Chiến tranh thương mại biến Việt Nam trở thành thị trường béo bở đối với các nhà cho vay
Thị trường cho vay non trẻ ở Việt Nam đang cho thấy tiềm năng đối với các ngân hàng, mang về lợi nhuận lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á trong mảng cho vay ra nước ngoài. Theo số liệu được tổng hợp bởi Bloomberg, khối lượng cho vay hợp vốn bằng USD đã tăng lên 2 tỉ USD trong năm 2019, tăng 119% so với cùng kì năm trước
Bryan Liew, người đứng đầu mảng cho vay tại thị trường ASEAN của Standard Chartered Plc, cho biết: "Việt Nam là một điểm sáng trong thị trường cho vay hợp vốn ASEAN. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự dịch chuyển vốn sản xuất từ Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc".
Sự bùng nổ của Việt Nam diễn ra khi khối lượng cho vay ở khu vực châu Á của Nhật Bản đã giảm khoảng 25% từ đầu năm đến nay, với sự sụt giảm mạnh nhất là tại Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng sâu sắc.
Trong năm 2018, lượng cho vay từ nước ngoài nhận về của Việt Nam trong 5 lĩnh vực thiết yếu đã đạt mức kỉ lục 5,8 tỉ USD và các khoản vay ở thị trường Việt Nam vẫn chỉ chiếm khoảng 4% thị trường tại ASEAN. Hiện nay, có ít nhất 1,4 tỉ USD đã được kí kết, bao gồm cả khoản từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Các khoản vay tại Việt Nam đang cung cấp một số lợi nhuận "béo bở" nhất khu vực. Công ty tài chính tiêu dùng VPBank Finance (FE Credit) đã trả lợi tức cao hơn lãi suất Libor 275 điểm cơ bản cho khoản vay 215 triệu USD trong 364 ngày kết thúc vào cuối vào tháng 3. Trong khi đó biên lợi nhuận trung bình cho các khoản vay của một kì hạn tương tự trong ASEAN là khoảng 105 điểm cơ bản trong năm 2018.
Việt Nam cũng là một trong những nơi có tăng trưởng về nhập khẩu từ Mỹ cao nhất châu Á trong quí trước. Cùng với đó, theo thống kê từ các cơ quan chính phủ, nền kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi 7,9% GDP từ việc chuyển hướng thương mại.