|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyên gia Goldman Sachs: Nền kinh tế thế giới đang hướng đến siêu chu kỳ mới

14:20 | 10/01/2024
Chia sẻ
Ông Peter Oppenheimer, nhà phân tích hàng đầu của Goldman Sachs, tin rằng trí tuệ nhân tạo và các nỗ lực khử carbon sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Màn hình hiển thị diễn biến của chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cuối phiên giao dịch 13/12/2023. (Ảnh: Reuters). 

Động lực mới

Ông Peter Oppenheimer, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô của Goldman Sachs tại châu Âu, khẳng định nền kinh tế thế giới đang hướng đến “siêu chu kỳ” mới. Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 8/1, ông tuyên bố: “Rõ ràng chúng ta đang bước vào một siêu chu kỳ khác”.

Siêu chu kỳ thường được định nghĩa là giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài. Khi đó, GDP liên tục lớn lên, nhu cầu mạnh mẽ dành cho hàng hóa dẫn đến giá cả đi lên và tỷ lệ người có việc làm cao.

Theo ông Oppenheimer, siêu chu kỳ lớn gần đây nhất bắt đầu vào đầu thập niên 1980. Đặc trưng của thời kỳ này là lãi suất và lạm phát đều đạt đỉnh, sau đó chi phí vốn, lạm phát và lãi suất dần đi xuống. Giai đoạn này còn gắn liền với các chính sách kinh tế mới như tư nhân hóa và quy định quản lý đơn giản hơn. Cùng lúc đó, rủi ro địa chính trị sụt giảm và xu hướng toàn cầu hóa mạnh lên.

Nhưng ông Oppenheimer lưu ý rằng các yếu tố trên không nhất thiết sẽ lặp lại. Ông nói rõ hơn: “Nhiều khả năng lãi suất sẽ không giảm mạnh trong khoảng 10 năm tới như vào những năm 1980. Còn xu hướng toàn cầu hóa đang đối mặt với lực cản và căng thẳng địa chính trị thì gia tăng”.

Cuộc chiến Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas, căng thẳng Mỹ - Trung là một số vấn đề địa chính trị khiến thị trường lo ngại trong thời gian gần đây. Theo lý thuyết, những trở ngại trên sẽ khiến lợi nhuận từ các khoản đầu tư suy yếu.

Song, ông Oppenheimer chỉ ra rằng thế giới ngày nay cũng có những yếu tố mới có khả năng tạo ra tác động tốt đến nền kinh tế, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và nỗ lực khử carbon.

AI vẫn đang ở trong giai đoạn đầu, nhưng công nghệ này ngày càng được sử dụng để làm nền tảng cho các sản phẩm và dịch vụ mới. Do đó, AI có thể tạo ra “tác động tích cực” đến thị trường chứng khoán. Chủ đề AI và khả năng thúc đẩy năng suất cũng sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Ông Oppenheimer nói tiếp: “Điều thứ hai mà chúng ta chưa chứng kiến nhưng rất có thể sẽ xảy ra là năng suất cải thiện nhờ AI. Yếu tố này có thể đem lại tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và biên lợi nhuận doanh nghiệp”.

Tấm gương quá khứ

AI và nỗ lực khử carbon là các chủ đề tương đối mới, nhưng ông Oppenheimer chỉ ra rằng lịch sử cũng có một số giai đoạn có điểm giống với hiện nay.

Một trong những giai đoạn nổi bật là khoảng thời gian đầu thập niên 1970 và 1980. Trong những năm đó, lạm phát và lãi suất cao có lẽ là vấn đề đáng ngại hơn so với hiện nay, tuy nhiên những yêu tố như căng thẳng địa chính trị leo thang, thuế phí gia tăng và quy định quản lý bị siết chặt có vẻ khá tương đồng.

Nếu nhìn theo cách khác, những xu hướng hiện tại có thể được coi là tấm gương phản chiếu những thay đổi trong quá khứ. Theo ôngOppenheimer, giai đoạn sắp tới sẽ rất giống với những gì con người đã chứng kiến vào cuối thế kỷ 19.

Giai đoạn cuối thế kỷ 19 được đánh dấu bởi quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa - được thúc đẩy bởi các tiến bộ công nghệ và cơ sở hạ tầng - cùng với sự gia tăng đáng kể của năng suất.

Điều quan trọng hơn cả là những giai đoạn quá khứ này có thể cung cấp bài học cho tương lai. Ông Oppenheimer chỉ ra: “Lịch sử cho thấy các chu kỳ và sự phá vỡ cấu trúc luôn lặp lại nhưng theo những cách khác nhau. Tôi nghĩ chúng ta cần học hỏi từ lịch sử để có được vị thế tốt nhất..."

Giang