hơn cho nhà đầu tư.
Chứng khoán Tiên Phong (Mã: ORS) cũng có kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp để nhân đôi vốn điều lệ lên mức 2.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu ORS đã tăng hơn 200% so với ngày đầu năm, là mã tăng mạnh thứ 4 của ngành chứng khoán Việt Nam.