|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần độc lập, thuộc Chính phủ'

07:11 | 07/06/2019
Chia sẻ
Việc xác lập Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập không được Chính phủ đặt ra, nhưng đây lại là vấn đề được Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật rất quan tâm...
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần độc lập, thuộc Chính phủ - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Trình Quốc hội dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) chiều 6/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc sửa đổi ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết.

Ông Dũng cho biết, qua rà soát, Chính phủ thấy rằng có 128 điều quy định trong Luật Chứng khoán hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 94% tổng số điều.

Mặt khác, có nhiều nội dung quan trọng đối với công tác quản lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán như: trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán; thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán; thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán; trách nhiệm của sở giao dịch chứng khoán, thành viên thị trường... cần được bổ sung, sửa đổi.

Việc xác lập Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập không được Chính phủ đặt ra. Điều 9 dự thảo luật vẫn quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính.

Nhưng, đây lại là vấn đề được Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật rất quan tâm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến thành viên Uỷ ban cho rằng việc xác lập định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết.

Bởi vì, việc nâng cao vai trò, vị thế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là yêu cầu khách quan trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Trong giai đoạn trước đây, khi quy mô thị trường còn nhỏ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính là nhằm có sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực và các yếu tố để thúc đẩy phát triển, đặc biệt là gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay quy mô thị trường đã được mở rộng hơn rất nhiều với tốc độ tăng trưởng nhanh và đã trở thành nguồn cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế. Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng đang được đẩy nhanh theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, những yêu cầu đổi mới và cấu trúc lại thị trường tài chính bảo đảm bền vững (bao gồm cả thị trường vốn và thị trường tiền tệ) theo hướng giảm áp lực đối với nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về lành mạnh hóa, nâng cao vai trò của thị trường vốn trở thành một thị trường tài chính ở trình độ cao, năng động, trước hết thể hiện qua việc nâng cao địa vị pháp lý và tính độc lập của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, qua đó thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn trung - dài hạn, phục vụ cho phát triển kinh tế.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập sẽ bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO). Việc tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ giúp tăng sự minh bạch và góp phần nâng hạng thị trường, tạo niềm tin và thu hút nhiều hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy đa số các nước quy định Ủy ban chứng khoán có vị trí độc lập (121/128 quốc gia thành viên của IOSCO). Những nước còn lại có mô hình Ủy ban chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính cũng đều bảo đảm nguyên tắc độc lập và có đủ thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn, không như mô hình hiện tại của Việt Nam.

Lý do nữa là, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Chính phủ sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian trong xử lý các tình huống biến động đáp ứng tính chủ động, kịp thời.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập cũng giúp cho việc quản lý thống nhất từ ban hành quy chế, cấp và thu hồi giấy phép, bổ nhiệm nhân sự, chủ động ngân sách và nguồn lực sẽ tăng cường hiệu quả quản lý, tăng trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Điều này cũng phù hợp với các kiến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ Chính phủ Việt Nam.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Chính phủ mặc dù phát sinh thêm đầu mối về tổ chức nhưng sẽ được sắp xếp lại bảo đảm tính hiệu quả và thống nhất hơn trong giai đoạn hiện nay và về lâu dài, tách bạch giữa chức năng của cơ quan quản lý tài chính nhà nước với chức năng của các trung gian tài chính, đồng thời vẫn bảo đảm chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong trường hợp cần thiết, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày.

Nguyễn Lê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.