Có lẽ Mỹ và Trung Quốc không muốn một thỏa thuận thương mại
Thỏa hiệp không còn là cách hay trên chính trường ngày nay. (Ảnh: Bloomberg)
Để có được hòa bình thương mại, trước tiên hai bên phải muốn có hòa bình.
Đó là rào cản lớn đối với nỗ lực xuống thang cuộc chiến tranh thương mại gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đèn báo động chiến tranh thương mại bừng sáng vào nửa đêm 10/5 vì thuế quan đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc đã chính thức được nâng từ 10% lên 25% và Bắc Kinh cũng đe dọa trả đũa.
Vòng đàm phán thương mại trong hai ngày 9 và 10/5 không đem lại kết quả.
Tại thời điểm này, vấn đề đối với những người hi vọng về một giải pháp nhanh chóng chính là Mỹ và Trung dường như đang cảm thấy hoàn toàn thoải mái với hiện trạng ngày càng xấu đi một cách đáng báo động của quan hệ thương mại hai nước.
Điều này là rõ ràng nhất ở Washington. Tổng thống Donald Trump trong tuần trước tuyên bố bản thân ông "rất hạnh phúc với hơn 100 tỉ USD thuế quan lấp đầy Kho bạc Mỹ mỗi năm" và tự tin rằng chiến tranh thương mại đang làm tổn thương Trung Quốc hơn nước Mỹ.
Theo nhiều cách, chính thuế quan chứ không phải hi vọng về một thỏa thuận để thay thế nó sẽ mang lại nền tảng chính sách kinh tế tốt nhất, vốn từng đưa ông Trump lên nắm quyền.
Một trong các đề xuất chính sách chi tiết hơn được đưa ra bởi Đảng Cộng hòa trước Quốc hội sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 chính là thuế điều chỉnh biên giới - một hình thức thuế bán hàng sẽ được áp dụng đối với hàng nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, ngoại trừ hàng xuất khẩu.
Kế hoạch trên đã chấm dứt, tuy nhiên trật tự mới nổi không có gì khác biệt. Nếu thuế quan tiếp tục tăng đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc (như Nhà Trắng đang đe dọa), gần một phần ba hàng nhập khẩu không đến từ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) của Mỹ sẽ phải gánh một khoản thuế.
Nguồn: Bloomberg
Nếu mô hình này lan sang các đối tác thương mại khác của Mỹ, điểm khác biệt chính so với thuế điều chỉnh biên giới là hàng hóa sản xuất trong nước sẽ không bị đánh thuế - một kết quả tốt đẹp về mặt chính trị.
Thực tế, thuế quan - chứ không phải một thỏa thuận thương mại tiềm năng - sẽ đem lại một bức tranh kinh tế giúp Tổng thống Trump đắc cử.
Tính toán dễ hiểu này đi ngược lại thỏa thuận mà Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã dành nhiều tháng để theo đuổi.
Trong trường hợp lạc quan nhất, một thỏa thuận sẽ khiến Trung Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài bằng cách thắt chặt luật sở hữu trí tuệ; trấn áp gián điệp công nghệ; chấm dứt chuyển giao công nghệ cưỡng bức; giảm yêu cầu cấp phép và liên doanh; và kết thúc các điều kiện có lợi cho doanh nghiệp nhà nước.
Không khó để nhìn ra lí do tại sao các công ty đa quốc gia lớn của Mỹ lại bị thu hút bởi những cải cách này, tuy nhiên nếu ông Trump đang muốn giúp nước Mỹ giàu có trở lại bằng cách mang việc làm trở về chính quốc, việc khiến Trung Quốc thành một nơi kinh doanh hấp dẫn hơn dường như là một chiến thuật lạ lùng.
Tại Trung Quốc, lập luận ủng hộ leo thang chiến tranh thương mại không quá thuyết phục như ở Mỹ nhưng vẫn có những lí do để nước này muốn cuộc chiến tiếp diễn.
Cân nhắc chính trị trong nước đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ không thể để Washington gây sức ép, ngay cả khi họ có thể đáp ứng các yêu cầu của Washington.
Trên hết, các lĩnh vực có khả năng bị tổn thương nhất bởi một cuộc xung đột thương mại kéo dài chính là những ngành mà các nhà hoạch định kinh tế có tầm nhìn xa muốn bỏ lại phía sau để giúp Trung Quốc thóa khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Trong một cuộc xung đột thương mại kéo dài, việc sản xuất đồ chơi, đồ nội thất, quần áo và lắp ráp hàng điện tử khâu cuối (có lợi nhuận biên thấp) có thể sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Mexico và Việt Nam.
Điều này không hẳn quá tệ đối với một nền kinh tế coi mong muốn đẩy mạnh chuỗi giá trị theo hướng sản xuất xe chạy bằng pin, linh kiện điện tử, máy bay, robot và công nghệ y tế là một lời biện minh cho chính cuộc chiến tranh thương mại.
Phe "diều hâu" thương mại ở Bắc Kinh có thể tự an ủi với khả năng rằng, khi nỗi đau tức thời được cảm nhận ở Trung Quốc nhiều hơn, về lâu dài Mỹ cũng có thể phải gánh chịu điều tương tự.
Trong khi tăng trưởng của cả hai nền kinh tế cùng suy yếu 0,5 điểm phần trăm, thua thiệt khi không tham gia vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc đồng nghĩa với ngành sản xuất Mỹ có thể bị ảnh hưởng, theo nhận định của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Các con số này khá nhỏ nên không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo ở Washington và Bắc Kinh dường như đã sẵn sàng để tiếp tục chiến đấu, đặc biệt là với cơn gió kích thích tài chính và tín dụng hỗ trợ cho họ.
Nguồn: Quĩ Tiền tệ Quốc tế
Tuy nhiên, thế giới vẫn nên quan tâm đến việc xung đột thương mại hiện tại leo thang thành cuộc chiến tranh lạnh kéo dài. Rạn nứt sâu sắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thường là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên về một cuộc xung đột nảy lửa hơn.