|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Có 28 thị trường nhập khẩu hơn 1 tỷ USD hàng hóa Việt Nam trong năm 2016

09:00 | 31/01/2017
Chia sẻ
Theo thống kê từ Hải quan, có 28 thị trường có kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Việt Nam trên 1 tỷ USD. Các thị trường này đã nhập tổng cộng 160,8 tỷ USD trong năm 2016, chiếm hơn 91% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong năm ngoái.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2016 tăng 9% so với năm trước đó, lên hơn 176,6 tỷ USD và nhập khẩu hàng hóa tăng hơn 5% lên hơn 174,1 tỷ USD.

Đặc biệt, tính đến hết năm, có tới 28 thị trường phải chi ra hơn 1 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

Mỹ nhập khẩu nhiều nhất hàng Việt Nam

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ trong năm ngoái tăng 15% so với năm 2015 lên 38,5 tỷ USD, và chiếm 22% tr​ong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Đáng chú ý, có 8 mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thu về trên 1 tỷ USD.

Đứng đầu là dệt may với kim ngạch đạt 11,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2015. Đây cũng là mặt hàng chiếm tới gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ.

Kế tiếp là giầy dép các loại với 4,5 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện (4,3 USD); gỗ và sản phẩm gỗ (2,7 tỷ USD), máy móc thiết bị (2,1 tỷ USD), hàng thủy sản (1,4 tỷ USD)...

Tính chung cả năm, cán cân thương mại hàng hóa song phương luôn đạt thặng dư cao về phía Việt Nam, lên đến 29,8 tỷ USD.

Ngoài ra, một số thị trường có kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Việt Nam tăng mạnh so với năm trước là, Trung Quốc (21,97 tỷ USD, tăng 28%); Nhật Bản (14,68 tỷ USD, tăng 3,9%); Hàn Quốc (gần 11,42 tỷ USD, tăng 28%).

bai tet co 28 thi truong nhap khau hon 1 ty usd hang hoa viet nam trong nam 2016
Biểu đồ: Hồng Vũ

Kim ngạch xuất khẩu sang Châu Á cao nhất

Xét về các châu lục, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2016 chủ yếu tập trung ở khu vực Châu Á với kim ngạch hơn 85,3 tỷ USD, chiếm 48% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Xếp thứ hai là Châu Mỹ với hơn 47,4 tỷ USD, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tiếp theo là các khu vực Châu Âu với 37,8 tỷ USD, EU (33,9 tỷ USD); Châu Đại Dương (3,4 tỷ USD); Châu Phi (2,7 tỷ USD)…

bai tet co 28 thi truong nhap khau hon 1 ty usd hang hoa viet nam trong nam 2016
Biểu đồ: Hồng Vũ

16 mặt hàng “tỷ USD” giữa Việt Nam và Trung Quốc

Dù Trung Quốc chỉ là thị trường xuất khẩu đứng thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ nhưng năm qua nước này vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải Quan, tính đến hết năm 2016, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa 2 nước đạt 71,9 USD.

Đáng chú ý, có 16 mặt hàng xuất - nhập khẩu giữa hai nước đạt trị giá trên 1 tỷ USD.

Trong đó, Việt Nam có 7 mặt hàng xuất vào thị trường Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập tới 9 mặt hàng từ nước này. Trong số 7 mặt hàng “tỷ đô” xuất khẩu vào Trung Quốc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng ở vị trí thứ nhất với kim ngạch đạt gần 4 tỷ USD.

Tiếp theo là rau quả đạt hơn 1,7 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 1,67tỷ USD; xơ, sợi dệt các loại đạt hơn 1,66 tỷ USD; dầu thô đạt 1,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,1 tỷ USD.

bai tet co 28 thi truong nhap khau hon 1 ty usd hang hoa viet nam trong nam 2016
Biểu đồ: Hồng Vũ

Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam phải chi tới gần 50 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, chiếm khoảng 29% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Trong đó, Việt Nam mất gần 9,2 tỷ USD để nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của Trung Quốc.

Kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng khác cũng trên tỷ USD như điện thoại các loại và linh kiện (6,1 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (6 tỷ USD); vải các loại đạt (5,4 tỷ USD); sắt thép (5,5 tỷ USD);...

bai tet co 28 thi truong nhap khau hon 1 ty usd hang hoa viet nam trong nam 2016
Biểu đồ: Hồng Vũ

Một số thị trường tiềm năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm tới

Sau khi hiệp định thương mại giữa Việt Nam và liên minh Á - Âu có hiệu lực, những hàng hóa lợi thế của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này đều đạt được những điều kiện thuận lợi về thuế. Trong đó, có khoảng 90% dòng thuế đánh vào mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang liên minh này sẽ được cắt giảm. Đặc biệt, ba nhóm hàng sẽ hưởng thuế suất 0% là thủy sản, dệt may, da giày - túi xách.

Đối với thị trường xuất khẩu gạo, trước đó, Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á nhận định châu Phi là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất gạo trong thời gian tới.

Theo Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á với số dân hơn 1 tỉ người trong khi nhu cầu tiêu thụ gạo ở châu Phi ngày càng tăng. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân châu Phi đang dần cải thiện khiến giá gạo không còn quá cao so với thu nhập nên gạo trở thành loại lương thực phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người dân nước này.

Về tình hình năm 2017, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngành Công Thương phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất công nghiệp tăng 8 - 9%.

Đặc biệt, xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức được giao (chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là 6 - 7%), nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu 3,5% kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, giá dầu và lương thực năm 2017 được dự báo có xu hướng tăng gây sức ép lạm phát tăng trở lại. Cùng đó, việc ổn định tỷ giá và lãi suất cũng sẽ gặp khó khăn do áp lực điều chỉnh theo sự tăng giá của đồng ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Năm nay, điện thoại và linh kiện, dệt may, điện tử, máy tính và linh kiện...sẽ là những nhóm mặt hàng được kỳ vọng mang về giá trị xuất khẩu cao nhất.

(Theo Báo Tiền Phong)

Hồng Vũ