|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia lí giải trường hợp 3 lần xét nghiệm âm tính lại dương tính với COVID-19 ở lần thứ 4

15:54 | 17/03/2020
Chia sẻ
Các chuyên gia lí giải, trường hợp bệnh nhân đã qua 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2, nhưng đến lần thứ 4 đã cho kết quả dương tính là điều bình thường.
Chuyên gia lí giải việc người đã xét nghiệm âm tính lại có kết quả dương tính với COVID-19 - Ảnh 1.

Khu vực cách li bệnh nhân tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. (Ảnh: VnExpress)

Tối ngày 16/3, Bộ Y tế công bố ghi nhận thêm 4 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó có một trường hợp BN59 là nữ tiếp viên chuyến bay VN0054 từ Anh về Nội Bài ngày 2/3 (là chuyến bay đã ghi nhận các trường hợp xác định mắc bệnh COVID-19 trước đó).

Nữ tiếp viên này đã cách li từ ngày 6/3, có xét nghiệm âm tính lần 1 vào ngày 7/3. Sau đó nữ tiếp viên được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội) về Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm.

Ngày 14/3, bệnh nhân có ho, sốt và kết quả xét nghiệm dương tính SARS-COV-2 ngày 15/3. Hiện bệnh nhân đang được cách li và điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiêt đới Trung ương cơ sở Đông Anh trong tình trạng sức khoẻ ổn định.

Lí giải điều này, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị cho thời điểm lấy mẫu. Mỗi loại xét nghiệm có ngưỡng phát hiện nhất định. 

Phương pháp xét nghiệm xác định người nhiễm COVID-19 hiện nay được toàn thế giới áp dụng là Realtime RT-PCR ( xác định người nhiễm COVID-19). Đây là phương pháp có độ nhạy, đặc hiệu rất cao.

Cũng theo PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm âm tính trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính là bình thường. Vì thời điểm lấy mẫu, bệnh nhân ở giai đoạn ủ bệnh, chưa đến ngưỡng phát hiện được bằng xét nghiệm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân xét nghiệm âm tính tức là trong dịch họng không tìm thấy virus. Tại thời điểm đó không lây cho người khác. 

Nhưng nếu trong thời kì ủ bệnh thì sau vài ngày bệnh nhân phát bệnh và lại trở thành dương tính. Khi đó sẽ có khả năng lây cho người khác. Vì thế, trong trường hợp F1 (những người tiếp xúc gần với bệnh nhân F0) âm tính vẫn cần cách li tập trung vì bất cứ lúc nào F1 cũng có thể trở thành dương tính.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19 (F1), nếu kết quả âm tính có nghĩa đến thời điểm xét nghiệm người đó chưa phát bệnh, chưa có khả năng lây lan cho người khác. 

"Chưa phát bệnh chứ không có nghĩa là không bị bệnh, do vậy phải tiếp tục giám sát, cách li chặt chẽ trong 14 ngày để khẳng định rằng bệnh nhân không phát bệnh trong 14 ngày đó", vị này nói.

Đến sáng ngày 17/3, Việt Nam ghi nhận 61 trường hợp nhiễm COVID-19. Trong số này 16 trường hợp đã điều trị khỏi ra viện. 45 trường hợp mới phát hiện từ ngày 6/3 đến nay và đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, có 18 người nước ngoài, 27 người Việt.

Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP HCM (8); Khánh Hòa (1); Thanh Hóa (1); Hà Nội (14); Ninh Bình (1); Quảng Ninh (5); Lào Cai (2); Đà Nẵng (3); Huế (2); Quảng Nam (3); Bình Thuận (9), Ninh Thuận (1).


Hà Lê tổng hợp