|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cổ phiếu bị bán tháo, Trung Quốc cân nhắc bơm gần 300 tỷ USD hỗ trợ thị trường

12:15 | 23/01/2024
Chia sẻ
Các nhà chức trách Trung Quốc đang nghiên cứu các biện pháp tiềm năng để ngăn chặn đà giảm của thị trường chứng khoán. Theo Bloomberg, chỉ số CSI 300 đã sụt 20% trong 9 tháng qua.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã kêu gọi các nhà chức trách hỗ trợ thị trường chứng khoán. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg). 

Nghĩ cách giải cứu

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã yêu cầu các nhà chức trách thực hiện những biện pháp mạnh mẽ hơn để ổn định thị trường chứng khoán và niềm tin của nhà đầu tư, sau khi chỉ số CSI 300 tụt xuống đáy 5 năm vào đầu tuần này.

Tại cuộc họp do ông Lý chủ trì hôm 22/1, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã nhận được một bản tóm tắt về tình hình hoạt động của thị trường vốn cũng như các thông tin liên quan.

Cơ quan này nhấn mạnh rằng các nhà chức trách cần phải nâng cao chất lượng và giá trị đầu tư của các công ty niêm yết, tăng cường dòng vốn trung vào dài hạn và củng cố sự ổn định của thị trường.

Sau cuộc họp, Bloomberg dẫn lời các nguồn tin thân cận cho biết chính phủ Trung Quốc đang tìm cách huy động khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 278 tỷ USD), chủ yếu từ tài khoản ở nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước.

Mục đích của Bắc Kinh là xây dựng quỹ bình ổn để mua cổ phiếu Trung Quốc đại lục thông qua sàn giao dịch liên kết với Hong Kong, các nguồn tin cho hay.

Họ nói thêm rằng chính phủ đã chi ít nhất 300 tỷ nhân dân tệ để đầu tư vào cổ phiếu trong nước, thông qua hai công ty nhà nước là China Securities Finance và Central Huijin Investment.

Các nhà chức trách cũng đang cân nhắc những phương án khác và có thể công bố một vài biện pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán ngay trong tuần này nếu giới lãnh đạo cấp cao phê duyệt, các nguồn tin của Bloomberg nói.

 

Cổ phiếu bị bán tháo

Cổ phiếu Trung Quốc bị bán tháo trong phần lớn năm 2023 trong bối cảnh thị trường bị ảnh hưởng bởi loạt yếu tố như khủng hoảng bất động sản và áp lực giảm phát phình to.

Theo tổng hợp của Bloomberg, chỉ số CSI 300 đã giảm khoảng 20% trong 9 tháng qua. Kết phiên giao dịch ngày 22/1, chỉ số này xuống mức thấp nhất trong 5 năm.

Ông Michael Hirson, nhà kinh tế cấp cao tại 22V Research, nhận xét: “Mặc dù bình luận của Thủ tướng Lý Cường cho thấy Bắc Kinh ngày càng lo lắng về đà sụt giảm ngày càng nghiêm trọng của thị trường chứng khoán, hướng tiếp cận của chính phủ không có thay đổi gì hơn”.

Theo vị chuyên gia, thách thức lớn nhất của thị trường hiện nay là “môi trường kinh tế vĩ mô chứ không phải yếu tố kỹ thuật”.

“Trong bối cảnh nhu cầu của khu vực tư nhân yếu kém và giảm phát kéo dài, thật khó để khích lệ nhà đầu tư suy nghĩ tích cực hơn về triển vọng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp Trung Quốc”, ông Hirson bày tỏ.

Trong quá khứ, Trung Quốc từng có thời điểm dùng tài sản nhà nước để can thiệp thị trường. Vào tháng 10 năm ngoái, quỹ đầu tư quốc gia đã thực hiện một động thái như vậy.

Trao đổi với Bloomberg, ông Gabriel Wildau, Giám đốc cấp cao tại hãng tư vấn Teneo Holdings ở New York, dự đoán Bắc Kinh có thể sẽ triển khai một số biện pháp hỗ trợ trong tương lai.

Tuy nhiên, bà lưu ý rằng chưa chắc Bắc Kinh sẽ có động thái mạnh mẽ nào để định hình lại kỳ vọng của thị trường chứng khoán.

Nhìn rộng hơn, “tại thời điểm này, rõ ràng Chủ tịch Tập Cận Bình không xem các chỉ số chứng khoán lớn là thước đo quan trọng cho sự thành công hay thất bại trong chiến lược kinh tế của mình”, ông Wildau nhận định.

Dù vậy, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán có nguy cơ làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào hệ thống tài chính của Trung Quốc, ngay thời điểm ông Tập đang cố gắng biến nước này thành một “cường quốc tài chính”.

Cùng ngày 22/1, trên một chương trình của Bloomberg, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư của BNY Mellon Wealth Management là bà Alicia Levine cho biết hãng tài chính này đã giúp khách hàng rút khỏi thị trường tỷ dân.

Yên Khê