|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chuyển hồ sơ sai phạm của Xi măng Phúc Sơn sang cơ quan điều tra

20:55 | 30/03/2018
Chia sẻ
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo gửi Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ về những kiến nghị của Công ty Xi măng Phúc Sơn liên quan tới kết luận kiểm toán trước đó của KTNN tại doanh nghiệp này.
chuyen ho so sai pham cua xi mang phuc son sang co quan dieu tra

Chuyển cơ quan điều tra

Tại công văn này, KTNN cho biết Công ty xi măng Phúc Sơn là một liên doanh do tập đoàn Lucky của Đài Loan đầu tư, được cấp phép đầu tư từ tháng 1/1996 với tổng vốn đầu tư 265 triệu USD, tổng công suất thiết kế là 1,8 triệu tấn/năm. Kết quả kiểm toán cho thấy công tác quản lý tài nguyên khoáng sản của Công ty xi măng Phúc Sơn chưa được quan tâm đúng mức.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường nhiều năm không kiểm tra sản lượng khai khác theo quy định của Luật Khoáng sản; việc nộp thuế hàng năm dựa trên số liệu sản lượng khai thác do doanh nghiệp tự kê khai. Mặc dù từ năm 2009, UBND huyện Thuỷ Nguyên đã có báo cáo phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nhưng UBND TP Hải Phòng chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Công ty xi măng Phúc Sơn cũng bị đánh giá là thiếu hợp tác trong suốt quá trình kiểm toán; không cung cấp hồ sơ quá trình kiểm toán và có dấu hiệu chỉnh sửa hồ sơ. Công ty quản lý mỏ không chặt chẽ, để rủi ro thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường.

“Công ty khai thác vượt công suất, dưới cốt +5m, vượt ranh giới cho phép dẫn đến khối lượng đá nguyên khai chưa kê khai tính thuế tài nguyên và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác là 8,3 triệu m3; chưa kê khai tính phí bảo vệ môi trường là 9,7 triệu m3; khối lượng tài nguyên đã khai thác dưới cốt cho phép (+5m) là 434 nghìn m3”, KTNN chỉ rõ.

KTNN tạm xác định doanh nghiệp còn phải nộp ngân sách nhà nước khoảng 266 tỷ đồng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các khoản phải nộp khác có liên quan.

Ngoài ra, theo thông tin Đoàn kiểm toán thu thập từ báo chí, Công ty Xi măng Phúc Sơn không có năng lực khai thác mà sử dụng hợp đồng thuê khoán cho các tổ chức, cá nhân trong địa bàn. “Việc khai thác hình thành “tuyệt tình cốc” không thực hiện hoàn nguyên, rất nguy hiểm; không đảm bảo an toàn cho người lao động, nhiều năm đã để xảy ra tai nạn nghiêm trọng; Công ty lựa chọn các đơn vị thuê khai thác công nghệ lạc hậu, dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nặng nề bị người dân nơi có mỏ đá phản đối”, văn bản của KTNN nêu.

KTNN khẳng định: Đây là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do Công ty Xi măng Phúc Sơn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Công ty tại Đài Loan), để đảm bảo tính khách quan và đánh giá được đầy đủ trách nhiệm của các bên có liên quan, tại Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2016 của TP.Hải phòng, KTNN chưa kiến nghị truy thu thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước đối với Công ty Xi măng Phúc Sơn.

Song, KTNN đã chuyển hồ sơ của Công ty Xi măng Phúc Sơn sang cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hải Phòng điều tra làm rõ các sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. "Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, công ty Xi măng Phúc Sơn phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật", KTNN lưu ý.

Thuê chuyên gia để “vạch” sai phạm

Để chỉ ra được kết luận nêu trên, KTNN cho hay đơn vị này đã phải rất “vất vả” trong sử dụng các biện pháp nghiệp vụ. Kiểm toán Nhà nước đã sử dụng chuyên gia theo quy định của Luật KTNN. Đơn vị chuyên gia được lựa chọn là Công ty TNHH Công nghệ Niềm Tin (Công ty Niềm Tin) với 20 năm hoạt động và phát triến, đã triển khai thành công nhiều dự án đo đạc với các công nghệ tiên tiến hiện nay; việc lựa chọn đơn vị chuyên gia đảm bảo chặt chẽ, chất lượng và mang tính khách quan, tính độc lập cao, đúng quy định của Luật KTNN, các quy trình và quy định của KTNN.

