Chuyên gia Nhật hiến kế tăng năng suất lao động và cổ phần hóa DNNN
Sáng ngày 11/1, Ban Kinh tế Trung Ương đã chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức Hội thảo "Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hoá" nằm trong chuỗi sự kiện "Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018".
Ông Takashi Sakakibara, Chuyên gia của JICA phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Hoàng Kiều) |
Tại Hội thảo, ông Takashi Sakakibara - Chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đưa ra các vấn đề và giải pháp để tăng năng suất lao động tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Ông cho biết việc tăng năng suất DNNN có thể thông qua việc thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp bằng IPO, bán vốn nhà nước. Tuy nhiên quy định IPO, định giá doanh nghiệp khi bán vốn nhà nước gặp nhiều vướng mắc, ông Takashi Sakakibara đã đưa ra thực trạng và giải pháp khắc phục trong vấn đề thoái vốn nhà nước.
Cần nới lỏng hoặc xoá bỏ quy định về sở hữu nước ngoài
Ông Takashi Sakakibara đánh giá cao những biện pháp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy mục tiêu thoái vốn. Trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành thoái vốn đấu đầu công khai đối với những cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco...
Tuy nhiên ông Takashi Sakakibara cũng đặt ra câu hỏi liệu giá bán trong đấu thầu công khai các DNNN ở Việt Nam liệu có quá cao trong trường hợp đơn vị tham gia đấu thầu ít hoặc số cổ phần dự thầu ít hơn số cổ phần bán ra.
Bên cạnh đó còn một bất cập liên quan đến quy định sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 49% với lĩnh vực đầu tư có điều kiện) có làm giảm mong muốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài hay không. Qua đó, ông Takashi Sakakibara khẳng định rằng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu ban đầu là "nâng cao hiệu quả kinh doanh của DNNN hoạt dụng nguồn vốn tư nhân".
Ông Takashi Sakakibara đưa ra giải pháp rằng Chính phủ Việt Nam cần nới lỏng hoặc xoá bỏ quy định về vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, cần sửa đổi cách định giá bán ra, cải thiện thanh khoản cho thị trường chứng khoán.
Biện pháp vững chắc để nâng năng suất lao động DNNN là Chính phủ tiếp tục nắm giữ tỷ lệ nhất định cổ phiếu trong các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chiến lược. Đối với doanh nghiệp mà Chính phủ tiếp tục nắm quyền phủ quyết các vấn đề trọng yếu, phương châm chính sách để nâng cao giá trị doanh nghiệp, thúc đẩy nâng cao tính năng suất trong trung và dài hạn.
Ông cũng chia sẻ thêm rằng song song với vấn đề định giá thoái vốn cổ phần cần chú trọng nâng cao giá trị DNNN, giá trị cổ phần qua doanh thu, tốc độ tăng trưởng.
Chính phủ nên xem xét lại cách định giá cổ phần khi IPO
Về sửa đổi cách định giá, ông Takashi Sakakibara cho rằng trước khi niêm yết cần xem lại cách định giá cổ phần khi tiến hành IPO gồm cách định giá bán ra khi đấu thầu công khai và cách định giá thoái vốn cho nhà đầu tư chiến lược.
Tại quy định mới liên quan tới cổ phần hoá (Nghị định 126/2017), tổ chức tư vấn xác định gía trị cổ phần phải áp dụng nhiều phương pháp gồm phương pháp giá trị ghi sổ của tài sản thuần (Asset Method). Tuy nhiên xác định giá theo phương pháp tài sản là giá ở mức thấp nhất và dựa vào giá này để quyết định giá khởi điểm đấu thầu IPO. Dựa vào kết quả đấu thầu IPO, giá thoái vốn sẽ được quyết định căn cứ điều 22, Nghị định 126/2017.
Ông Takashi Sakakibara nhấn mạnh cách định giá trên thiếu cơ sở để giải thích một cách hợp lý việc xác định giá trị theo phương pháp tài sản là thấp nhất, cách xác định này sẽ tồn tại một đối nghịch giữa xác định giá trị cổ phần của bên bán và giá trị cổ phần của bên mua. Ông cho rằng cần xem xét lại phương pháp định giá trên.
Bên cạnh đó, sau khi niêm yết DNNN cần nâng cao tính lưu động, công bằng trên thị trường chứng khoán. Nhiều mã cổ phiếu của DNNN trước kia có tính thanh khoản thấp, dễ tạo biến động giá chứng khoán. Ông đưa ra quan điểm rằng cần xem xét lại tiêu chuẩn niêm yết để nâng cao tỷ lệ cổ phiếu lưu hành.
Tiêu chuẩn niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) là: "Tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ trừ trường hợp DNNN chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ" (trích điều 53, 1d, Nghị định 58/2012). |
Cần cụ thể hoá quy định liên quan cổ phần hoá
Theo ông Takashi Sakakibara, để thúc đẩy đầu tư của đối tác chiến lược, điều quan trọng là cần tôn trọng thông lệ M&A quốc tế, bảo về quyền lợi của nhóm cổ đông thiểu số. Theo đó, ông Takashi Sakakibara cho biết Chính phủ Việt Nam đầu tiên cần cụ thể hoá nội dung nghị định 126/2017 liên quan cổ phần hoá DNNN và quy định phương thức thoái vốn cho đối tượng là nhà đầu tư chiến lược.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường quản trị nhà nước qua Ủy ban quản lý vốn Nhà nước. Trước đó, Chính phủ đã có quyết định thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước trong năm 2018 để xoá bỏ trở ngại cho đơn vị sở hữu cổ phần.
Ủy ban mới này cũng được kỳ vọng sẽ tăng cường quản trị của DNNN và doanh nghiệp trước kia thuộc Nhà nước nhằm thúc đẩy hiệu qủa kinh doanh. Tuy nhiên, ông Takashi Sakakibara chia sẻ nội dung hoạt động cụ thể của Uỷ ban này chưa được công khai và cũng có ý kiến quan ngại về việc đảm bảo nguồn nhân lực, tài chính cho hoạt động của tổ chức.
Ông Takashi Sakakibara gợi ý Chính phủ Việt Nam cần tận dụng tích cực nguồn nhân lực từ khối tư nhân và chuyên gia nước ngoài và cần lập KPI (Key Performance Indicator) để thúc đẩy năng suất tại mỗi DNNN và theo dõi kết quả thực hiện.