|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cơ hội vàng bắt đáy bất động sản đã đến?

19:03 | 09/04/2020
Chia sẻ
Trong lịch sử, khi các cuộc khủng hoảng nổ ra, không thể khẳng định BĐS là kênh trú ẩn an toàn. Chẳng hạn vào những năm 1998 và 2008, giá BĐS tại Châu Á và Mỹ giảm đến 50% là bình thường và cũng phải mất ít nhất từ 3- 5 năm mới hồi phục trở lại.
'Thời điểm vàng để bắt đáy bất động sản chưa đến' - Ảnh 1.

Thị trường BĐS những tháng đầu năm chứng kiến hiện tượng "ngủ đông" ở hầu hết các hoạt động. (Ảnh: Dân trí)

Tác động giảm giá bán chưa rõ rệt

Thị trường bất động sản (BĐS) đang chứng kiến hiện tượng "ngủ đông" của hầu hết các hoạt động. Lượng cung, giao dịch và tỉ lệ hấp thụ đều ở mức thấp so với cùng kì các năm trước.

Song song đó, tình trạng rao bán tháo, bán cắt lỗ sản phẩm ở nhiều loại hình như căn hộ chung cư, biệt thự, căn hộ du lịch, shophouse, đất nền thổ cư…. đang diễn ra rầm rộ khiến thị trường bán tín bán nghi.

'Thời điểm vàng để bắt đáy bất động sản chưa đến' - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình từ Batdongsan.com ngày 7/4.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, diễn biến trên hoàn toàn dễ hiểu. Đặc biệt đây lại là giai đoạn khó khăn chung của thị trường do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

"Có thể thấy qua các số liệu thống kê, từ quí IV/2019, thị trường BĐS trên cả nước đã bắt đầu chững lại. Chưa kể, BĐS là một ngành có tính chu kì, sau giai đoạn tăng mạnh thì thường sẽ đến một giai đoạn đi ngang hoặc giảm xuống. Một khi thị trường hết sức chịu đựng thì thị sẽ đứng lại", TS. Đinh Thế Hiển phân tích.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, tình trạng trên không nói lên một xu hướng mà nó tùy thuộc vào từng đối tượng. Chẳng hạn, ở giai đoạn khó khăn này, những ai sử dụng đòn bẩy tài chính như vay ngân hàng nhưng không lướt sóng được, kẹt lãi thì họ sẽ muốn đẩy hàng nhanh.

Trong khi đó, không ít người đang có tâm lí chờ qua dịch hoặc cho rằng giá BĐS sẽ còn xuống nên họ không vội bỏ tiền mua, thành ra nhiều người phải chọn cách giảm giá để dễ giao dịch.

Ngoài ra, nhiều môi giới BĐS hiện nay có kĩ thuật bán hàng rất tốt, họ luôn đưa ra một mức giá hấp dẫn để lôi kéo khách. Có thể khi khách liên hệ, họ sẽ nói căn đó bán rồi và lôi kéo khách mua căn khác,…

Nói về tác động giảm giá bán, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, Việt Nam mới chỉ bước vào giai đoạn chống dịch được khoảng 2 tháng, nhiều nhà đầu tư tin tưởng dịch sẽ nhanh chóng được kiểm soát nên mặt bằng giá bán chưa giảm hoặc có giảm nhưng chưa nhiều.

Ông dẫn chứng, ở giai đoạn thị trường đóng băng lần 3 (2012 – 2013), ban đầu giá BĐS có giảm nhưng có sự thất thường, đến khi những trầm lắng của thị trường bộc lộ rõ nét thì giá mới bắt đầu giảm mạnh.

"Dù dịch bệnh có được đẩy lùi sớm hay không sớm thì những hệ quả mà dịch bệnh để lại cho nền kinh tế cũng sẽ khiến giá BĐS có xu hướng đi xuống chứ không thể tăng như kì vọng được", TS. Hiển nhận định.

Thời điểm "vàng" để bắt đáy chưa đến

Xung quanh làn sóng bán tháo BĐS, đang có nhiều nhận định cho rằng đây là thời điểm "vàng" để bắt đáy thị trường BĐS bởi giai đoạn này giá đang giảm sâu, đợi thêm nữa giá sẽ tăng lại...

Tuy nhiên, theo nhiều khảo sát, tình trạng giảm giá bán chỉ xuất hiện ở một số sản phẩm của một số đối tượng nhất định thuộc thị trường thứ cấp, không đại diện chung cho cả thị trường.

Báo cáo thị trường BĐS quí /2020 của một số đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, giá bán BĐS tại Hà Nội và TP HCM ít có sự thay đổi so với quí trước, thậm chí còn tăng cho với cùng kì năm ngoái. Hiện vẫn chưa ghi nhận tác động của đại dịch lên giá bán rõ rệt, giá bán sơ cấp vẫn duy trì ổn định.

Nói về điều này, TS. Đinh Thế Hiển phân tích: "Nói đây là thời điểm vàng đối với với thị trường chứng khoán còn có lí. Bởi có những mã cổ phiếu rất tốt mà giá đã giảm xuống 50%. Mà chứng khoán lại là một loại hình rất nhạy với thị trường, không cần kinh tế phục hồi hẳn mà chỉ cần có thông tin phục hồi thôi là giá sẽ quay đầu ngay. 

Còn nếu nói đây là thời điểm vàng để bắt đáy BĐS là chưa đúng vì thị trường vừa mới bước vào giai đoạn khó khăn, giá chưa giảm nhiều".

Song song với đó, ở thời điểm dịch bệnh như hiện nay, một câu hỏi cũng đang được rất nhiều người đặt ra đó là "NĐT nên giữa tiền mặt hay bỏ tiền vào bất động sản?"

Trả lời câu hỏi trên, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, bất động sản vốn là một trong những loại hình đầu tư tốt nhất ở Việt Nam, ít nhất là trong vài năm tới.

Vấn đề có nên bỏ tiền vào BĐS lúc này hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm và mục tiêu của nhà đầu tư. Chẳng hạn, nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn và tài chính tốt, khi gặp một sản phẩm phù hợp mà có giá tốt trong thời điểm này thì họ cũng sẵn sàng xuống tiền.

"Xét về tình hình chung, xuống tiền vào thời điểm vài tháng tới sẽ tốt hơn là xuống tiền luôn vào thời điểm này", TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

Trong giai đoạn này, theo TS. Đinh Thế Hiển, kênh trú ẩn an toàn có thể kể đến như tiền mặt (đặc biệt là những đồng tiền không bị lạm phát), vàng, trái phiếu,… Còn BĐS vẫn là một tài sản để đầu tư nên khi gặp khủng hoảng, loại tài sản này sẽ có những biến động rất lớn.

Bởi theo vị chuyên gia này, trong các cuộc khủng hoảng, không thể khẳng định BĐS là kênh trú ẩn an toàn. Ví dụ, vào những năm 1998 và 2008, giá BĐS tại Châu Á và Mỹ xuống 50% là chuyện bình thường và phải mất ít nhất từ 3- 5 năm mới hồi phục trở lại. 


Hà Lê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.