KTNN cho hay, Công ty Niềm Tin đã lựa chọn phương pháp truyền thống để đo đạc lượng khoáng sản đã khai thác (không phải đo trữ lượng còn lại) phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Đó là xây dựng số hóa mặt địa hình tại thời điểm kiểm toán so sánh với mặt địa hình khi giao mỏ làm cơ sở để xác định số lượng khoáng sản đã khai thác. Sau đó, Công ty Niềm tin sử dụng phương pháp đo bằng UAV (bao gồm mô hình số độ cao và bình đồ ảnh) để kiểm chứng lại kết quả đo đạc.

KTNN cho biết, khi Kiểm toán Nhà nước tổ chức chức Hội nghị thông báo kết quả kiểm toán, UBND TP.Hải Phòng và một số sở, ngành có liên quan có ý kiến về cơ sở pháp lý của phương pháp đo bằng UAV. Tuy nhiên, sau khi Công ty Niềm Tin trình bày rõ phương pháp đo, tại hội nghị thông báo kết quả kiểm toán, UBND TP.Hải phòng và các sở, ban ngành có liên quan đã hoàn toàn đồng thuận với cách xác định của Công ty Niềm Tin.

Đối với mô hình bề mặt địa hình khi giao mỏ, KTNN xác định lấy theo mô hình gốc tại thời điểm giao mỏ đầu tiên năm 1996. Tuy nhiên do Công ty Xi măng Phúc Sơn không cung cấp được bản đồ giao mỏ nên Công ty Niềm Tin phải sử dụng bản đồ địa hình 1/10.000 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành (đo vẽ năm 2004; hiệu chỉnh năm 2009-2010 bằng phương pháp ảnh số), phù hợp với thời điểm Công ty Xi măng Phúc Sơn bắt đầu hoạt động năm 2005 (sau 10 năm xây dựng nhà máy).

“Trong quá trình giải trình kết quả đo, Công ty Xi măng Phúc Sơn cho rằng tỉ lệ bản đồ này có sai sót rất lớn nhưng công ty này không chỉ ra được các điểm sai sót”, KTNN cho biết.

Về phần trữ lượng cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ Trại Sơn A mà Công ty Xi măng Phúc Sơn có nêu tại Công văn phản đối ngày 24/01/2018, KTNN cho rằng đó là trữ lượng gia hạn cấp phép năm 2015 (sau 10 năm khai thác), hoàn toàn không phù hợp vơi trữ lượng cấp phép ban đầu năm 1996.

Đáng chú ý, KTNN tiết lộ trong quá trình kiểm toán, Công ty Xi măng Phúc Sơn “không hợp tác trao đổi cung cấp bổ sung các tài liệu”.

Tuy vậy, KTNN vẫn khẳng định quan điểm trên là hoàn toàn không đúng. “Chuyên gia sử dụng mô hình hiện trạng thể tích ban đầu khi giao mỏ để tính toán là hoàn toàn chính xác, do đặc điểm mỏ đá vôi có tính đồng nhất giữa thể tích đường bao của mỏ với thể tích khoáng sản, hay nói cách khác các mỏ chỉ có khoáng sản đá vôi và 100% thể tích mỏ có giá trị kinh tế”, KTNN đưa ra quan điểm.

KTNN cũng khẳng định Công ty Niềm Tin đã tác nghiệp theo đúng thời gian, nội dung trong hợp đồng với KTNN và không làm việc vói Công ty Xi măng Phúc Sơn để đảm bảo tính độc lập, khách quan của số liệu và kết quả tính toán. Trong quá trình thực hiện đo đạc, KTNN cũng không nhận được bất cứ ý kiến phản hồi nào từ các bên liên quan về việc thực hiện nhiệm vụ của Công ty Niềm Tin.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoài Phương

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.