Cổ phần hóa doanh nghiệp dầu khí hấp dẫn nhà đầu tư Đức, Nhật
4 nhà đầu tư 'tranh nhau' trở thành cổ đông chiến lược của PV Oil | |
Indian Oil, đối thủ đáng gờm trong cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược Lọc Hóa dầu Bình Sơn |
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc Chính phủ tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài thông qua các tập đoàn dầu khí lớn đã thu hút được sự quan tâm từ các gã khổng lồ như Siemens AG, Idemitsu Kosan, Indian Oil cùng nhiều tập đoàn nước ngoài khác.
Thứ trưởng nói thêm “Chúng tôi đang trong quá trình tích cực tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài” và muốn hoàn tất các thương vụ trong năm nay. Thời gian biểu cho việc bán cổ phần đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ấn định.
Theo ông Vượng, các thương vụ đang được tiến hành bao gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil, Mã: OIL) đang hợp tác với Idemitsu và SK Energy theo quan hệ đối tác chiến lược.
Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power, Mã: POW) đang thương thảo với các nhà đầu tư nước ngoài như Siemens, Ratchaburi (Thái Lan) và Taekwang (Hàn Quốc) về việc mua cổ phần chủ chốt.
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) đang đàm phán với Indian Oil về thiết lập quan hệ đối tác. Hiện công ty Ấn Độ này đang thẩm định thỏa thuận trước khi ra giá. Tháng 1 năm nay, BSR đã huy động được 5.566 tỷ đồng (245 triệu USD) từ việc bán 7,8% cổ phần tại nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 đạt mức cao nhất kể từ 2010. Nguồn: TCTK, Bloomberg. |
Việt Nam hiện cần hàng tỷ USD cho đầu tư vào cơ sở hạ tần, do vậy đẩy mạnh hoạt động thoái vốn các công ty nhà nước để tăng nguồn thu và giảm áp lực ngân sách, đồng thời cố gắng vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi tháng 1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết năm 2018 này Chính phủ sẽ thoái vốn tại 245 doanh nghiệp nhà nước.
Arun Kumar Sharma, Giám đốc tài chính của Indian Oil, xác nhận đang thương lượng với đối tác Việt Nam. Công ty Ratchaburi của Thái Lan cũng cho biết đang tìm kiếm các khoản đầu tư tiềm năng tại Việt Nam và đang đợi thêm thông tin về thương vụ. Về phần mình, Siemens, SK Energy, Taekwang và Idemitsu không có bình luận.
Ông Vũ Minh Khương, Phó Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định “Các công ty dầu khí Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng tốt nhờ vào tăng trưởng nhu cầu nội địa trong khi nguồn cung vẫn còn hạn chế.”
Chính phủ hiện nay đang dựa vào tầng lớp trung lưu mở rộng và dân số trẻ để thu hút nhà đầu tư. Năm ngoái, nhà nước đã bán cổ phần tại Tổng công ty Bia-Rượu-Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB), công ty đồ uống lớn nhất Việt Nam, cho Thai Beverage với tổng trị giá 4,8 tỷ USD (hơn 109.000 tỷ đồng.)