|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia Đinh Thế Hiển: Kênh chứng khoán xuất hiện cơ hội vào cuối năm, lãi suất ngân hàng khả năng tăng

08:00 | 08/06/2019
Chia sẻ
Bên cạnh những lo ngại về chiến tranh thương mại và khó khăn trong hiện tại, vẫn có cơ sở để tin rằng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi vào cuối năm nay.

Chung với diễn biến trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua những ngày giao dịch ảm đạm khi mà tâm lý tiêu cực lấn át. Sự bất định của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, lo ngại về sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khiến phần đông ác nhà đầu tư đặt sự cẩn trọng lên trên hết. 

Người viết đã có cuộc phỏng vấn Chuyên gia Kinh tế Đinh Thế Hiển chia sẻ những góc nhìn kinh tế vĩ mô và tìm kiếm cơ hội với kênh đầu tư chứng khoán trong 6 tháng cuối năm 2019.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang là chủ đề mà giới đầu tư lo lắng nhất, trong có có các quan điểm lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

TS. Đinh Thế Hiển: Nền kinh tế toàn cầu dự báo giảm nhẹ trong năm 2019 do tác động của chiến tranh thương mại và sự suy giảm kinh tế Trung Quốc liên quan đến các nước khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các khó khăn này đã được dự báo, chuẩn bị từ những kịch bản hạ cánh cứng và mềm của kinh tế Trung Quốc trong vài năm nay.

Thay thế suy giảm của kinh tế Trung Quốc là nhiều quốc gia kém phát triển hơn nhưng có tiềm năng lớn về năng lực, tài nguyên và dân số như Ấn Độ, khu vực ASEAN, Brazil, Mexico... đang được hưởng làn sóng đầu tư FDI để thay thế hàng hóa Trung Quốc

Các động lực kinh tế này sẽ lớn hơn nền kinh tế Trung Quốc trong vòng vài năm tới. Do vậy kinh tế thế giới sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn từ năm 2020, chứ không xảy ra khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu như một số dự báo.

Hiện nay, các quốc gia mới nổi và đang phát triển như Việt Nam đang đứng trước thời cơ "thập kỷ mới" để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam được xem là một trong những lựa chọn hấp dẫn nhờ vị trí chiến lược, dân số và tiềm năng về sản xuất kinh doanh.

Nhưng trước trước mắt, nền kinh tế Việt Nam đang chịu sức ép lớn với các chỉ tiêu tăng trưởng, CPI, lãi suất và cả áp lực tỷ giá?

TS. Đinh Thế Hiển: Thực tế nền kinh tế trong nước dù có nhiều điểm sáng, nhưng vẫn còn đang khắc phục các khó khăn từ việc đầu tư ồ ạt thiếu hiệu quả giai đoạn trước. 

Lạm phát 2019 cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Về phía cung, giá lương thực, thực phẩm đang trước ngưỡng tăng do chi phí đầu vào là xăng dầu và điện nước đều đã tăng khá mạnh.

Tuy nhiên, về phía cầu thì chính sách tín dụng thận trọng và quản lý đầu tư công chặt chẽ sẽ giữ lạm phát ở mức thấp. Theo đó, dự báo CPI năm 2019 vào khoảng 4 – 5%. 

Tín dụng khả năng tăng chậm và lãi suất tăng, điều này sẽ ảnh hưởng tới các ngành đầu tư tài chính, bất động sản. 

Ngoài ra, các quy định cứng về tỷ lệ an toàn của NHNN có hiệu lực từ 2019, những doanh nghiệp có dư nợ vay cao và thuộc các lĩnh vực không khuyến khích sẽ khó tiếp cận vốn hơn trong năm 2019.

Nhưng bù lại, sự gia tăng dòng vốn FDI giải ngân vào Việt Nam trong thời gian qua và đóng góp tích cực của khối này vào GDP, thặng dư thương mại được xem là động lực mạnh nhất trong giai đoạn hiện nay.

Do đó dự báo nền kinh tế tiếp tục ổn định tích cực, với mức tăng trưởng GDP cả năm 2019 vào khoảng 6,6 – 6,8%.

Riêng về vấn đề tỷ giá tăng trong 5 tháng đầu năm, theo tôi không đáng quan ngại. Nếu xét về tổng thể (dựa theo chỉ số USD-Index, lạm phát so sánh, lãi suất...) thì tỷ giá hiện nay 23.400 đồng/USD là mức tăng vẫn hợp lý khi nhà đầu tư cá nhân nắm giữ VND vẫn có lợi hơn USD. 

Như vậy, tình hình tỷ giá hiện khoảng 1,1% vẫn chưa phải dấu hiện khó khăn cho nền kinh tế. Xu thế cuối năm 2019, tỷ giá đang bị áp lực bởi đồng USD mạnh và các đồng tiền khác để tiếp tục giảm giá so với USD. Tuy nhiên, với chính sách cung tiền hạn chế hiện nay và kiểm soát tín dụng ở mức 12 - 15% thì tỷ giá USD/VNĐ sẽ khó tăng mạnh, dao động quanh 23.500 đồng/USD.

Nếu vậy thì thị trường chứng khoán có cơ hội nào trong năm nay không thưa ông?

TS. Đinh Thế Hiển: Hiện thị trường đang có những yếu tố bất lợi từ kết quả kinh doanh, cho đến sự thu hút nguồn vốn nước ngoài. 

Trong quý I/2019, doanh thu tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ 5,1% so với cùng kỳ. Tăng trưởng lợi nhuận và lợi nhuận hoạt động (EBIT) đã suy giảm, cho thấy sức khỏe các doanh nghiệp đang có dấu hiệu đi xuống. 

Đặc biệt là ngành bất độngngân hàng là những cổ phiếu dẩn dắt thị trường, được nhận định sẽ gặp khó khăn trong năm 2019 do NH nhà nước giảm mức tăng trưởng tín dụng và hạn chế dòng tiền vào thị trường BĐS.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay cũng đang gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù P/E bình quân của VN-Index vẫn thấp hơn các thị trường khu vực; nhưng cao hơn mức bình quân trong vòng 5 năm qua. 

Bên cạnh đó, nổi lo về chiến tranh thương mại sẽ làm tăng rủi ro cho thị trường chứng khoán trong đó có Việt Nam. Trong tháng 5, xu thế bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài khá rõ rệt, ảnh hưởng tới nguồn vốn vào thị trường. 

Tóm lại, với nguồn vốn đang suy giảm, P/E vẫn ở mức khá cao; trong đó một số công ty lớn đầu ngành có P/E lên tới 18 – 20 là không hấp dẫn trong giai đoạn có sự lo ngại về bất ổn kinh tế thế giới, lãi suất huy động ngân hàng đang tăng. Do vậy, thị trường sẽ vẫn trong giai đoạn suy giảm trong quý III/2019.

Tuy nhiên, với việc kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt, thu hút dòng vốn FDI, sản xuất kinh doanh ổn định, cũng như những cơ hội mới được kỳ vọng từ sự dịch chuyển nhà máy FDI vào VN sẽ tạo ra hình ảnh tích cực vào giai đoạn cuối năm. Do vậy thị trường chứng khoán sẽ có sự phục hồi vào giai đoạn cuối năm với VN-Index sẽ ở dao động mức 1.050 điểm.

Xin cám ơn Ông!

Huy Nguyên