Chuyên gia: 'Đánh thuế thu nhập cá nhân ở mức 10 triệu trở lên là tốt nhất'
[Infographic] Vì sao cách tính thuế thu nhập cá nhân mới gây tranh cãi? |
Bộ Tài chính đã chuyển hồ sơ Dự thảo Luật sửa đổi các luật về thuế để Bộ Tư pháp thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét trình Quốc hội vào năm 2018.
Dự thảo đã bổ sung thêm phương án cho thay đổi thang bậc tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền công, tiền lương từ 7 xuống 5 bậc. Về vấn đề này, trả lời báo chí, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch và đầu tư) nêu quan điểm:
"Tôi không tán thành mức 5 triệu đồng bắt đầu đánh thuế, mà phải ở mức cao hơn. Không ở mức 10 triệu thì chỉ thấp hơn mức đó một chút. Chứ mức khởi điểm 5 triệu đồng đã bắt đầu đánh thuế là thấp quá, vì tình hình chung thu nhập và cuộc sống của người dân, cán bộ công nhân viên chức hiện đang khó khăn. Vì vậy quan điểm của tôi là cần nâng mức đó lên.
Nếu được mức 10 triệu trở lên mới đánh thuế là tốt nhất, còn mức thuế thang bậc đánh bao nhiêu phần trăm thì không có gì quá lớn. Bởi thu nhập càng cao thì mức thuế thu cao cũng là bình thường nhưng phải cân nhắc cẩn thận. Vì càng lên cao thì số người bị đánh thuế lại ít đi.
- Lý do được Bộ Tài chính chọn phương án 2 là để cân bằng thu chi, tăng hướng thu cho ngân sách nhà nước, ông thấy lý do trên đã thực sự thuyết phục?
Chúng ta cứ vì mục tiêu để cân bằng thu chi ngân sách mà đánh thuế là không chính đáng. Vì muốn cân bằng phải nằm ở chỗ chi bớt đi chứ không phải cố gắng tận thu.
Còn những cái gì quy định thu thì cố gắng thu cho hết, và làm sao để thu cho hết cũng như có các giải pháp bớt tiêu cực giữa cơ quan thuế và người phải nộp thuế đi. Thứ hai phải đổi mới kỹ thuật công nghệ để thu thuế không nhất thiết phải tiếp xúc cá nhân trực tiếp giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp, người dân.
Quy trình như hiện nay là còn tiếp xúc nhiều quá. Như thế mới thu được thêm thuế vì thất thoát thuế hiện nay là do con người nhiều hơn do cơ chế. Thu là như vậy nhưng quan trọng hơn là cân bằng chi tiêu và giảm chi, kể cả các thuế hiện nay như VAT cũng phải tính đến hướng giảm chứ không phải tăng.
Chính sách của thuế cơ bản không phải là vấn đề giải quyết như lâu nay Bộ Tài chính nghĩ tới mà phải hướng đến chuyện bồi dưỡng nguồn thu, tăng sự phát triển lên, đem lại nguồn thu nhiều hơn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Khoan sức dân để phát triển kinh tế đó mới là hướng quan trọng cần chú ý tới chứ không phải là nhăm nhăm tăng nguồn thu.
- Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng thất thu thuế chủ yếu diễn ra ở khối doanh nghiệp, một phần do cán bộ thuế bắt tay với doanh nghiệp. Do đó không thể tăng thu thuế thu nhập cá nhân để bù đắp khoản thiếu hụt?
Đúng vậy, thất thu và tăng thu là 2 vấn đề khác hẳn nhau. Thuế thu nhập cá nhân chúng ta chưa phi tiền tệ hóa được nhiều lắm, cho nên cần tăng cường giao dịch chuyển khoản từ ngân hàng thì mới kiểm soát được hết. Còn phần chưa làm được phải cố gắng thu cho hết.
Hiện nay doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có tăng lên, nhưng số ngừng hoạt động cũng không ít. Riêng tháng 1/2018 cũng có 1 nửa doanh nghiệp ngừng hoạt động so với số tăng thêm. Hay cùng kỳ năm ngoái cũng như vậy.
Nói vậy để thấy khó khăn của doanh nghiệp còn rất nhiều cho nên chính sách của ta phải hạn chế đóng góp của doanh nghiệp trong vấn đề thuế và phí. Phí hiện nay chiếm 30-40% nguồn chi của doanh nghiệp. Như vậy là lớn quá, nó là hạn chế động lực của doanh nghiệp. Đó là vấn đề chúng ta cần quan tâm đến.
- Nhiều ý kiến lo ngại khi thuế, phí cao quá sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng vì ít người sẽ mua sắm hàng hóa, thưa ông?
Đúng vậy. Trong điều kiện hiện nay phải nới rộng để đóng góp cho tăng trưởng. Càng đánh thuế nhiều họ càng hạn chế tiêu dùng đi. Trong khi thu nhập của người dân chưa cao mà đã phải nộp thuế thì đó là không khuyến khích sự phát triển. Ít mua sắm sẽ không kích cầu được, không có động lực và hạn chế động lực. Do đó quan trọng là thu đúng, không để thất thu thuế, trốn thuế chứ không phải tăng thuế.
- Hiện chúng ta đang hướng đến mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp. Như vậy muốn doanh nghiệp phát triển thì thuế cũng phải tính đến tạo điều kiện cho nó phát triển chứ không phải là rào cản?
1 triệu doanh nghiệp không phải chỉ là con số mà vốn, quy mô của doanh nghiệp cũng cần mở rộng lớn hơn. Chất lượng tốt hơn chứ không phải là con số đăng ký. Quan trọng làm cho hộ gia đình trở thành doanh nghiệp chứ không phải đo đếm để tăng quy mô thu thuế lên. Cái đó là không hợp lý.
- Thưa ông, hiện chi phí không chính thức đang lớn. Khảo sát của VCCI cho thấy, doanh nghiệp dù làm đúng nhưng vẫn phải có khoản phí bôi trơn vì sợ bị cơ quan thuế bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh kiểm tra thuế. Nếu giảm chi phí không chính thức, chúng ta sẽ giúp doanh nghiệp phát triển, có tiền nộp thuế để tăng thu cho ngân sách?
Chi phí hiện nay đang lớn, trong luật đã lớn, còn ngoài luật là rất lớn. Tức là đúng chế độ theo luật quy định đã lớn, giờ lại ngoài chế độ thì quá lớn, phải bôi trơn. Mà bôi trơn chẳng biết thế nào cho vừa cả. Số liệu thống kê qua điều tra cho thấy, hơn 30% doanh nghiệp phải chi phí bôi trơn cho cơ quan thuế. Món gì chứ món này là chúng ta đi đầu đấy. Do đó chính sách thuế, phí phải đồng bộ và như hướng tôi đã nói ở trên.