|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chuyên gia: ‘Đáy thị trường BĐS rơi vào giữa tháng 8’

21:47 | 16/10/2021
Chia sẻ
Ông Đinh Hoàng Thắng, Quản lý kinh doanh cấp cao Batdongsan.com.vn nhận định đáy thị trường BĐS có thể đã rơi vào thời điểm giữa tháng 8, khi mà mức độ quan tâm chỉ còn bằng 30% so với kỷ lục của thị trường.

Sức ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến thị trường bất động sản ngày càng được thể hiện rõ rệt. Số liệu nghiên cứu thị trường của nhiều đơn vị đều chỉ ra rằng, đã có sự sụt giảm mạnh về các chỉ số như nguồn cung, mức độ quan tâm, lượng giao dịch...

Đặc biệt ở giai đoạn quý III, các hoạt động của thị trường như giới thiệu sản phẩm, sự kiện mở bán, chốt giao dịch... gần như bị "đóng băng" do hầu hết các địa phương đều thực hiện giãn cách nghiêm ngặt.

Tình hình dịch bệnh kéo dài khiến giá trị bất động sản giảm xuống, một số nhà đầu tư cho rằng đây là cơ hội để "bắt đáy", săn "hàng ngộp" trong khi chờ thị trường phục hồi hậu COVID-19.

Chuyên gia Đinh Hoàng Thắng, Quản lý kinh doanh cấp cao Batdongsan.com.vn cho biết, từ đầu năm, ông liên tục nhận được những câu hỏi của các nhà đầu tư về cơ hội "bắt đáy" thị trường như: "Hiện giờ đã là đáy của thị trường bất động sản hay chưa?”, “Giờ đã đầu tư bắt đáy được chưa?”...

Trả lời băn khoăn này, ông Thắng cho rằng, vẫn còn sớm để khẳng định chắc chắn rằng thị trường đã nhìn thấy đáy hay chưa.

Chuyên gia cho biết, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã khiến cả nền kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam đều rơi vào trầm lắng. Kết thúc quý III, tăng trưởng GDP ở mức âm 6,2% so với cùng kỳ năm 2020, là mức giảm kỷ lục của nền kinh tế.

Ở thị trường bất động sản, nguồn cung đại diện bởi lượng tin đăng rao bán bất động sản giảm tới 56% so với quý II và lượng cầu, mức độ quan tâm tìm kiếm cũng giảm đi 38%. Tuy nhiên, chưa thể nhận định mức độ sụt giảm này của thị trường đã là kỷ lục.

Cơ hội 'bắt đáy' thị trường bất động sản đã qua? - Ảnh 1.

Biểu đồ mức độ quan tâm thị trường bất động sản từ đầu năm 2021 đến nay. (Nguồn: Batdongsan.com.vn).

Lý giải cho nhận định này, ông Thắng phân tích, xét riêng sự biến động về mức độ quan tâm thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/1 tới hiện tại, có thể chia ra làm hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất là sốt đất kỷ lục vào thời điểm tháng 3. Ngay sau khi kết thúc làn sóng COVID-19 lần thứ ba, như thường lệ, thị trường bất động sản nóng lên bất thường nhưng không bất ngờ. Thời điểm này, bất động sản sốt nóng ở nhiều khu vực trên cả nước. Mức độ tìm kiếm bất động sản trong tháng 3 đạt mức kỷ lục trong 15 năm gần đây.

"Có rất nhiều người đã nói rằng nếu không làm hay đầu tư vào lúc này thì sẽ không có thời điểm nào tốt hơn nữa. Cá nhân tôi cũng tham gia giao dịch trong giai đoạn này", ông Thắng cho biết.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn mức độ quan tâm bất động suy giảm dần tương ứng với mức độ tăng cường giãn cách xã hội.

Cụ thể, nếu lấy kỷ lục từ tháng 3 làm chuẩn 100%, thì đến thời điểm tháng 5 mức độ quan tâm đã giảm xuống chỉ còn bằng 80% so với của kỷ lục. Tới tháng 7, khi giãn cách xã hội bắt đầu tăng cường nhiều hơn, chỉ số này giảm còn 65%.

"Đáy thị trường bất động sản mà mọi người rất quan tâm có thể đã rơi vào thời điểm giữa tháng 8, khi mà mức độ quan tâm chỉ còn bằng 30% so với kỷ lục của thị trường", ông Đinh Hoàng Thắng nhận định.

Sang tới những ngày đầu của quý IV, khi các biện pháp nới lỏng giãn cách đã được giảm tải, tỷ lệ được tiêm COVID-19 tăng lên thì thị trường lập tức quay trở lại, đạt ngay 55% so với kỷ lục ở tháng 3.

"Vẫn còn hơi sớm để khẳng định chắc chắn rằng thị trường đã qua đáy. Tuy vậy nếu những giải pháp nới lỏng giãn cách theo lộ trình tiếp tục được thực hiện và việc tiêm vắc-xin tiếp tục duy trì tốc độ nhanh thì kỳ vọng về sự hồi phục của cả thị trường bất động sản và nền kinh tế trong quý IV là hoàn toàn có cơ sở", ông Đinh Hoàng Thắng nhận định.

Cũng dự đoán về thị trường bất động sản quý IV, báo cáo của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, nguồn cung sản phẩm sẽ không có nhiều cải thiện, tỷ lệ hấp thụ trên toàn thị trường đạt trên 40%.

Đặc biệt, giá bất động sản quý IV sẽ được điều chỉnh tương đương cùng kỳ năm 2020. Những dự án không điều chỉnh, vẫn giữ giá như đầu quý II sẽ có tỷ lệ hấp thụ thấp.

Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang tiếp tục chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, giá đất tăng (giải phóng mặt bằng), thuế đất tăng, giá nguyên vật liệu, thiết bị và nhân công tăng...

Kiều Anh